Chỉ học giỏi, có thể theo khối ngành sức khỏe?

Thứ tư - 08/02/2023 06:54:07


Có mức điểm chuẩn nằm trong top với những đặc thù riêng, khối ngành sức khỏe thu hút lượng lớn hồ sơ của các thí sinh giỏi hằng năm. Thế nhưng nếu chỉ giỏi, hoặc chỉ đam mê thì liệu có theo được những ngành học này?

Chương trình Tư vấn truyền hình trực tuyến với chủ đề "Chọn ngành học cho tương lai: khối ngành khoa học sức khỏe" do Báo Thanh Niên tổ chức chiều 7.2 đã đưa ra rất nhiều lưu ý quan trọng cho thí sinh (TS) lựa chọn khối ngành sức khỏe.

Tỷ lệ chọi cao, điểm chuẩn cao

Theo tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân, khối ngành sức khỏe luôn có mức điểm chuẩn cao. Trong đó, các ngành như y đa khoa, răng hàm mặt ở mức "cao chót vót", nhiều TS dù đạt 28, 29 điểm nhưng nếu không biết sắp xếp nguyện vọng vẫn có thể bị trượt.

"Lý do đây là khối ngành có chỉ tiêu ít nhưng số lượng TS đăng ký rất đông, đặc biệt toàn TS giỏi. Bộ GD-ĐT cũng có ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào cho khối ngành này, một trong những yêu cầu là phải có học lực giỏi, điểm xét tốt nghiệp giỏi… Trong đó, ngành y đa khoa tập trung những TS có mức điểm "khủng", có năm 29 điểm mới đậu; các ngành như dược, điều dưỡng thấp hơn nhưng cũng 25 - 27 điểm. Như vậy, để có cơ hội trúng tuyển vào khối ngành này, trước hết các em phải có năng lực học tập nổi trội", tiến sĩ Hải thông tin.

Chỉ học giỏi


Thạc sĩ Trương Quang Trị, Phó trưởng phòng Công tác sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, cũng cho hay với đặc thù của nghề y, một nghề mang "trọng trách" cứu người và được xã hội tôn vinh, thì phải thật giỏi. "Bên cạnh đó, vì đặc thù là chữa bệnh cứu người, nên TS muốn theo đuổi lĩnh vực này cần phải có các tố chất quan trọng khác như lòng can đảm, tấm lòng nhân từ, yêu thương bệnh nhân. Chưa kể môi trường làm việc tại các bệnh viện, các cơ sở khám chữa bệnh có áp lực rất lớn, vô cùng cực nhọc, vất vả", thạc sĩ Trị chia sẻ.

Chính vì thế, tiến sĩ Võ Thanh Hải cũng cho rằng TS muốn chọn các ngành học này cần có sức khỏe, thể trạng tốt để có thể trực, làm việc thâu đêm, tiếp xúc với máu mà không… xỉu. "Học giỏi thôi chưa đủ, các em phải có lòng trắc ẩn, sự cảm thông, kiên nhẫn, tỉ mỉ… để làm công việc "lương y như từ mẫu". Khi bệnh nhân đau đớn hay người nhà bệnh nhân có thái độ nôn nóng, bức xúc, những người bác sĩ, điều dưỡng vẫn phải âm thầm làm việc, bình tĩnh, kiên nhẫn, thấu hiểu tâm lý…", tiến sĩ Hải nhìn nhận.

Không trúng y đa khoa thì chọn ngành gì ?

Tiến sĩ Hải cũng cho rằng khi xét tuyển các ngành về sức khỏe, TS cũng nên tham khảo thêm về thời gian học, mức học phí vì đây là những ngành có chi phí học tập rất cao và thời gian học kéo dài, nhất là ngành y đa khoa.

Một phụ huynh gửi câu hỏi về chương trình thắc mắc nếu ngành y đa khoa có mức điểm quá cao như vậy, TS vẫn muốn học khối ngành sức khỏe thì có cơ hội trúng tuyển vào những ngành học nào khác? Tiến sĩ Võ Thanh Hải thông tin: "Trước hết, nếu TS yêu thích ngành học y đa khoa, các em có thể đặt ngành học đó làm nguyện vọng 1. Tuy nhiên không nên mạo hiểm chỉ xét một nguyện vọng duy nhất, mà hãy đăng ký thêm các nguyện vọng thấp hơn. Ví dụ nguyện vọng 1 là y đa khoa hay răng hàm mặt ở trường tốp cao, thì nguyện vọng 2 vẫn là ngành y đa khoa và răng hàm mặt ở một trường có điểm chuẩn thấp hơn. Các nguyện vọng tiếp theo có thể là dược, điều dưỡng, kỹ thuật xét nghiệm. Hoặc nếu các em thấy mức điểm của mình không có cơ hội trúng tuyển các ngành đó thì có thể chọn thêm ngành gần như quản trị bệnh viện, kỹ thuật phục hồi chức năng…".

Thạc sĩ Huỳnh Trọng Hiếu, Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông Trường CĐ Đại Việt, thì cho rằng còn rất nhiều ngành khác ở bậc CĐ thuộc khối ngành sức khỏe hoặc ngành gần mà TS hoàn toàn có thể trúng tuyển như y sĩ, hộ sinh, y học cổ truyền, chăm sóc sắc đẹp…
 

Theo Mỹ Quyên
Thanh niên

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

TIN MỚI

TIN KHÁC

COLUMBIA
-->
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây