Người viết nhận thấy tình trạng dạy thêm, học thêm vẫn y như cũ, thậm chí là khối lớp 1, 6 và 7 học sinh lại có nhu cầu đi học thêm nhiều hơn trước.
Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã được thực ở các khối lớp 1, 2, 3, 6, 7 và 10.
Trước khi thực hiện việc đổi mới, nhiều người đã kỳ vọng với sự thay đổi chương trình theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất học sinh, chú trọng nhiều đến kỹ năng thực hành hơn lý thuyết thì sẽ giảm tải được việc học, giảm áp lực cho cả thầy và trò ở các nhà trường phổ thông.
Và khi đó, học sinh sẽ không còn phải đi học thêm như khi học chương trình giáo dục phổ thông cũ nữa.
Tuy thế, đã 2 năm trôi qua và bước vào năm học thứ ba thực hiện chương trình mới, người viết nhận thấy tình trạng dạy thêm, học thêm không được cải thiện là bao.
Thông qua bài viết này, người viết sẽ chia sẻ những lý do khiến học thêm khó thay đổi.
Kiến thức mới khá nặng khiến học sinh phải đi học thêm
Chương trình mới, cấp tiểu học được thiết kế học 2 buổi/ngày. Buổi sáng học sinh được học kiến thức mới, buổi chiều chủ yếu tập trung vào các hoạt động luyện tập, thực hành.
Về lý mà nói, các em đã được ôn luyện kiến thức ngay ở trường thì về nhà cũng chẳng cần phải ôn bài nữa.
Trong thực tế lại hoàn toàn trái ngược, dù đã được học 2 buổi ở trường, tối về phụ huynh vẫn phải cho con ôn bài khá nhiều.
Có em được gửi đi học thêm (gọi là học ca 3), có em được ba, mẹ kèm cặp ở nhà đến tận 10 giờ đêm mới được nghỉ.
Đi học thêm ở tiểu học nhiều nhất phải kể đến học sinh lớp 1. Bản thân là người dạy ở cấp học này, người viết phải khẳng định ngay rằng, kiến thức lớp 1 trong những bộ sách mới khá nặng so với lứa tuổi của các em.
Nếu Chương trình năm 2000 một tiết dạy chỉ 2 âm hoặc vần thì Chương trình giáo dục năm 2018 có tiết học tới 4 âm vần và đọc cả đoạn văn bản dài.
Mỗi tuần, các em phải đọc thuộc, nhớ và viết được hơn 10 âm, có khi tới 15 âm. Ngoài ra, ngay từ những tuần đầu đã phải đọc những câu dài, đọc một đoạn văn bản dài gồm vài câu phức. Ngoài đọc còn viết, tới tuần 9 trở đi đã phải viết chính tả nghe đọc.
Kiến thức tiếng Việt lớp 6 rất nặng, chưa học bò đã lo học chạy
Mỗi tiết học khoảng 35 đến 40 phút. Giáo viên trên lớp không đủ thời gian để kèm riêng từng em. Do kiến thức khá nhiều và nặng nên về nhà buộc học sinh phải ôn bài mới có thể nhớ kiến thức đã học.
Nhiều phụ huynh bận rộn không có thời gian dạy con, nhiều phụ huynh khác cũng không đủ kiên nhẫn để kèm con học nên luôn có nhu cầu gửi thầy cô. Đây chính là lý do để học sinh lớp 1 đi học thêm khá đông.
Không riêng lớp 1, nhiều học sinh lớp 6 năm học 2021-2022 cũng đăng ký đi học thêm môn Ngữ văn vì kiến thức mới khá nặng đối với các em.
Một phụ huynh cũ của người viết chia sẻ, trước đây đứa con lớn không phải học thêm môn Ngữ văn nhưng bây giờ phải cho đứa nhỏ theo học vì nhiều kiến thức rất khó, không học thêm sợ con khó theo kịp.
Giáo viên dạy khó hiểu, nhiều học sinh có nhu cầu cần học thêm
Một đồng nghiệp của người viết có con năm nay học lớp 7. Cô nói rằng năm nay phải cho con đi học thêm 2 môn Vật lý (Lý) và Hóa học (Hóa) do con về nói học trên lớp không hiểu bài.
Cậu bé phân trần với mẹ: “Thầy dạy trên lớp không giảng bài nhiều mà bấm trình chiếu. Hỏi nhiều thì sợ thầy mắng”.
Cô bạn đồng nghiệp tìm hiểu ra mới biết, thầy vốn dạy Lý, nay được nhà trường phân công dạy cả môn Hoá nên không thể giảng dạy bằng giáo viên dạy chuyên môn Hoá trước đây.
Kiến thức trong chương trình mới không chỉ khó và nặng mà là ...rất khó
Thương con, cô đành xin cho con học thêm 2 môn Hoá và Lý của 2 thầy cô giáo khác.
Đó chỉ là một trong khá nhiều học sinh xin đi học thêm vì học trên lớp không hiểu bài mà phần lớn do thầy cô giáo được phân dạy chéo chuyên môn.
Ngoài ra, một số phụ huynh cũng chia sẻ, ba môn Lý, Hoá, Sinh vốn đã khó, nay lại phải học với một số giáo viên vốn không phải chuyên môn của mình giảng dạy nên con sẽ bị thiệt thòi.
Sau này, các con sẽ thi tổ hợp nên cần cho học thêm ngay từ bây giờ để không bị hổng kiến thức.
Giải pháp nào hạn chế việc học thêm ngoài nhà trường?
Học sinh ở các cấp học hiện nay phần lớn đã được học 2 buổi/ngày. Nếu theo quy định, các em đã học 2 buổi ở trường sẽ không cần đi học thêm.
Tuy nhiên, việc tổ chức dạy học 2 buổi ở nhiều trường học hiện này vẫn đang dạy như trước đây (khi chưa thay đổi chương trình và sách giáo khoa).
Lớp học buổi sáng thế nào, giáo viên nào dạy thì buổi chiều vẫn giữ nguyên sĩ số học sinh và giáo viên đó vẫn dạy.
Điều này dẫn đến một tồn tại, dù được học thêm nhưng ít đạt hiệu quả. Bởi, trong một lớp học có khá nhiều đối tượng học sinh từ giỏi, khá, trung bình đến yếu kém. Thế nên, thầy cô có muốn phụ đạo riêng học sinh yếu kém hay dạy nâng cao cho học sinh khá giỏi cũng không có nhiều thời gian.
Vì thế, sau 2 buổi học ở trường về nhà, phụ huynh vẫn phải gửi các con đi học thêm. Muốn hạn chế việc học thêm ngoài nhà trường, học sinh phải được phụ đạo theo khả năng, không phải kiểu tổ chức dạy thêm đại trà trong trường học mà học phí do phụ huynh trả như hiện nay. Kinh phí trả cho giáo viên dạy phụ đạo phải do ngân sách nhà nước trả.
Muốn đạt hiệu quả về chất lượng giáo dục, muốn phụ huynh không phải tìm lớp cho con học thêm thì nhà trường phải tổ chức tốt việc dạy buổi 2 theo nhu cầu.
Ví dụ như, tất cả học sinh yếu, kém sẽ được bố trí vào một nhóm, học sinh giỏi, xuất sắc cũng được học riêng. Nhà trường sẽ phân công giáo viên phụ trách riêng. Các thầy cô giảng dạy được hưởng bằng tiết dạy tăng giờ do ngân sách trả.
Khi phụ huynh không phải đóng tiền cho con ôn tập mà lực học của các em có tiến bộ hằng ngày, chắc chắn sẽ hạn chế được việc học thêm như hiện nay.
Theo Ngân Hoa
Giáo dục 24h
Ý kiến bạn đọc
TIN MỚI
TIN KHÁC