Bộ Giáo dục "chốt" phương án học phí năm học mới như thế nào?

Thứ hai - 28/08/2023 18:04:52


Phương án học phí mới nhất trong năm học 2023-2024 được Bộ Giáo dục và Đào tạo trình Chính phủ theo hướng tiếp tục lùi thời gian áp dụng chính sách tăng.

bộ giáo dục


Trình phương án lùi tăng học phí thêm 1 năm 

Vấn đề "nóng" về học phí, cơ chế tài chính của giáo dục đại học được đưa ra bàn luận tại Hội nghị tổng kết năm học 2022-2023, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm học 2023-2024, do Bộ GD&ĐT tổ chức tại Trường Đại học Bách khoa TPHCM chiều 26/8. 

Trong đó, các trường quan tâm tới phương án Bộ GD&ĐT xây dựng báo cáo Chính phủ về học phí năm học 2023-2024.

Ông Ngô Văn Thịnh - Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ GD&ĐT cho biết Bộ đã nghiên cứu, xây dựng dự thảo nghị định về học phí trong năm học sắp tới, theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ.

Theo đó, chủ trương sẽ lùi thêm 1 năm việc thực hiện khung học phí như Nghị định 81. Nếu Chính phủ đồng ý phương án này, năm học tới, học sinh, sinh viên các cơ sở giáo dục công lập vẫn được hưởng chính sách học phí như các năm học trước.

Ông Thịnh chia sẻ thêm, trong quá trình làm việc với Chính phủ, Bộ cũng đã thuyết minh, thuyết phục, bảo vệ quyền lợi giúp các trường đỡ khó khăn hơn nhưng quyết định cuối cùng thuộc về Chính phủ.

Xung quanh Nghị định 81, ông Thịnh nhấn mạnh với lãnh đạo các cơ sở giáo dục đại học, nội dung điều chỉnh chỉ về lộ trình tăng học phí. Các quy định khác không thay đổi.

Dẫn chứng cụ thể, với các chương trình tiên tiến, chất lượng cao, nếu hết thời hạn 2 năm, cơ sở giáo dục không kiểm định chất lượng hoặc không đạt kiểm định phải quay lại áp dụng mức học phí như Nghị định 81 theo khối ngành đó và mức độ tự chủ của trường.

Tại hội nghị, lãnh đạo các trường đại học chia sẻ những khó khăn chồng khó khăn khi không được tăng học phí sẽ ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo.

PGS.TS Lê Quang Sơn - Phó giám đốc Đại học Đà Nẵng - bày tỏ, các trường đại học thỉnh cầu được tăng học phí, sợ rơi vào tình trạng "ăn thịt chính mình".

Đây cũng là nội dung trong phần hạn chế về giáo dục đại học được Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT Nguyễn Thu Thủy nêu ra trong hội nghị.

Nguồn lực còn hạn chế 

Vụ trưởng Thủy cho hay nguồn lực dành cho giáo dục đại học hiện còn rất hạn chế.

Những năm qua, ngân sách chi cho giáo dục đại học chỉ trên dưới 17.000 tỷ, chiếm 0,27% GDP nhưng con số thực chi chưa đến 12.000 tỷ. Tính theo số thực chi, số tiền chi chưa đạt 0,78% GDP.

Mức chi này thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực và thế giới. Các trường đại học của Việt Nam hiện vẫn dựa vào học phí là chủ yếu.

Ngoài ra, các trường đại học cũng cần giải quyết thêm những khó khăn, hạn chế ảnh hưởng tới hoạt động sự phát triển của giáo dục đại học.

Đó là: Hệ thống pháp luật chưa đồng bộ một số nội dung liên quan giữa Luật Giáo dục đại học với một số văn bản luật khác dẫn đến những vướng mắc cho các trường đại học trong quá trình thực hiện đẩy mạnh tự chủ theo Luật Giáo dục đại học nhưng vẫn phải tuân thủ, thực hiện các Luật liên quan.

Việc thực thi các văn bản quy phạm pháp luật, thực hiện tự chủ đại học còn có hạn chế, có một số vi phạm. Cơ cấu tổ chức bộ máy, đội ngũ lãnh đạo một số cơ sở đào tạo chưa được kiện toàn.

Công tác tuyển sinh vẫn cho thấy các phương thức xét tuyển phức tạp, chỉ tiêu phân bổ chưa hợp lý. Các đơn vị còn hạn chế trong thu hút nguồn lực cho phát triển khoa học, công nghệ, gắn với đào tạo sau đại học, chuyển giao công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn thừa nhận thực trạng nguồn lực cho giáo dục đại học còn hạn hẹp. Các trường buộc phải tăng số lượng tuyển sinh để có nguồn cân đối thu chi trong khi các điều kiện bảo đảm chất lượng không được đầu tư tương xứng.

Song cũng chính từ khó khăn cho thấy sự chủ động, nỗ lực cố gắng và trách nhiệm của các cơ sở giáo dục đại học trong việc thực hiện các nhiệm vụ năm học.

Ông tổng kết, hội nghị đã thống nhất nhận định đây là một năm học thành công, nhiều khởi sắc của giáo dục đại học, cũng là kết quả của một quá trình kiên trì, bền bỉ phấn đấu.

Trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn, nguồn lực cho giáo dục đại học còn hạn hẹp, cạnh tranh quốc tế trong giáo dục đại học ngày càng lớn, thì những kết quả đạt được là rất đáng ghi nhận.

Điều này cho thấy hệ thống giáo dục đại học Việt Nam có khả năng thích ứng và đổi mới, hoạt động hiệu quả và đóng góp quan trọng vào giữ vững ổn định chính trị - xã hội và an ninh quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước, Thứ trưởng đánh giá.

Thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, tồn tại, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá của giáo dục đại học năm học 2023-2024.

 

Theo Huyên Nguyễn
Dân trí

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

TIN MỚI

TIN KHÁC

COLUMBIA
-->
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây