Không có học sinh nào 'bỏ đi'

Thứ ba - 06/12/2022 06:16:31


Gần 60 năm gắn bó với nghề giáo, thầy Nguyễn Tùng Lâm luôn tâm niệm, mỗi học sinh đều có điểm mạnh, yếu khác nhau.

Không có học sinh nào


Thầy Nguyễn Tùng Lâm cho rằng nhiệm vụ của người thầy là phát huy được điểm mạnh đó để học trò có cơ hội trưởng thành.

Không có em nào bị bỏ lại

Trò chuyện cùng Nhà giáo Ưu tú, TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Ba Đình, Hà Nội), Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý Giáo dục Việt Nam trước thềm kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam, chúng tôi càng cảm nhận được tình yêu nghề và tâm huyết của ông đối với ngành Giáo dục Thủ đô.

Với thầy Lâm, điều quan trọng nhất mà cả cuộc đời ông theo đuổi chính là việc truyền cảm hứng, đam mê học tập đến các thế hệ học sinh, mở ra cho các em những chân trời mới, niềm tin mới để dựng xây cuộc sống tốt đẹp sau này. Thầy Lâm quan niệm, giáo dục phải hướng đến con người, chỉ có học sinh chưa ngoan chứ không có em nào là “đồ bỏ đi”.

Theo NGƯT.TS Nguyễn Tùng Lâm, năm 1989, Trường THPT Đinh Tiên Hoàng ra đời với phương châm: Không chọn lọc đầu vào, nhưng lại chú trọng chất lượng đầu ra. Nhà trường nhận tất cả học sinh có nhu cầu đi học và đồng hành với phụ huynh trong việc tìm kiếm, áp dụng phương pháp giáo dục phù hợp với năng lực của mỗi em; giúp quá trình rèn luyện đạt hiệu quả cao nhất.

“Môi trường giáo dục ở bậc phổ thông vô cùng quan trọng, không thể chỉ có sự ưu tiên những trẻ em ngoan, học trò giỏi mà kỳ thị những em chưa ngoan. Từ đó, tôi thấy cần phải làm một điều gì đó để các em trưởng thành bằng nhận thức và trở thành người có ích cho xã hội chứ không phải là vùi dập, chặn đứng con đường hoàn thiện bản thân bằng những định kiến tiêu cực, đẩy các em vào “con đường hẹp”, thậm chí sau này trở thành những mầm họa cho xã hội”, TS Nguyễn Tùng Lâm nhấn mạnh.

Nhờ xây dựng đội ngũ đoàn kết, chuẩn hóa và mang đậm tính nhân văn, đến nay, Trường THPT Đinh Tiên Hoàng trở thành địa chỉ tin cậy của nhiều bậc phụ huynh. Nhà trường dạy kiến thức trong sách giáo khoa có chọn lọc, đồng thời rèn kỹ năng luyện tập cho học sinh là chính. Các thầy cô luôn đi sâu đi sát để giúp các em đạt thành quả tốt. Các chuyên đề đổi mới phương pháp theo hướng phù hợp với học sinh yếu kém được mở thường xuyên, bám sát thực tế.

“Yếu tố tạo nên chất lượng giáo dục của mỗi trường lâu nay chúng ta nói nhiều đến công tác quản lý, xây dựng đội ngũ, cơ sở vật chất nhưng yếu tố về vai trò của người học chưa được chúng ta nghiên cứu và tác động chưa đúng mức, đúng cách. Theo tôi, giáo dục không chỉ là đòi hỏi học sinh “phải thế này, phải thế kia”, mà chính là thầy cô phải chủ động tìm phương pháp để giúp học sinh tự phấn đấu, đạt được những điều tốt đẹp mà chúng mong muốn”, TS Tùng Lâm nêu quan điểm.

Những giá trị được trao truyền

Là giáo viên có hơn 20 năm công tác tại Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, cô Lê Hải Vân cảm nhận rất rõ tâm huyết cũng như phương châm giáo dục mà TS Nguyễn Tùng Lâm đã dày công xây dựng. Từ thực tế hoạt động, thầy Lâm đề cao 5 nguyên tắc ứng xử: Trước tiên các lực lượng giáo dục phải chấp nhận những mặt riêng có của mỗi học sinh (mặt mạnh và điểm yếu kém), giúp đỡ các em biết cách điều chỉnh.

Tiếp đó, phải khách quan trong việc nhìn nhận đánh giá mặt mạnh và thiếu sót của học sinh. Đây vừa là cái tâm của người thầy vừa là phương pháp sư phạm khoa học. Nhà giáo cần giúp học sinh biết cái lợi - hại của mỗi hành vi ứng xử để tự lựa chọn cách ứng xử phù hợp với chuẩn mực chung của xã hội.

Các lực lượng giáo dục phải giúp học sinh biết cách hòa nhập tập thể, tôn trọng lợi ích tập thể cộng đồng. Sau cùng là nhà giáo dục phải biết gieo nhu cầu và tổ chức cho học sinh thực hiện các yêu cầu giáo dục bằng cách tổ chức kiểm tra đánh giá kết quả học tập, rèn luyện một cách chặt chẽ và nghiêm túc thông qua hình thức tự đánh giá.

Bản thân cô Hải Vân cùng tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường rất khâm phục tinh thần làm việc hăng say, sự cống hiến, gương mẫu của “người thuyền trưởng” của mình. Bộ quy tắc ứng xử văn hóa trong nhà trường mà thầy Tùng Lâm đưa ra nhằm tạo lập cho học sinh những thói quen ứng xử tốt, đúng chuẩn mực chung, chủ động quyết định sự phát triển của bản thân theo phong cách “5 tự” của học sinh Đinh Tiên Hoàng gồm: “Tự học sáng tạo, tự chủ, tự tin, tự trọng, tự chịu trách nhiệm”. Bên cạnh việc đào tạo kiến thức, nhà trường cũng chú trọng đến việc xây dựng các chương trình giáo dục “Giá trị sống”, “Kỹ năng sống” giúp học sinh hình thành những kỹ năng cần thiết như kỹ năng giao tiếp, đặt mục tiêu, ra quyết định…

“Không chỉ dạy chữ - dạy người cho học sinh, thầy Tùng Lâm đã tạo ra nhiều giá trị nhân văn trong phương pháp giáo dục và đã trao truyền lại cho các thế hệ giáo viên tinh thần đó”, cô Hải Vân cho biết. Cũng theo cô Hải Vân, học sinh của nhà trường rất đa dạng, thậm chí có nhiều em học lực kém hoặc quậy phá. Tuy nhiên, bằng cách làm linh hoạt, gần gũi với học trò, tập thể sư phạm nhà trường bao gồm cả giáo viên, giám thị, nhân viên tư vấn học đường luôn đồng hành cùng trò. Để rồi chính các em sau khi ra trường, ra đời làm các ngành nghề khác nhau vẫn nhớ về mái trường Đinh Tiên Hoàng. “Vào dịp 20/11, các em thường rủ nhau tới trường thăm lại thầy, cô giáo cũ. Như vậy, chúng tôi cũng vui mừng lắm rồi”, cô Hải Vân tâm sự.

Thuộc thế hệ học sinh “9X” của trường, Đào Việt Đức – cựu học sinh khóa 2006 - 2008 đến giờ vẫn không thể quên được những ký ức đẹp bên mái trường xưa. Đức nhớ lại, năm đó khi vào lớp 10, trong lớp cũng có một số bạn chưa ngoan. Cô chủ nhiệm Hải Vân dù rất nghiêm nhưng lại luôn tận tâm với học sinh. Cách dạy của cô không ép học trò phải học đều, ai có năng lực gì thì phát huy.

“Đặc biệt, cô không bắt học trò phải học nghề nọ, nghề kia. Nghề nào cũng được miễn sao các em cảm thấy thích. Lực học bình thường nên tôi đã sớm xác định học nghề liên quan đến dịch vụ ăn uống. Sau một thời gian học tại Trường Cao đẳng Du lịch, đến nay tôi đã tự mở cửa hàng tại Hà Nội. Nhiều khi nghĩ ra món mới, tôi thường mang đến cho cô Vân “thử” xem cảm nhận ra sao rồi mới bán cho khách hàng”, Đức vui vẻ nói thêm.

Dù ra trường đã 17 năm nhưng trong tâm trí của Nguyễn Thị Hà Minh, cựu học sinh khóa 2002 - 2005 vẫn không khỏi xúc động khi nói về nhà trường: “Tôi được dạy rất nhiều thứ ở đây, không chỉ là kiến thức, mà còn là kinh nghiệm sống được các thầy cô truyền lại bằng cả tấm lòng yêu thương. Tôi yêu mái trường này và luôn cảm ơn những người thầy đã dìu dắt”.

 

Theo Khôi Nguyên
Giáo dục và Thời đại

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

TIN MỚI

TIN KHÁC

COLUMBIA
-->
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây