Sau 2020, trường đại học xuất sắc sẽ phát triển theo hướng nào?

Thứ bảy - 31/10/2020 16:42:41
Tại hội thảo 'Chia sẻ kinh nghiệm xây dựng đại học mô hình mới' diễn ra tại TP.HCM trong 2 ngày 29 và 30.10, nhiều ý kiến bàn về hướng đi cho đại học xuất sắc của Việt Nam.
 
học xuất

Với mục tiêu năm 2020 Việt Nam có đại học đẳng cấp quốc tế, thậm chí có ít nhất 1 đại học lọt vào tốp 200 trong các bảng xếp hạng ĐH uy tín của thế giới, Chính phủ đã triển khai việc xây dựng mới các đại học xuất sắc theo phương thức hợp tác với các đối tác chiến lược. Đại học đầu tiên đi vào hoạt động là Việt Đức, với bộ chủ quản là Bộ GD-ĐT.

Mở rộng tuyển sinh viên quốc tế

Thông tin tại hội thảo, tiến sĩ Hà Thúc Viên, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Việt Đức, đã chia sẻ mục tiêu trong 5 năm tới của trường này. Theo đó, trường sẽ phát triển chương trình đào tạo mới để đạt 23 chương trình (8 chương trình ĐH và 15 chương trình thạc sĩ) thuộc 6 khối ngành kỹ thuật vào năm 2022 và 28 chương trình đào tạo vào 2030.

Bên cạnh đó, trường sẽ thúc đẩy và mở rộng tuyển sinh sinh viên quốc tế. Theo thống kê của trường này, sinh viên và học viên quốc tế theo học tại trường thời gian qua đến từ 20 quốc gia, chiếm tỷ lệ 4.6% trên tổng số người học. 

Cũng theo ông Viên, trường sẽ mở rộng lĩnh vực đào tạo tiến sĩ, xây dựng 7 nhóm nghiên cứu tập trung và tăng cường các hoạt động nghiên cứu, xuất bản quốc tế. 

Đáng chú ý là kế hoạch xây dựng quy chế tổ chức và hoạt động, cùng cơ chế tài chính đặc thù mới phù hợp với hiệp định vừa được ký kết liên quan đến mở rộng trường. 

Ngay trong hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc cũng có phát biểu liên quan nội dung này. Theo ông Phúc, trong cả luật Giáo dục ĐH mới và Nghị định hướng dẫn thực hiện đã có sự chuẩn hóa mô hình trường ĐH trên cơ sở ký kết giữa Chính phủ Việt Nam và nước ngoài. Theo đó mô hình này sẽ thực hiện các nội dung theo hiệp định đã ký kết với nước ngoài.

Mô hình đại học liên quốc gia

Trường hiện đang triển khai 15 chương trình đào tạo (8 chương trình thạc sĩ và 7 chương trình cử nhân). Số sinh viên và học viên đã và đang theo học tại trường này có gần 3.200. Trong số này, có khoảng 40% sinh viên và học viên năm cuối của trường theo học học kỳ cuối tại các trường ĐH của Đức thông qua các hình thức tài trợ khác nhau.

Chia sẻ tại hội thảo, ông Ulrich Teicheler, Cựu giám đốc Viện nghiên cứu giáo dục đại học thuộc ĐH Kassel (CHLB Đức), nhìn nhận sự phát triển về số lượng chương trình đào tạo và sinh viên theo học, tuyển dụng giảng viên giai đoạn 2015-2020 đang chậm lại. Nhưng ông cho biết: “Sau 15 năm theo đuổi mô hình mới, trong đó có 12 năm kể từ ngày thành lập trường, chúng tôi vẫn có sự lạc quan về mô hình ĐH liên quốc gia này”.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cũng cho rằng: “Trường ĐH Việt Đức hiện đã có hội đồng trường, bên cạnh đó có thêm hội đồng quản trị giám sát chặt chẽ các hoạt động của ban giám hiệu. Nếu mô hình này thành công sẽ là cơ sở cho việc sửa đổi luật Giáo dục ĐH lần tiếp theo”.

Với kết quả trên 95% sinh viên tốt nghiệp có việc làm hoặc học lên bậc cao hơn,  ông Phúc cho biết: “Trường đã cung cấp các chương trình đào tạo theo chuẩn mực giáo dục quốc tế ngay tại Việt Nam với chất lượng xuất sắc và bằng cấp được công nhận quốc tế. Mô hình này giúp giữ người học lại Việt Nam, tiết kiệm được nguồn lực trong nước thay vì chuyển ra nước ngoài’.

Trước đó, ngày 23.9, Hiệp định 3 bên về Phát triển và mở rộng Trường ĐH Việt Đức đã được ký kết giữa Chính phủ Việt Nam, Chính phủ CHLB Đức và Chính quyền bang Hessen (CHLB Đức).\

Từng đặt mục tiêu tốp 200 trường ĐH hàng đầu thế giới

Năm 2008, Trường ĐH Việt Đức được thành lập trên sự hợp tác về giáo dục đại học giữa Chính phủ Việt Nam, Chính phủ CHLB Đức và Bang Hessen. Mục tiêu thời điểm này là xây dựng để trở thành một trường đại học, một trung tâm đào tạo, nghiên cứu hàng đầu ở Việt Nam, đạt trình độ khu vực và quốc tế… Sứ mệnh của trường này được đưa ra trong năm 2009 là vào danh sách tốp 200 trường ĐH hàng đầu thế giới. Kế hoạch cụ thể được đưa ra năm 2010, trường hướng tới trên 25 chương trình đào tạo với khoảng 5.000 người học vào năm 2020; hơn 50 chương trình đào tạo với khoảng 12.000 người học vào năm 2030. 

 
Theo Hà Ánh
Thanh niên

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

TIN MỚI

TIN KHÁC

COLUMBIA
-->
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây