Học kỳ doanh nghiệp - bước chạy đà vào thị trường lao động

Thứ tư - 25/01/2023 11:56:21


Học kỳ doanh nghiệp là mô hình học tập được đánh giá là có nhiều ưu điểm.

Học kỳ doanh nghiệp


Ở học kỳ này, sinh viên sẽ tích luỹ được những kinh nghiệm thực tiễn tại các vị trí và trải nghiệm nghề nghiệp từ đó nâng cao, mở rộng hơn những cơ hội phát triển trong tương lai.

Tại TP HCM, hiện có nhiều trường ĐH, CĐ tổ chức học kỳ doanh nghiệp cho sinh viên với thời gian từ 3-6 tháng. Hình thức này thay thế cho việc thực tập doanh nghiệp với thời gian khá ít ỏi mà hiệu quả không cao.

Đáp ứng tốt yêu cầu của doanh nghiệp

ThS- Luật sư Trịnh Hữu Chung, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Gia Định, cho biết từ năm 2021 trường đã bắt đầu tổ chức học kỳ doanh nghiệp cho sinh viên năm 3 (năm cuối) một số ngành như công nghệ thông tin, luật, truyền thông đa phương tiện, marketing, quản trị kinh doanh…

Khác với kỳ thực tập doanh nghiệp như trước đây, sinh viên tham gia học kỳ tại doanh nghiệp được học tập kiến thức các môn học trên thực tế làm việc ... Đặc biệt, sau khi kết thúc học kỳ doanh nghiệp, sinh viên sẽ hiểu và biết sâu hơn về ngành mình đang học.

TS Nguyễn Quốc Anh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TP HCM, cho biết các hoạt động tham quan, kiến tập, thực tập tại doanh nghiệp được trường triển khai từ rất sớm, tuy nhiên bắt đầu từ năm học 2015-2016, nhà trường chính thức triển khai học kỳ doanh nghiệp. Đây là hình thức "học tập thông qua làm việc" trong chính môi trường doanh nghiệp, được triển khai với thời gian trung bình từ 3 đến 6 tháng tùy theo doanh nghiệp và ngành nghề đào tạo. Với mô hình học kỳ doanh nghiệp, sinh viên được doanh nghiệp đào tạo nghiệp vụ và hướng dẫn làm việc, tham gia làm việc cùng các nhân viên chính thức, thông qua đó cọ xát, hiểu biết môi trường làm việc thực tế, tích lũy kinh nghiệm và có cơ hội được tuyển dụng ngay từ khi chưa tốt nghiệp. Sinh viên được bố trí tham gia học kỳ doanh nghiệp ngay từ năm 1 hoặc từ năm 2 tùy theo đặc thù ngành nghề mình đang theo học. Tại trường, mô hình học kỳ doanh nghiệp được áp dụng cho hầu hết các ngành đào tạo, dựa trên thế mạnh hợp tác chặt chẽ giữa trường với doanh nghiệp.

Sau khi kết thúc học kỳ doanh nghiệp, sinh viên được cấp giấy chứng nhận hoàn thành. Đây cũng chính là một minh chứng quan trọng, giúp các bạn cập nhật CV cá nhân, tích thêm điểm cộng về kinh nghiệm làm việc khi tham gia phỏng vấn tuyển dụng. Đại diện nhiều trường ĐH cho biết sau thời gian học kỳ doanh nghiệp, nhiều sinh viên tham gia học kỳ doanh nghiệp đã được doanh nghiệp tiếp nhận vào làm việc và tuyển dụng sau khi tốt nghiệp. Những sinh viên này đáp ứng rất tốt với yêu cầu của doanh nghiệp

Nỗ lực đưa sinh viên đến doanh nghiệp

Từ góc độ doanh nghiệp, bà Lương Tú Anh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Nodex Asia, cho rằng ngoài chuyên môn, doanh nghiệp cần nhiều hơn ở người lao động những kỹ năng cần thiết cho công việc, trong đó phải kể đến kỹ năng sử dụng tin học và các ứng dụng công nghệ mới.

"Thực tế cho thấy nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn khi người lao động dù được đào tạo chuyên môn tốt nhưng lại thiếu nhiều kỹ năng. Thêm nữa, thái độ làm việc của cũng là vấn đề cần bàn. Nếu các trường đào tạo thêm cho sinh viên các kỹ năng nghề nghiệp, thái độ, phong cách làm việc thì khi đi làm, người lao động sẽ sớm bắt nhịp với công việc, doanh nghiệp vì thế cũng tiết kiệm được thời gian và tiền bạc vì không phải đào tạo lại" - bà Tú Anh nói.

Theo các chuyên gia, kỹ năng không hình thành trong quá trình đào tạo trên giảng đường mà nó được hình thành từ làm việc thực tế. Thế nhưng, dù các trường ĐH đã có những hợp tác với các doanh nghiệp nhưng thực tế sinh viên được doanh nghiệp tiếp nhận tham gia học tại kỳ doanh còn hạn chế. ThS Trịnh Hữu Chung, cho biết cái khó hiện nay là làm sao để doanh nghiệp tiếp nhận sinh viên vào học kỳ doanh nghiệp với số lượng lớn. Tuỳ từng lĩnh vực ngành nghề, có khi một doanh nghiệp chỉ tiếp nhận một vài sinh viên ở những vị trí công việc họ đang cần mà thôi. TS Nguyễn Quốc Anh cũng thừa nhận triển khai mô hình học kỳ doanh nghiệp rất khó khăn và phức tạp nên đòi hỏi các trường phải nỗ lực, đầu tư vào công tác quan hệ doanh nghiệp rất nhiều.

PGS-TS Bùi Hoài Thắng, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP HCM), khẳng định việc hợp tác với các doanh nghiệp trong đào tạo và tạo việc làm cho sinh viên là hoạt động không thể thiếu trong các trường ĐH, CĐ hiện nay. Các doanh nghiệp mong muốn tuyển được nhân sự có trình độ, kỹ năng và gắn bó lâu dài thì việc hợp tác với nhà trường sẽ cho kết quả như mong muốn.

TS Quách Thanh Hải, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, cho rằng doanh nghiệp muốn có đội ngũ lao động lành nghề, có trình độ phù hợp tiêu chí tuyển dụng thì chỉ có cách hợp tác chặt chẽ với nhà trường. Để có một thị trường việc làm bền vững, mối quan hệ giữa dự báo nhu cầu nhân lực – doanh nghiệp và nhà trường phải thông suốt, bền chặt và thiết thực. Các doanh nghiệp cần tạo điều kiện để sinh viên được trải nghiệm nhiều hơn trong mọi hoạt động của doanh nghiệp, qua đó sinh viên sẽ định hình được công việc trong tương lai.

 

Theo Huy Lân
Người Lao động

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

TIN MỚI

TIN KHÁC

COLUMBIA
-->
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây