Cô Bùi Thị Hậu, giáo viên Trường THPT Ban Mai (Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ tới học sinh 5 lưu ý quan trọng khi làm bài thi tốt nghiệp THPT môn Địa lí.
Là môn thành phần trong bài thi Khoa học xã hội, Địa lí là môn học mà lý thuyết luôn gắn liền với thực tế, các dạng bài kỹ năng được phân bổ với số điểm cao. Vì vậy, để ôn tập hiệu quả môn học này, học sinh ghi nhớ những lưu ý sau:
Tuyệt đối không để mất điểm các câu hỏi dễ
Các câu hỏi dễ thường là những kiến thức cơ bản và rất quen thuộc với các vấn đề tự nhiên, kinh tế, xã hội.
Để chắc chắn có điểm câu hỏi dễ, học sinh cần ôn tập kỹ những kiến thức cơ bản; đồng thời chú ý quan tâm đến quy luật tự nhiên, kinh tế, xã hội hiển nhiên hoặc mang tính thời sự hiện nay.
Chắc chắn kỹ năng sử dụng Atlat
Theo ma trận đề tham khảo của Bộ GD&ĐT, nội dung kỹ năng atlat được phân bố tới 3,75 điểm. Vì vậy, các học sinh hãy trang bị cho mình kỹ năng sử dụng atlat chắc chắn để đạt trọn vẹn điểm nội dung này. Một số lưu ý khi sử dụng atlat đó là:
Bước 1: Xác định đúng tên bản đồ mà đề bài cho từ đó tìm đến trang bản đồ ở phần mục lục cuối cuốn Atlat (trang 31).
Bước 2: Xác định đối tượng cần tìm và học sinh chú thích ở trang atlat hoặc trang đầu tiên để xác định đúng các ký hiệu về đối tượng.
Bước 3: Lựa chọn đáp án đúng theo yêu cầu của đề bài.
Cô Bùi Thị Hậu tóm tắt các bước đơn giản gồm: Đọc kỹ câu hỏi -> Xác định trang atlat -> Xác định nội dung cần tìm -> học sinh chú thích -> tìm đối tượng cần trả lời.
Một số lưu ý đặc biệt với việc sử dụng atlat là: Thời gian đọc atlat khoảng 1,5 phút/câu; các câu Atlat làm cùng lúc để khỏi phải mở, đóng atlat nhiều lần; sử dụng atlat đúng theo quy định (không bôi vẽ, viết lên atlat).
Cố gắng hết mình ở những câu hỏi vừa
Trong đề luôn có những câu hỏi vừa sức - đây là những câu hỏi mà học sinh vừa phải có kiến thức cơ bản, vừa phải tư duy logic để phân tích, đánh giá, từ đó đưa ra lựa chọn đúng.
Với những dạng câu hỏi này, theo cô Bùi Thị Hậu, học sinh cần dành nhiều thời gian ôn tập các kiến thức trong chương trình Địa lí 12, đặc biệt phần Địa lí dân cư và Địa lí các ngành kinh tế. Cách để ôn kiến thức hiệu quả là sử dụng sơ đồ tư duy để tổng hợp và sử dụng atlat để hỗ trợ ghi nhớ tốt hơn.
Không từ bỏ ở những câu khó
Trong đề thi Địa lí luôn có tỷ lệ 20% là những câu hỏi đòi hỏi học sinh cần có kiến thức sâu và chắc chắn để có thể tự tin chọn câu trả lời đúng.
Để làm được những câu này, cô Bùi Thị Hậu khuyên học sinh cần nghiêm túc học tập, lắng nghe bài giảng, dành thời gian tự học và luyện đề nhiều thì mới có thể đạt được.
Tuy nhiên trong khi làm bài nếu học sinh gặp những câu hỏi không thể có một đáp án thực sự chính xác thì phương pháp loại trừ cũng là một cách hữu hiệu giúp các học sinh tìm ra câu trả lời đúng. Theo đó, thay vì tìm một đáp án đúng thì hãy tìm các đáp án sai, sau đó dùng phương pháp loại trừ dần dần theo mức độ ưu tiên.
Kỷ luật giữ lửa khi ôn tập
Từ nay đến ngày thi thời gian không còn xa. Nếu học sinh đã có kiến thức chắc chắn hay chưa, vẫn cần duy trì quá trình luyện tập thường xuyên không gián đoạn.
Việc thường xuyên luyện tập giúp các em giữ vững được những kiến thức đã có, bồi dưỡng thêm những kiến thức chưa chắc chắn và trau dồi về các dạng câu hỏi ở các mảng kiến thức khác nhau.
"Học sinh hãy đặt mục tiêu mỗi ngày luyện một đề, hoặc hai ngày luyện một đề và kỷ luật duy trì cho đến khi thi. Nhưng tuyệt đối không nên luyện quá nhiều đề trong một ngày. Điều này gây sự mệt mỏi và chán nản dễ bỏ cuộc.
Bên cạnh luyện các đề trên lớp, các học sinh có thể luyện đề thông qua các trang web Shub, Quizzi hoặc Azota sẽ tiện lợi và hứng thú hơn", cô Bùi Thị Hậu chia sẻ.
Theo Hải Bình
Giáo dục và Thời đại
Ý kiến bạn đọc
TIN MỚI
TIN KHÁC