Sáng tạo, đổi mới: Tại sao trường tư làm tốt hơn trường công?

Thứ sáu - 15/09/2023 07:04:14


Bài viết "Chủ động, sáng tạo đổi mới giáo dục: Quyền của trường đến đâu?" (báo Tuổi Trẻ, 8-9) có nêu vấn đề "Đổi mới giáo dục, vì sao trường tư tốt hơn trường công?".

sáng tạo


1.Học phí

Học phí của trường tư từ cao đến rất cao so với trường công. Khoản thu này giúp trường tư có điều kiện (hơn hẳn) khi tổ chức hoạt động dạy học, giáo dục, đổi mới quản trị trường học. Đành rằng ngoài học phí, trường công có huy động sự đóng góp từ phụ huynh, nhưng nhìn chung các khoản thu này không ổn định, tập trung vào nội dung chi (do phải tuân thủ cam kết với phụ huynh, quy định sử dụng của cấp trên).

"Có thực mới vực được đạo" - điều này luôn đúng khi vận dụng vào giáo dục. Lúc còn làm hiệu trưởng một trường THPT công lập, tôi ước ngoài ngân sách cấp, trường được thu thêm 1 triệu đồng mỗi tháng/học sinh, tôi sẽ làm những chuyện "dời non, lấp bể" tại trường. Muốn trường công sáng tạo, đổi mới giáo dục mà thu học phí và ngân sách cấp như hiện nay, theo tôi, là duy ý chí!

2. Thời gian

Trường tư học trước khai giảng bốn tuần (trường công thì đừng có mơ), rồi linh hoạt mô hình dạy học (học thêm, hai buổi/ngày, bán trú, nội trú), thực hiện chương trình môn học. Sẽ có người nói trường công cũng làm được như trường tư mà. Xin thưa, khó đấy - khó từ nội bộ trường đến phụ huynh và ngặt hơn do kiểm tra, giám sát của cấp trên. "Trên đe, dưới búa", với vòng kim cô ấy, hiệu trưởng trường công sao đổi mới và sáng tạo?

3."Ngoài vòng cương tỏa"

Trường tư không xoay tít với các cuộc thi do ngành giáo dục tổ chức, chỉ tham gia một vài cuộc thi "đại diện". Vừa đỡ tốn tiền, lại vừa giảm áp lực cho ban giám hiệu, thầy cô, học sinh. Thay vào đó, họ tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm thiết thực, tươi vui, bổ ích cho trò và cho thầy cô.

Ngay cả việc coi thi, chấm thi hằng năm, như thi tốt nghiệp THPT, trường tư không tham gia. Xong tổng kết năm học, thầy cô trường tư nghỉ hè cho đến năm học mới. "Ngoài vòng cương tỏa" phải chăng là điều kiện cần cho đổi mới, sáng tạo từ trường công?

4. Giảng dạy

Trường tư đáp ứng nhu cầu học tập, học tập phân hóa của học sinh, phụ huynh học sinh. Quy chế chuyên môn, một trong những sản phẩm là kết quả ghi ở học bạ, đẹp cả thực chất và đối phó. Tại trường tư, các môn học sinh chọn làm tổ hợp xét tuyển đại học được đầu tư hơn hẳn "môn phụ". Trường công thì không thể làm như vậy, hiệu trưởng nào mà "dại dột", không sớm thì muộn sẽ "dính đòn gậy chuyên môn"! Cụm từ "toàn diện" trói hiệu trưởng, cán bộ quản lý trường công. Đổi mới giáo dục ở trường công, vì thế, nhiều lúc là tính từ.

5. Cơ sở vật chất

Trường tư có nguồn kinh phí xã hội hóa mạnh, trường lớp hiện đại, khang trang, đủ trang thiết bị, cơ sở vật chất cho dạy học và tổ chức hoạt động giáo dục thể chất, vui chơi, giải trí. Trường công, ngoại trừ một số trường chuyên và trường chất lượng cao gắn với địa phương có điều kiện thuận lợi về kinh tế, xã hội, còn lại cơ sở vật chất thiếu thốn. Có trường công chỉ mấy phòng học, còn sân chơi bãi tập, hồ bơi... "bằng không"! Đúng là cái khó bó... trường công.

6. Chủ động

Ở trường tư, hội đồng quản trị toàn quyền tuyển dụng, sắp xếp, bố trí nhân sự, chi trả lương thưởng cho giáo viên. Đến kỳ lương thì "tin, tin"; dịp lễ, tết những khoản thu nhập nhiều, ít do trường quyết định.

Ở trường công, trường tuyển dụng giáo viên - không được đâu! Lương thì được cấp theo hệ số, phụ cấp, thưởng thì chờ duyệt thu nhập tăng thêm (của mấy sếp ở phòng kế hoạch tài chính). Bị động trường công dẫn đến trạng thái nhẹ kỷ cương, không chặt trách nhiệm, muốn đổi mới giáo dục tại trường công - khó chồng khó!

Nhờ chủ động, trường tư tổ chức nhiều hoạt động cho học sinh (có hoạt động có thu) nên giáo viên trường tư thu nhập tốt hơn trường công. Ít áp lực tiêu cực, thỏa sức với kế hoạch giáo dục, môi trường làm việc cởi mở nhờ chủ động - mảnh đất màu mỡ cho thay đổi tích cực của dạy học, giáo dục.

7. Truyền thông

Trường công hay tư hiện nay đều có tuyên bố tầm nhìn, sứ mạng, các giá trị cho hôm nay và cho ngày mai. Nhưng trường tư thực hiện tốt hơn, lại rất chú trọng xây dựng hình ảnh nhà trường qua công tác truyền thông.

Phụ huynh, học sinh từ biết, hiểu, tin, gửi gắm con em theo học. Lượng "khách hàng" ngày một tăng, trường tư sàng lọc được học sinh vào trường. Chất lượng học sinh tăng, cùng với linh hoạt thực hiện chương trình, phong phú hoạt động trải nghiệm nên kết quả thi, tuyển sinh của nhiều trường tư ấn tượng.

Trong khi đó, thử vào website của trường công, hết sức nghèo nàn nội dung, tin bài cũ kỹ! Phải nói trường công lười viết, ít cập nhật hoạt động, chia sẻ thông tin và các bài viết lên các trang tin điện tử của trường và địa phương. 4.0 mà xem nhẹ truyền thông thì thua ngay ở vạch xuất phát!

 

Theo TS. Nguyễn Hoàng Chương

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

TIN MỚI

TIN KHÁC

COLUMBIA
-->
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây