Nghiêm hơn với các cuộc thi người đẹp

Thứ tư - 09/08/2023 07:06:15


Những ngày qua, Hoa hậu Thế giới Việt Nam 2023 Huỳnh Trần Ý Nhi bị cộng đồng mạng, dư luận, nhiều cơ quan báo chí phê phán vì những phát biểu ngô nghê, gây bất ngờ về văn hóa ứng xử, tri thức.

Cụ thể như: “Trong khi bạn bè đồng trang lứa dành thời gian để ngủ, để chơi, để uống trà sữa thì tôi đã tham dự cuộc thi hoa hậu. Tôi nghĩ mình trưởng thành hơn các bạn, khi mà các bạn vừa đi học vừa đi làm thì tôi đã là một hoa hậu". Trả lời câu hỏi: “Hãy kể tên 3 người nổi tiếng quê ở Bình Định”, Ý Nhi nói: “Em, nhà thơ Hàn Mặc Tử và vua Quang Trung”. 

Đã có những phản đối gay gắt cô hoa hậu này về nhận thức, thái độ; phê phán cả ban tổ chức cuộc thi trong việc rèn luyện thí sinh về ăn nói, sàng lọc thí sinh về tri thức phổ thông... Có quan điểm bao dung hơn, cho rằng cô gái trẻ còn non nớt, thiếu sự dạy dỗ cẩn thận. Có đề xuất thông cảm để hoa hậu sửa chữa, phấn đấu. Cũng có sự không đồng tình đối với văn hóa góp ý, phản biện của cộng đồng khi quá nhiều lời lẽ cay nghiệt, xúc phạm nhắm vào hoa hậu Ý Nhi.

Nghiêm hơn với


Hoa hậu Ý Nhi đã lên tiếng xin lỗi về những phát ngôn của mình. Bố của cô cũng xin lỗi, mong mọi người, xã hội thông cảm cho con gái. Nhưng câu chuyện chắc chưa thể khép lại, bởi những bức xúc về hoa hậu, những băn khoăn liên quan đến cuộc thi, những lo lắng về tình hình “lạm phát” các cuộc đua tranh sắc đẹp vẫn còn. Và còn nhiều ánh mắt theo dõi, chờ đợi những gì hoa hậu Ý Nhi sẽ thể hiện tiếp theo trong việc sửa chữa, hoàn thiện mình hơn.  

Từ sự việc gây bất bình trong dư luận này, cần liên hệ rộng ra, khi mà không ít cuộc thi nhan sắc đã nảy sinh những điều tiếng khiến công chúng thất vọng về những người đẹp, nghi ngờ mục đích các cuộc thi. Nếu nảy sinh sự cố, sai phạm thì cần xem xét trách nhiệm của những bên liên quan như các người đẹp, thí sinh và ban tổ chức cuộc thi, qua đó có hình thức xử lý phù hợp, căn cứ vào quy chế cuộc thi và quy định pháp luật về việc tổ chức các cuộc thi hoa hậu, hoa khôi, người đẹp. Cần có hình thức xử phạt phù hợp, nặng nhất là tước vương miện, danh hiệu. Điều này cũng như nhiều cuộc thi, cuộc xét chọn danh hiệu, giải thưởng khác, khi phát hiện có sai phạm, vi phạm, có những biểu hiện không xứng đáng về năng lực, phẩm chất, đạo đức của người được tôn vinh, thì danh hiệu, giải thưởng có thể bị thu hồi.   

Trong cảnh “bùng nổ” thi sắc đẹp hiện nay, nên chăng có cách định danh phù hợp, không nên để danh từ “hoa hậu” với những ý nghĩa tốt đẹp, cao quý của nó bị lạm dụng, lợi dụng. Có lẽ trong quan niệm của không ít người, những danh từ như “hoa khôi”, “người đẹp” không được sang bằng, không được “kêu” và gây thu hút bằng “hoa hậu”, nên chỉ một thời gian ngắn là xã hội lại thấy diễn ra một cuộc thi hoa hậu nào đó. Cơ quan chức năng mà cao nhất là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần quy định chặt chẽ hơn trong việc định danh các cuộc thi này. Có thể chỉ có một danh hiệu Hoa hậu Việt Nam qua cuộc thi do đơn vị có uy tín, có truyền thống tổ chức định kỳ. Các cuộc khác nên gọi là thi hoa khôi, thi người đẹp. Như vậy cũng để có sự phân biệt giữa các cuộc thi hoa hậu mang quy mô, ý nghĩa quốc gia với các cuộc thi người đẹp khu vực, địa phương hay phạm vi khác.

Ngành văn hóa, cơ quan chức năng cũng cần giám sát về mục đích, chất lượng, năng lực tổ chức các cuộc thi người đẹp, hạn chế về số lượng để tránh phát sinh ồ ạt các cuộc thi này. Nên chú trọng đến giá trị thẩm mỹ, văn hóa, tính cống hiến, hữu ích của cuộc thi đối với công chúng, với thế hệ trẻ, chứ không thể buông lỏng những hoạt động mang danh thi người đẹp nhưng không đóng góp cho sự phát triển văn hóa, xã hội.

 

Theo Quang Hưng
Quân đội Nhân nhân

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

TIN MỚI

TIN KHÁC

COLUMBIA
-->
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây