IT Business Analysis: Nghề hấp dẫn trong chuyển đổi số

Thứ hai - 06/02/2023 06:37:01


IT Business Analysis (IT BA) là một 'nhánh' phát triển tiềm năng cho sinh viên yêu thích công nghệ.

Hiện nay không ít công ty tuyển dụng chuyên viên Business Analysis (BA, phân tích nghiệp vụ hay phân tích kinh doanh) và chuyên viên IT BA (Information Technology Business Analysis -tạm gọi phân tích kinh doanh chuyên về công nghệ thông tin).

Cụ thể, chuyên viên BA có nhiệm vụ hướng dẫn doanh nghiệp cải tiến quy trình, sản phẩm, dịch vụ và phần mềm thông qua phân tích dữ liệu. Còn vai trò của chuyên viên IT BA cũng thực hiện phân tích nhưng tập trung nhiều hơn vào khía cạnh công nghệ của giải pháp. Họ hiểu rõ hơn về công nghệ để xem xét việc giải quyết một vấn đề của doanh nghiệp từ góc độ kỹ thuật.

Dù IT BA được cho là nghề "hot" nhưng vẫn chưa được giảng dạy như một chuyên ngành tại các trường đại học Việt Nam.

IT Business


"Cầu nối" giữa IT và doanh nghiệp

Đa số các chuyên viên IT BA hiện nay là sinh viên tốt nghiệp ngành công nghệ thông tin có kiến thức, kỹ năng hoặc học thêm khóa học ngắn hạn về phân tích kinh doanh.

"Nói một cách đơn giản, chuyên viên IT BA là "cầu nối" giữa giải pháp công nghệ thông tin và hoạt động doanh nghiệp để công ty vận hành ngày càng hiệu quả hơn. Các chuyên viên này trao đổi với khách hàng hoặc đội ngũ nhân sự cấp cao về thông tin, tiến độ dự án; khảo sát người dùng cuối về tính năng phần mềm và nhu cầu của họ", anh Phan Minh Hoàng (tốt nghiệp ngành kỹ thuật phần mềm, Trường ĐH Công nghệ Thông tin-ĐH Quốc gia TP.HCM) cho biết.

Với gần 5 năm kinh nghiệm làm IT BA, anh Hoàng cho biết thêm những giải pháp do chuyên viên IT BA đưa ra có thể giúp doanh nghiệp giảm đáng kể chi phí vận hành kinh doanh và nhân công, đồng thời tăng lợi nhuận.

Nhận thấy tiềm năng phát triển của nghề IT BA, một số sinh viên đang theo ngành IT học thêm những khóa học ngắn hạn về BA. "Tôi dự định theo đuổi nghề IT BA sau khi tốt nghiệp ĐH và không muốn bắt ép bản thân đi theo 'lối mòn' của những người học IT là làm lập trình viên", Hoàng Minh Tú (sinh viên năm 2, khoa công nghệ thông tin, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông Hà Nội) cho biết.

Theo Minh Tú, để theo đuổi nghề này, sinh viên cần kết hợp cả sự khéo léo trong giao tiếp, duy trì các mối quan hệ với tư duy logic, kiến thức kỹ thuật lập trình và mắt thẩm mỹ trong công đoạn thiết kế.

Trong khi đó, những sinh viên chuyên về lĩnh vực kinh doanh phải cập nhật một số kiến thức IT nếu muốn theo đuổi nghề IT BA.

Triển vọng và thách thức

Một số trường ĐH có khoa đào tạo công nghệ thông tin bổ sung các môn về BA như cơ sở dữ liệu, cơ sở lập trình, phương pháp mô hình hóa, phân tích thiết kế hệ thống thông tin...

"Trong những năm gần đây, ngành IT đang rất phát triển trên thế giới và Việt Nam, kéo theo nhu cầu nhân lực tăng cao. Các tin tuyển dụng IT BA với mức lương cao xuất hiện nhiều nên người trẻ dần biết đến nghề này. Điều này cho thấy IT BA trở thành nghề "hot" trong thời đại chuyển đổi số", ông Phạm Thi Vương, Phó viện trưởng Viện Khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo-Phó trưởng bộ môn Kỹ thuật phần mềm, Khoa Công nghệ thông tin, Trường ĐH Sài Gòn, cho biết.

Ông Vương đồng thời lưu ý sinh viên ngành công nghệ thông tin muốn theo đuổi nghề IT BA phải nắm vững kiến thức những môn liên quan đến cơ sở dữ liệu, phân tích hệ thống thông tin, quản lý dự án phần mềm, đồng thời bổ sung kiến thức nghiệp vụ BA, "kỹ năng mềm" như giao tiếp, phân tích, đàm phán... Còn nếu học trái ngành, sinh viên cần bổ sung kiến thức nền về IT, phần mềm, quy trình phần mềm, cơ sở dữ liệu, phân tích hệ thống thông tin…

Tuy nhiên, tiềm năng thường đi đôi với thách thức, một trong số đó là việc sinh viên còn có cái nhìn chưa toàn diện về IT BA khi nghĩ đây là con đường "trải đầy hoa hồng".

Là người có 4 năm tham gia đào tạo các khóa học BA tại Việt Nam, anh Trần Nguyễn Nguyên Thanh (35 tuổi, tốt nghiệp Thạc sĩ IT BA tại ĐH Charles Sturt, Úc) bày tỏ: "Nhiều người cứ nghĩ IT BA dễ dàng, là 'cứu cánh' trong sự nghiệp khi chọn sai nghề. Điều này rất nguy hiểm vì nghề này đòi hỏi rất nhiều kiến thức, kỹ năng và trải nghiệm mà tất cả đều cần thời gian, sự tích lũy và đặc biệt phải kiên trì học hỏi mới có được".

Anh Hoàng đưa ra một số lời khuyên cho chuyên viên IT BA mới vào nghề: "Điều quan trọng nhất là các bạn phải biết được dự án cần gì để tìm giải pháp phù hợp. Do đó, các bạn hãy tập trung hiểu tổng quan dự án, đừng vội lao vào phân tích và viết tài liệu khi chưa thực sự hiểu. Tiếp đến, các bạn nên đi sâu vào một mảng, ví dụ: Fintech (công nghệ tài chính), E-commerce (thương mại điện tử)... cho 'lành nghề', sau đó có thể mở rộng ra các mảng khác".

 

Theo Báo Thanh niên

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

TIN MỚI

TIN KHÁC

COLUMBIA
-->
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây