Dạy học sinh sống trung thực

Thứ sáu - 26/08/2022 06:49:45

'Một nền giáo dục có thực chất mới tạo ra xã hội thực chất. Muốn xã hội phát triển toàn diện, bền vững cần có nền giáo dục phát triển toàn diện, bền vững'.
 
Dạy học

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên nêu vấn đề này tại hội nghị tổng kết năm học 2021 - 2022 và triển khai nhiệm vụ năm học 2022 - 2023.

Ngày 25.8, UBND TP.HCM đã tổ chức hội nghị tổng kết năm học 2021 - 2022 và triển khai nhiệm vụ năm học 2022 - 2023. Ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TP.HCM; ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM; bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND TP.HCM; bà Trần Thị Kim Yến, Chủ tịch Ủy ban MTTQ VN TP.HCM... tham dự hội nghị.

Kiên trì mục tiêu chất lượng giáo dục

Tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho hay trong năm học mới ngành giáo dục sẽ tập trung xây dựng và thực hiện 14 nhiệm vụ theo phương châm “Đoàn kết kỷ cương, chủ động, sáng tạo, kiên trì mục tiêu chất lượng giáo dục”. Trong đó tiếp tục nâng cao hiệu quả cải cách hành chính, công tác quản lý nhà nước, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tăng cường tự chủ gắn với tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở giáo dục. Tăng cường chuyển đổi số, đẩy mạnh cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục và đào tạo; tăng cường các điều kiện đảm bảo và kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học trực tuyến, trên truyền hình và kiểm tra, đánh giá. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất đảm bảo thực hiện chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông cũng như kiểm tra công tác đầu tư, đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất của các cơ sở giáo dục ngoài công lập nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập của các cơ sở.

Người đứng đầu ngành GD-ĐT TP.HCM cũng nhấn mạnh việc tăng cường hội nhập quốc tế, mở rộng hợp tác với các đối tác quốc tế, tổ chức ngoại giao, tổ chức đơn vị giáo dục quốc tế có uy tín trên cơ sở phát huy tối đa năng lực trong năm học mới. Đồng thời chú trọng tăng cường năng lực tiếng Anh cho người dạy và người học, tạo lập môi trường tiếng Anh trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, nghề nghiệp. Thu hút học sinh (HS), sinh viên quốc tế và giáo viên, giảng viên quốc tế học tập và giảng dạy…

Không chạy theo thành tích ảo

Tham dự lễ tổng kết và triển khai nhiệm vụ năm học mới, ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TP.HCM, đánh giá năm 2021 ngành giáo dục TP gặp vô vàn khó khăn, thử thách, nhưng nhờ tinh thần đoàn kết, nỗ lực, quyết tâm, kiên trì, nhẫn nại... đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Muốn xã hội phát triển toàn diện, bền vững cần có nền giáo dục phát triển toàn diện, bền vững.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên

Ngành giáo dục đã thực hiện đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, phù hợp với bối cảnh của TP.HCM. Đặc biệt học kỳ 1 năm học 2021 - 2022, với tinh thần HS tạm dừng đến trường, khi TP thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, nhưng không dừng học, là thử thách mới chưa từng có. Dù vậy ngành giáo dục nhanh chóng, chủ động thích ứng, triển khai quyết liệt vừa ứng phó dịch bệnh vừa triển khai thực hiện nhiệm vụ trọng tâm của ngành, giữ được thành tích trong các cuộc thi. “Những kết quả này rất đáng hoan nghênh và trong bối cảnh khó khăn kết quả đó càng đáng trân trọng”, ông Nên nói.

Tuy nhiên, theo ông Nên cần thẳng thắn nhìn nhận giáo dục chưa đáp ứng những yêu cầu như mong mỏi của người dân. “Thành phố luôn xem giáo dục là hoạt động rất quan trọng, tác động trong mối liên hệ căn cốt đến tất cả lĩnh vực xây dựng và bảo vệ thành phố. Một nền giáo dục có thực chất mới tạo ra xã hội thực chất. Muốn xã hội phát triển toàn diện, bền vững cần có nền giáo dục phát triển toàn diện, bền vững”, Bí thư Thành ủy TP.HCM lưu ý.

Ông Nên chia sẻ khi tiếp một chính khách nước ngoài thì được biết ngay từ lớp 5 HS nước này đã có chương trình tương tác. Thầy trò cùng nhau đặt ra vấn đề rất cởi mở, các em hỏi và thầy giáo chia sẻ, trả lời rất bình đẳng. HS hỏi từ câu này đến câu khác, truy tới cùng bản chất sự việc.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên đề nghị trong năm học mới các thầy cô giáo nghĩ cách tiếp cận để dạy HS có môi trường sống trung thực. Môi trường này bắt đầu từ thái độ, nhân cách, gương mẫu ở từng cấp, của người lớn. Ông Nên cũng đề nghị ngành giáo dục không chạy theo thành tích ảo, có thành tích bao nhiêu thì báo bấy nhiêu và yêu cầu phải nói thật, làm thật, chấm điểm thật, có tiêu chí thật, có thước đo thành tích cho từng cấp, từng lớp, từng môn… để hạn chế giả dối. Chọn trung thực xứng đáng, đúng nghĩa theo sự cống hiến, nỗ lực, sáng tạo của thầy và trò.

Chưa đủ để đảm bảo 100% học sinh được học 2 buổi/ngày

Nhìn lại năm học 2021 - 2022, ông Lê Hoài Nam, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, đánh giá công tác giáo dục phổ thông có một số khó khăn, hạn chế do tình hình dịch bệnh Covid-19 kéo dài, phải thực hiện giãn cách xã hội. Việc xây dựng phương án tổ chức dạy học sao cho phù hợp với điều kiện thực tế trong từng giai đoạn trong lúc các quy định, hướng dẫn chưa thật sự đồng bộ đã có những sự lúng túng trong hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ, công tác.

Áp lực tăng dân số cơ học, mật độ dân số cao, số trường và số phòng học chưa đủ để đảm bảo 100% HS được học 2 buổi/ngày. Nhiều trường có sĩ số các lớp đông nên giáo viên rất vất vả trong việc giảng dạy và bao quát HS.

Tinh thần tự giác và ý thức chấp hành các quy định của pháp luật của ngành giáo dục ở một số trung tâm ngoại ngữ, tin học còn chưa tốt. Một số trung tâm chưa quan tâm đến nâng cấp cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, sử dụng lao động người nước ngoài, công tác phòng cháy chữa cháy, nội dung quảng cáo chưa đúng theo giấy phép được cấp.

Giáo viên chủ động, thoát ly suy nghĩ bám sát sách giáo khoa

Định hướng chuyên môn của bậc trung học trong năm học mới, theo Sở GD-ĐT TP.HCM, tối thiểu trung bình 35% nội dung chương trình giáo dục trung học được triển khai dưới hình thức trực tuyến.

Theo đó, việc dạy và học triển khai trên hệ thống không phải là cắt chương trình đưa lên internet mà là triển khai theo 3 giai đoạn: trước, trong và sau bài học nhằm tăng tính tự học, sự tích cực học tập, tăng khả năng đọc - hiểu đối với HS. Bên cạnh đó, định hướng này sẽ giúp các trường, các giáo viên chủ động, linh hoạt trong mọi tình huống và có kèm kiểm tra đánh giá sẽ giúp giáo viên lượng hóa được HS, sẽ biết HS có tự học hay không…

Riêng về việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó giám đốc Sở GD-ĐT, đề nghị các trường cần đảm bảo đúng theo hướng dẫn chung, linh động, chủ động thực hiện, không mang tâm lý chờ đợi. “Giáo viên cần thoát ly suy nghĩ dạy học bám sát sách giáo khoa mà phải sử dụng sách như một tài liệu, đồng thời tiếp cận nhiều nguồn tài liệu để xây dựng, tổ chức bài giảng cho HS. Song song đó, giảng dạy không còn dừng lại ở việc truyền thụ kiến thức mà phải hình thành được năng lực cho HS. Cách kiểm tra đánh giá không chỉ dừng lại ở việc cho ra các đề kiểm tra, các câu hỏi như những năm học trước mà có thể thay đổi cả dữ liệu để xây dựng các câu hỏi đề kiểm tra, theo hướng đánh giá năng lực HS”, ông Quốc nhấn mạnh.

 
Theo Bích Thanh
Thanh niên
 Tags: Dạy học

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

TIN MỚI

TIN KHÁC

COLUMBIA
-->
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây