Xóa nỗi bất an trong trường học

Thứ năm - 01/12/2022 06:26:56


Tình trạng bạo lực học đường cùng mất an toàn vệ sinh thực phẩm trong bếp ăn bán trú liên tiếp diễn ra thời gian gần đây khiến dư luận lo lắng,

Xóa nỗi bất an trong


Kịp thời giải quyết những mâu thuẫn nảy sinh

Một học sinh Trường THCS Đức Giang (huyện Hoài Đức, Hà Nội) nhảy từ tầng 3 xuống sân trường khiến dư luận không khỏi bàng hoàng. Theo đó, trong tiết học thể chất, em HXQ - học sinh lớp 9A4 - đã bị các bạn trêu chọc và có một số hành vi không phù hợp. Dù giáo viên đã chấn chỉnh, yêu cầu các bạn xin lỗi nhưng em HXQ vẫn xấu hổ và muốn tự tử.

Trước đó, ngày 16/9/2022, tại Trường THCS Hà Hồi (huyện Thường Tín, Hà Nội) cũng xảy ra vụ việc học sinh đánh nhau, khiến một em bị chấn thương sọ não. Công an huyện Thường Tín đã vào cuộc điều tra và nhà trường ban hành quyết định đình chỉ học tập tạm thời một tuần với học sinh đánh bạn.

Hay tại Trường THPT Nguyễn Trung Trực (quận Gò Vấp, TPHCM), một nam sinh bị bạn đánh, đấm liên tục vào người, mặt. Điều đáng nói, nhiều học sinh khác đứng xung quanh hò hét… quay clip mà không hề có động thái can ngăn. Trước đó, do mâu thuẫn cá nhân, một nữ sinh Trường THPT Long Trường (TP Thủ Đức, TPHCM) đã gọi một nhóm người ngoài trường xông vào lớp đánh bạn.

Tình trạng học sinh mâu thuẫn, đánh nhau xảy ra dù ở trong hay ngoài trường học cũng để lại hậu quả đáng tiếc, trong đó có sang chấn tâm lý nặng nề. Điều này đặt ra yêu cầu cấp bách, buộc nhà trường phải đẩy mạnh công tác phòng, chống tai nạn thương tích, bảo đảm an toàn, an ninh trường học.

Cô Lê Thị Thúy Nga - Hiệu trưởng Trường THCS Dịch Vọng, quận Cầu Giấy (Hà Nội) - cho hay, học sinh ở độ tuổi THCS rất dễ xích mích, đánh nhau cả trong và ngoài trường học. Do đó, muốn ngăn chặn, đầu tiên công tác chủ nhiệm phải chặt chẽ. Tiếp đến, nhà trường có phòng tư vấn tâm lý, hằng tuần tổ chức hoạt động chia sẻ, gỡ rối, giải tỏa căng thẳng cho học sinh cũng như giáo viên.

Còn thầy Nguyễn Quốc Thống - Hiệu trưởng Trường THCS Đoàn Thị Điểm (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) - chia sẻ bí quyết không xảy ra tình trạng bạo lực học đường từ nhiều năm nay. Đó là tất cả hành động luôn được quản lý, giám sát chặt chẽ bằng camera lẫn con người. Thầy, cô giáo chủ nhiệm, bộ môn được yêu cầu can thiệp kịp thời khi phát hiện dấu hiệu mâu thuẫn của học sinh trong lớp.

Sau giờ học, nhà trường cử giáo viên đứng ở cổng trường giám sát, nếu thấy trò tụ tập có biện pháp can thiệp kịp thời. Ngoài ra, giáo viên liên tục nhắc nhở học sinh phải tuân thủ các quy định, nội quy trường lớp. Khi xảy ra tình huống như đánh nhau, nhà trường sẽ mời cha mẹ học sinh lên cùng trao đổi, cho các em viết bản tường trình sự việc, cam kết không tái phạm.

Xóa nỗi bất an về an toàn thực phẩm

Cùng với nỗi lo về bạo lực học đường, vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP) trong trường học một lần nữa lại thu hút được sự quan tâm của dư luận sau vụ việc hàng trăm học sinh Trường iSchool Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) bị ngộ độc thực phẩm sau khi dùng bữa trưa tại trường, trong đó có 1 trẻ tử vong.

Ngay sau sự việc xảy ra, UBND tỉnh Khánh Hòa đã chỉ đạo sở GD&ĐT lập các đoàn kiểm tra bếp ăn tập thể tại trường mầm non, tiểu học có tổ chức bán trú, đặc biệt là trường tư thục và quốc tế. Đối với trường hợp bếp ăn không bảo đảm ATTP, sở GD&ĐT xử lý, đình chỉ hoạt động.

Còn tại TPHCM, sở GD&ĐT đã phối hợp với Ban Quản lý ATTP thành phố kiểm tra, giám sát các bếp ăn tập thể. Đồng thời chỉ đạo trường học xây dựng kế hoạch, phối hợp với ban đại diện cha mẹ học sinh giám sát việc chế biến, giá thành bữa ăn. Hai đơn vị sẽ lập đoàn giám sát các trường học, nhất là khối tiểu học, mầm non về bảo đảm ATTP.

Sở GD&ĐT Hà Nội đã phối hợp với Sở Y tế thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành giám sát bếp ăn bán trú trường học. Trong quá trình kiểm tra, một số trường còn thiếu hồ sơ pháp lý; điều kiện về cơ sở vật chất, vệ sinh trang thiết bị, dụng cụ chế biến, nấu ăn chưa đạt, đoàn kiểm tra liên ngành đã yêu cầu đơn vị khắc phục, chấn chỉnh kịp thời.

Cùng với đó, các trường cũng luôn sát sao trong quá trình nấu ăn, truy xuất nguồn gốc thực phẩm, đồng thời phối hợp với đại diện ban cha mẹ học sinh để giám sát chất lượng bữa ăn bán trú. Cô Phương Thị Thìn - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Văn Yên (quận Hà Đông, Hà Nội) - chia sẻ: Ban giám hiệu phân công lãnh đạo, giáo viên có mặt tại trường để kiểm tra nhãn hàng, tem mác, định lượng khẩu phần ăn của học sinh. Trong quá trình sơ chế, nhà trường cũng thường xuyên cử người giám sát, đặc biệt là bộ phận y tế.

Theo bà Trần Lưu Hoa - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, từ đầu năm học, sở có văn bản yêu cầu các trường chủ động thiết lập, công khai đường dây nóng để tiếp nhận và kịp thời xử lý thông tin liên quan đến an ninh, an toàn trường học và bạo lực học đường. Mỗi khi có tình trạng bạo lực học đường được phản ánh, sở chỉ đạo các đơn vị, nhà trường vào cuộc quyết liệt để xử lý dứt điểm.

Sau sự việc ngộ độc thực phẩm ở Khánh Hòa, thực hiện chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT Hà Nội đã yêu cầu tăng cường công tác bảo đảm vệ sinh, ATTP trong các cơ sở giáo dục; huy động sự tham gia của ban đại diện cha mẹ học sinh nhà trường trong việc giám sát công tác chăm sóc sức khỏe học sinh, ATTP, vệ sinh trường học; phát hiện và xử lý kịp thời hành vi vi phạm nhằm bảo đảm sức khỏe cho học sinh.

 

Theo Vân Anh
Giáo dục và Thời đại

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

TIN MỚI

TIN KHÁC

COLUMBIA
-->
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây