Thi tốt nghiệp 2025 sẽ bỏ môn địa lý, bắt buộc thi lịch sử?

Thứ năm - 14/09/2023 07:06:29


Thông tin đang lan truyền trên mạng xã hội và một số phương tiện truyền thông về phương án thi tốt nghiệp năm 2025 được cho là chưa chính xác, chưa phải là phương án cuối cùng được Bộ Giáo dục chốt.

thực hư


Phía Cục Quản lý Chất lượng cho biết phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2025 vẫn đang trong quá trình hoàn thiện, Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa chốt phương án cuối cùng để trình Chính phủ.

Ngày 13/9, một số đơn vị truyền thông và mạng xã hội thông tin rằng kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 dự kiến có 4 môn bắt buộc và 6 môn lựa chọn. Trong đó, 4 môn bắt buộc là toán, ngữ văn, ngoại ngữ, lịch sử.

Các môn tự chọn gồm: Vật lý, hóa học, sinh học, giáo dục kinh tế và pháp luật, công nghệ, tin học. 

Môn ngữ văn thi theo hình thức tự luận; các môn còn lại theo hình thức trắc nghiệm.

Danh sách 10 môn thi này không bao gồm các môn học còn lại là địa lý, âm nhạc, mỹ thuật, giáo dục thể chất, giáo dục địa phương, hoạt động trải nghiệm...

Thông tin này ngay lập tức gây xôn xao dư luận bởi "số phận" 2 môn học là lịch sử và địa lý có sự khác biệt rõ ràng. Trong đó, môn lịch sử trở thành 1 trong 4 môn bắt buộc còn môn địa lý vắng bóng trong danh sách môn thi. 

Điều này đặt ra những lo ngại trong quá trình xét tuyển các ngành học liên quan sâu sắc tới môn địa lý như: Sư phạm địa lý, địa lý học, địa lý tự nhiên, địa lý kinh tế, khoa học môi trường, kỹ thuật trắc địa - bản đồ... 

Theo tìm hiểu, một phần thông tin này xuất hiện tại Thông báo số 1489/TB-BGDĐT ngày 8/9 kết luận về cuộc họp dự thảo phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn chủ trì hôm 18/8.

Nội dung văn bản chỉ nhắc tới các môn trong danh sách thi, không nhắc đến số lượng môn bắt buộc, tự chọn. 

Trao đổi về nội dung trên, phía Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT cho biết phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2025 vẫn chưa chốt phương án cuối cùng.

Nội dung cuộc họp nêu trên được phản ánh từ giữa tháng 8, đến nay đã gần 1 tháng và thực tế triển khai đã có nhiều thay đổi.

Cập nhật thông tin mới nhất đến 13/9, Bộ GD&ĐT đã thông báo đính chính thông tin trong Thông báo Kết luận số 1489/TB-BGDĐT về dự thảo phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025.

Cụ thể, Bộ GD&ĐT bổ sung thêm môn địa lý vào danh sách các môn học thi bắt buộc và các môn học lựa chọn trong Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.

Như vậy, 11 môn thi gồm: Ngữ văn, toán, ngoại ngữ, lịch sử, vật lý, hóa học, sinh học, địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật, tin học, công nghệ. Văn bản mới nhất cũng không đề cập số lượng môn thi bắt buộc là 3 hay 4, môn lịch sử có bắt buộc hay không.

Trước đó, hồi cuối tháng 8, Bộ GD&ĐT triển khai lấy ý kiến lựa chọn 1 trong 2 phương án về số môn thi cho kỳ thi tốt nghiệp từ 2025. 

Phương án 1 gồm 4 môn bắt buộc là toán, ngữ văn, ngoại ngữ, lịch sử và 2 môn tự chọn trong số các môn đã lựa chọn học.

Phương án 2 gồm 3 môn bắt buộc là toán, ngữ văn, ngoại ngữ và 2 môn tự chọn trong số các môn đã được học, trong đó có cả môn lịch sử.

Như vậy, cũng như các môn tự chọn khác, môn lịch sử có thể có mặt hoặc không có mặt trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 nếu như phương án 2 được chọn.

PGS.TS Huỳnh Văn Chương cho biết sau khi Bộ GD&ĐT tổ chức lấy ý kiến xã hội về phương án thi tốt nghiệp THPT 2025 (thời gian tiếp nhận ý kiến từ 17/3 đến 17/5), Bộ đã nhận được rất nhiều ý kiến và tiến hành tổng hợp, phân tích các đóng góp. 

"Xã hội có nhiều đề xuất về phương án thi tốt nghiệp THPT. Tôn trọng ý kiến của xã hội, vì thế, Bộ GD&ĐT tiếp tục gửi công văn về 63 tỉnh thành để tiếp tục lấy ý kiến chính thức. Các địa phương tiếp tục lấy ý kiến của cán bộ, giảng viên và đặc biệt là giáo viên. Tinh thần là sẽ thực hiện phương án tốt nhất cho xã hội", ông Chương cho hay. 

Theo Cục trưởng, việc thực hiện lấy ý kiến lần này mang tính chất chính thống, lấy ý kiến bằng pháp lý, bằng văn bản bởi Sở GD&ĐT các tỉnh thành, giáo viên là người trực tiếp dạy và sẽ đưa ra phương án nào tốt hơn.

"Trong yêu cầu chúng tôi đưa rõ việc trả lời phải rõ phương án nào tốt hơn, vì sao, tác động gì đối với tỉnh mình chứ không lấy ý kiến chung chung. Trước đó khi thực hiện lấy ý kiến toàn xã hội thì ý kiến chung chung hơn và kết quả mang tính chất tham khảo", ông Chương cho hay. 

Ông Chương thông tin thêm, các sở GD&ĐT gửi ý kiến về Bộ GD&ĐT trước ngày 10/9. Bộ sẽ tổng hợp, phân tích đề xuất phương án hợp lý báo cáo Thường trực Chính phủ trước khi công bố chính thức. 

 

Theo Huyên Nguyễn
Dân trí

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

TIN MỚI

TIN KHÁC

COLUMBIA
-->
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây