Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng, một trong những lý do khiến một số không nhỏ nhà giáo chuyển việc, bỏ việc ngoài thu nhập còn có yếu tố thuộc về môi trường làm việc.
Chiều ngày 22.8, Bộ GD-ĐT phối hợp với Ủy ban Văn hóa , Giáo dục tổ chức hội nghị đẩy mạnh công tác xây dựng văn hóa học đường. Dự Hội nghị có ông Trần Thanh Mẫn, ủy viên Bộ Chính trị, Phó chủ tịch thường trực Quốc hội.
Môi trường văn hóa tốt thì người thầy cũng yên tâm, gắn bó
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc xây dựng văn hóa học đường: Bộ GD-ĐT xác định văn hóa học đường là một môi trường quan trọng để rèn luyện nhân cách và giáo dục thế hệ trẻ phát triển toàn diện đức - trí - thể - mỹ, đã tập trung chỉ đạo quyết liệt nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh việc giáo dục đạo đức, lối sống, thẩm mỹ, ứng xử văn hóa và kỹ năng sống cho trẻ em, học sinh, sinh viên.
Theo người đứng đầu ngành GD-ĐT, có một môi trường văn hóa học đường thật tốt thì không chỉ người học được hưởng thụ mà người thầy cũng gắn bó, yên tâm và cống hiến. Trong đó, lấy tinh thần của khoa học, dân chủ làm phương diện rất quan trọng để tạo nên văn hóa học đường.
Đáng chú ý, theo Bộ trưởng Kim Sơn: "Một trong những vấn đề khiến một số không nhỏ các nhà giáo chuyển việc, bỏ việc thì ngoài thu nhập còn có yếu tố thuộc về môi trường làm việc. Trong đó dân chủ trong cơ sở giáo dục còn là vấn đề đang cần phải rất nhấn mạnh".
Để xây dựng được môi trường văn hóa, dân chủ trong cơ sở giáo dục, ông Sơn cho rằng không chỉ phụ thuộc vào các nhà trường mà cần sự tham gia của xã hội, của phụ huynh.
"Trong nhà trường, mỗi một thầy cô giáo đều phải là tấm gương sáng đẹp chứ không chỉ phó thác cho một vài thầy cô làm gương", ông Sơn nói, đồng thời cũng chỉ ra rằng: "Nếu trong nhà trường các thầy cô làm gương tốt nhưng ra khỏi cổng trường gặp đầy các tấm gương xấu thì hiệu quả của việc giáo dục cũng trở nên mong manh".
Ông Sơn khẳng định quyết tâm xây dựng văn hóa học đường để giữ cho môi trường này trong sáng nhất, đẹp nhất, an toàn nhất, môi trường đậm chất văn hóa nhất; nhưng điều đó không có nghĩa là trong môi trường đó chỉ toàn trong veo mà cần làm cho các em trong chính môi trường văn hóa đó gia tăng sức đề kháng đủ khả năng để lựa chọn, đánh giá, để thẩm thấu để nhận thức và phản biện.
"Chỉ bằng con đường nâng cao bản lĩnh văn hóa, sức đề kháng văn hóa chúng ta mới có được những nhân cách, năng lực, những phẩm chất bền vững. Do vậy, việc phát triển văn hóa học đường sẽ có ý nghĩa lan tỏa và bền vững", Bộ trưởng Kim Sơn nhấn mạnh.
Bệnh thành tích, sự thiếu trung thực trong giáo dục chưa được khắc phục triệt để
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT nhắc tới nhiều văn bản chỉ đạo đã được ban hành, từ đó 100% cơ sở giáo dục đã xây dựng kế hoạch và triển khai xây dựng bộ quy tắc ứng xử. Việc lồng ghép giáo dục văn hóa học đường trong chương trình giáo dục chính khóa đang dần phù hợp, hiệu quả...
Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy công tác chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, xử lý vi phạm chưa thật sự sát sao, quyết liệt. Sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội chưa chặt chẽ; vai trò của các tổ chức đoàn thể trong nhà trường chưa được phát huy đầy đủ.
Nội dung, phương pháp giáo dục lý tưởng, đạo đức, lối sống cho học sinh chậm được đổi mới. Kỷ cương nhà trường ở một số cơ sở giáo dục chưa được quan tâm đúng mức, còn có những biểu hiện lệch chuẩn về văn hóa ứng xử. Vấn đề bạo lực học đường, bệnh thành tích, sự thiếu trung thực trong giáo dục chưa được khắc phục triệt để.
Thời gian tới, để thực hiện tốt công tác xây dựng văn hoá học đường, Bộ trưởng Kim Sơn đề nghị cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận tổ quốc, các tổ chức đoàn thể chính trị và toàn ngành giáo dục tập trung thực hiện một số nội dung trọng tâm.
Phát huy dân chủ và vai trò đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý giáo dục, các thầy giáo, cô giáo xây dựng văn hoá học đường. Tập trung xây dựng một số mô hình điểm và nhân rộng mô hình tốt.
Tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật; kịp thời điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản chỉ đạo, điều hành, quy chế, hướng dẫn liên quan tới xây dựng văn hóa học đường.
Gắn việc xây dựng và tổ chức thực hiện văn hoá học đường với việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục nói chung và tổ chức thực hiện đổi mới chương trình giáo dục nói riêng. Đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục lý tưởng, đạo đức lối sống, giáo dục pháp luật trong nhà trường.
Đồng thời, tập trung xây dựng và hướng dẫn thực hiện các chuẩn mực về văn hóa đạo đức, hành vi ứng xử trong nhà trường, ngoài nhà trường và trên không gian mạng. Xây dựng bộ tiêu chí về môi trường văn hóa học đường xanh, sạch, đẹp, kỷ cương, an toàn, lành mạnh và thân thiện...
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cũng cho rằng cần huy động các nguồn lực đầu tư nhằm hoàn thiện, bảo đảm các thiết chế văn hóa trong nhà trường như thư viện, nhà văn hóa, sân vận động;… tăng cường các điều kiện hạ tầng, cơ sở vật chất, cập nhật các quy chuẩn xây dựng trường học bảo đảm sinh thái phù hợp với môi trường giáo dục...
Theo Tuệ Nguyễn
Thanh niên