Hiệu trưởng trường đại học nhận mức lương bao nhiêu?

Thứ hai - 02/11/2020 07:27:37
Dư luận có nhiều ý kiến mức lương hiệu trưởng một trường đại học công lập tự chủ tài chính lên đến hơn 500 triệu đồng/tháng. Điều này khiến nhiều người thắc mắc, hiệu trưởng các trường đại học Việt Nam được trả mức lương thế nào?
 
Hiệu trưởng

Trường tự chủ tài chính: Xấp xỉ 40 triệu đồng/tháng

Hiện nay ở hệ thống các trường ĐH công lập có các trường ĐH công lập tự chủ tài chính như Trường ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH Kinh tế TP.HCM, ĐH Công nghiệp TP.HCM, ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM… Mức lương hiệu trưởng các trường tự chủ được tính ra sao?

Theo tiến sĩ Phan Hồng Hải, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, vì là trường ĐH công lập tự chủ tài chính, lương của ông và các cán bộ công nhân viên, giảng viên tại trường được xây dựng riêng, nhưng phải thông qua hội nghị công nhân viên chức. Theo đó, lương được tính theo quy tắc là lương cơ bản cộng với thu nhập tăng thêm, nhân hệ số. Chẳng hạn, theo ông Hải, lương của ông tính theo chính sách tiền lương tại trường là hơn 30 triệu đồng/tháng. Lương bình quân của cán bộ công nhân viên, giảng viên tại trường khoảng 20 triệu đồng/tháng.

“Giảng viên nào dạy nhiều thì thu nhập cao. Chưa kể, tuyển giáo sư vào trường, trả lương khoán thì phải chấp nhận mức 50 triệu đồng/tháng để giữ chân”, ông Hải cho biết.

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Hoàn, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, cũng cho biết lương của ông và các cán bộ công nhân viên, giảng viên được xây dựng trên nguyên tắc khá tương tự Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM. Đó là tính theo hệ số lương cơ bản cộng với thu nhập tăng thêm tùy vào vị trí công việc.

Theo ông Hoàn, dù là trường ĐH công lập tự chủ tài chính, cách tính lương của trường không khác các trường ĐH công lập thông thường khác. Lương của ông là gần 40 triệu đồng/tháng (chưa thuế). Lương các phó giáo sư trung bình khoảng 35 - 38 triệu đồng/tháng. Trường chỉ có 2 giáo sư đã quá tuổi nghỉ hưu nên chỉ nhận mức lương khoán là 25 triệu đồng/tháng.

Trong khi đó, hiện tại hiệu trưởng các trường ĐH công lập thông thường lương vẫn được tính theo hệ số lương cơ bản cộng với thu nhập tăng thêm tương tự.

Theo tiến sĩ Đàm Quang Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Phú Xuân (Huế), ở Việt Nam có trường ĐH công lập tự chủ tài chính nên lương hiệu trưởng mô hình trường này khác trường ĐH công lập thường là đương nhiên. “Tuy nhiên, mức lương hiệu trưởng các trường này nhiều hay ít thì rất khó nói. Cần căn cứ vào chỉ số tài chính của trường. Nếu chỉ số tài chính tốt thì lương cao là bình thường. Nhưng chỉ số tài chính thấp mà lương cao thì lại là vấn đề”, tiến sĩ Quang Minh phân tích.

Trường tư: Theo quy mô trường và nhiệm vụ tuyển sinh

Hiệu trưởng trường ĐH tư thục hiện nay là vị trí được thuê để thực hiện nhiệm vụ. Vì vậy, lương của hiệu trưởng mỗi trường là mức lương được thỏa thuận, rất khác nhau và không có điểm chung nào giữa các trường. Tuy nhiên, mức lương của các hiệu trưởng cũng dựa trên một số nguyên tắc nhất định.

Năm 2013, khi xảy ra mâu thuẫn tại Trường ĐH Hoa Sen, mức lương của hiệu trưởng trường này bị “rò rỉ” ra bên ngoài với khoảng 110 triệu đồng/tháng. Thời điểm đó, mức lương này khiến nhiều người ngạc nhiên nhưng chỉ thời gian ngắn sau đó khi các tập đoàn sở hữu các trường ĐH, mức lương này lại trở nên phổ biến.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện tại lương của hiệu trưởng các trường ĐH của Tập đoàn giáo dục Nguyễn Hoàng cao hơn mức này. Tuy nhiên, mức lương này là thỏa thuận và tùy theo quy mô của trường ĐH. Trường ĐH có quy mô lớn hơn thì hiệu trưởng sẽ có mức lương cao hơn.

Theo lãnh đạo một trường ĐH tư thục lớn ở TP.HCM, lương hiệu trưởng tại trường còn căn cứ trên KPI (chỉ số đánh giá thực hiện công việc). Hiệu trưởng trường ĐH tư thục ở thời điểm này đa phần phải chịu KPI cao nhất ở mảng tuyển sinh. Họ phải cam kết tuyển được bao nhiêu sinh viên cho một năm học thì mới nhận được mức lương tương ứng. Nếu KPI năm sau cao hơn thì lương hiệu trưởng sẽ được nâng lên cao hơn năm trước tùy vào nhiệm vụ hiệu trưởng thỏa thuận với Hội đồng quản trị từ đầu năm.

Theo tiến sĩ Đàm Quang Minh, mỗi doanh nghiệp sở hữu trường ĐH sẽ căn cứ một cách để trả lương cho hiệu trưởng nhưng trên cơ bản là lương thỏa thuận giữa hai bên. “Khi ứng tuyển vị trí hiệu trưởng trường tư, lương là thỏa thuận nhưng phần lớn theo quy mô của trường. Năng lực điều hành của hiệu trưởng dựa theo hồ sơ chỉ là một phần”, tiến sĩ Đàm Quang Minh cho biết.

Trường ĐH được áp dụng cơ chế trả lương như doanh nghiệp

Câu chuyện lương của ông Lê Vinh Danh, Trường ĐH Tôn Đức Thắng đã được báo chí đặt ra với lãnh đạo Bộ Nội vụ tại họp báo thường kỳ Chính phủ ngày 30.10.

Ông Nguyễn Duy Thăng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, cho biết: Đơn vị sự nghiệp công lập, trường ĐH thì đã thực hiện cơ chế tự chủ tài chính theo Nghị định 16 năm 2015 của Chính phủ.

Bên cạnh đó, theo ông Thăng, nghị quyết T.Ư mới đây cũng đưa ra tinh thần là trường ĐH được áp dụng cơ chế trả lương như doanh nghiệp. "Cho nên, việc trả lương trước tiên là dựa vào quy chế chi tiêu nội bộ của nhà trường. Còn hợp lý hay không, cao hay thấp thì Bộ Nội vụ, Bộ GD-ĐT và Tổng liên đoàn Lao động sẽ xem xét cụ thể", ông Thăng cho biết thêm.
Chí Hiếu
Theo Đăng Nguyên
Thanh niên

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

TIN MỚI

TIN KHÁC

COLUMBIA
-->
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây