Học sinh mong ước gì trong năm 2023?

Thứ hai - 23/01/2023 23:19:48


Mong Bộ sớm công bố phương án thi tốt nghiệp trung học theo chương trình mới để địa phương thuận lợi trong việc xây dựng các hoạt động giáo dục.

Năm 2022 qua đi, đa phần giáo viên đều mong ước năm 2023 sẽ bớt được nhiều áp lực trong công việc để chuyên tâm vào giảng dạy và giáo dục học sinh.

Còn học sinh, nhân vật trung tâm của giáo dục, các em có mong ước gì trước thềm năm học mới?

Học sinh mong ước


Em ước được ngủ nhiều hơn

Tôi đã làm cuộc trắc nghiệm nho nhỏ “Bước sang năm mới, tụi con ước điều gì?”. Cô nữ sinh tên Hiền, học sinh lớp 12 một trường trung học phổ thông tại Bình Thuận nhanh nhảu trả lời trước: “Em chỉ ước được ngủ nhiều hơn”.

Là giáo viên nên tôi cũng không bất ngờ lắm khi nghe điều ước đơn giản từ em. Điều ước giản dị này không thốt ra từ lời một học sinh mà khá nhiều em khi ấy cũng tỏ thái độ đồng tình với câu trả lời của bạn.

Có ai đó thắc mắc rằng vì sao các em không ước điều gì đó cao sang hơn lại chỉ ước một điều nhỏ nhoi bình dị như thế? Tuy nhiên, điều tưởng chừng đơn giản ấy chính là nhu cầu chính đáng của mỗi người mà các em học sinh lại phải ước ao.

Chúng tôi đã hỏi và đã được trả lời rằng em thèm ngủ, ước ao được ngủ nhiều hơn nhưng không thể được vì lịch học đã kín bưng cả tuần.

Nói rồi, cô nữ sinh tên Hiền cho người viết xem lịch học một tuần của em mà tôi cũng thấy ngợp.

“Cả tuần con học trên trường, chiều về chỉ kịp ăn vội miếng gì đó ven đường là tất tả vào lớp học thêm buổi tối. Ca 1 học Toán (từ 5 giờ 30 đến 7 giờ), rời lớp học thêm Toán là chạy vội vào lớp Anh văn học ca 2 (từ 7 giờ 30 phút đến 9 giờ).

Tan học thêm về đến nhà cũng 9 giờ 30 (bạn nhà xa phải 10 giờ đêm mới tới nhà). Đến nhà, tắm xong ăn vội miếng cơm là lao vào bàn học bài cho các môn của ngày mai. Đêm nào đi ngủ cũng hơn 12 giờ nhưng 4 giờ phải dậy để tiếp tục ôn bài và chuẩn bị đến trường.

Một đêm chỉ ngủ được chừng 3 đến 4 tiếng đồng hồ nên người uể oải và luôn trong tình trạng đói ngủ.

Có lẽ vì thế mà nhiều em ước ao được ngủ một giấc thật dài mà không phải lo thấp thỏm bài vở chưa học xong.

Muốn được ăn cơm cùng gia đình

Cậu nam sinh lớp 12 tên Tấn Trường ở Biên Hòa lại ao ước được ăn những bữa cơm sum họp bên gia đình vào mỗi buổi chiều nhưng rất ít khi thực hiện được.

Tấn Trường cho biết, ngày nào em cũng tan trường lúc 5 giờ chiều nhưng 6 giờ đã phải vào lớp học thêm. Một tiếng đồng hồ chỉ kịp ăn gì đó qua loa và di chuyển đến lớp học thêm là vừa.

Tấn Trường nói: “Ăn cơm hàng cháo chợ vừa ngán vừa buồn, con ước được ăn cùng gia đình bữa cơm chiều nhưng khó quá”.

Nói rồi em cho tôi xem lịch học trong tuần như một minh chứng cho những điều em vừa nói. Mỗi ngày đều học 2 buổi ở trường, tối đến chạy sô thêm 2 lớp học thêm. Do nhà và nơi học thêm của em cách nhau quá xa nên học xong ở trường em ra ngoài căn tin ăn vội gì đó và đến lớp học thêm cho kịp.

Trường còn nói, 2 ngày cuối tuần ngỡ được nghỉ ngơi nhưng con vẫn phải đi học thêm khá nhiều. Có môn học tới 2 thầy cô nên không còn chút thời gian nào rảnh.

Học và thi không còn quá cách biệt nhau

Em Tấn Lộc học sinh lớp 12 chia sẻ, em mong ước việc học và việc thi không cách biệt nhau như bây giờ. Nói rồi em cho biết, hiện nay học sinh nếu chỉ học kiến thức trong sách giáo khoa thì mới đủ đậu tốt nghiệp (bài thi chỉ đạt mức điểm trung bình).

Nếu muốn vào đại học, các em phải ôn luyện rất nhiều ở các lớp học thêm, các tài liệu ôn tập. Kiến thức ôn tập khó gấp nhiều lần những kiến thức đã học trong sách giáo khoa vì đề thi rất khó, khác xa những gì đã được học ở trường. Đây cũng chính là lý do để học sinh phải miệt mài ôn luyện mỗi ngày.

Muốn Bộ Giáo dục sớm công bố phương án thi tốt nghiệp Chương trình giáo dục 2018

Lan Anh, cô nữ sinh lớp 10 học tại Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ tâm tư: “Hiện em đang học lớp 10 thuộc chương trình giáo dục phổ thông 2018 và 2 năm tiếp theo sẽ tốt nghiệp trung học phổ thông và thi vào đại học.

Ngay từ bây giờ, chúng em đều mong mỏi Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ sớm công bố phương án thi tốt nghiệp trung học phổ thông đối với học sinh theo học chương trình giáo dục phổ thông mới để các địa phương thuận lợi hơn trong việc xây dựng các hoạt động giáo dục trong nhà trường.

Nếu công bố trễ, nhà trường sẽ bị động và học sinh chúng em sẽ là những người chịu áp lực nhiều nhất”.

 

Theo Phan Tuyết
Giáo dục Việt Nam

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

TIN MỚI

TIN KHÁC

COLUMBIA
-->
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây