Cha mẹ kèm cặp, giám sát con nhiều quá có phải là cách tốt nhất?
Thứ sáu - 13/05/2022 07:24:31
Không ít các bậc cha mẹ lo sợ mỗi khi con bước ra khỏi nhà sẽ gặp nguy hiểm, sợ con không an toàn, nên khi con đi bất kỳ đến chỗ nào cũng phải có cha mẹ cạnh bên.
Có nên “chăm sóc” con quá kỹ?
Chị Nguyễn Thị Vân Anh, ngụ tại chung cư Trường Sa, P.17, Q.Bình Thạnh, TP.HCM, có con trai đang học lớp 11 của Trường THPT Võ Thị Sáu (Q.Bình Thạnh), cho biết mỗi khi con đi học thêm, đi học võ, học bóng rổ... chị đều đưa đi. Nếu bận, chị sẽ để chồng chở con đi, tuyệt đối không để con tự đi với bạn bè. "Tôi phải làm thế, vì lo sợ lỡ con có vấn đề gì. Sợ cho con thoải mái quá thì gặp phải những kẻ xấu, tiêm nhiễm những điều sai trái. Phải giữ con như thế cho an tâm", chị Vân Anh, nói.
Chị Lý Thị Hồng, làm việc tại Công ty TNHH Hoàng Gia Long, Q.Tân Bình (TP.HCM), cho biết con trai chị 14 tuổi. Hằng ngày sau giờ học, con của chị Hồng chỉ ở nhà đọc sách, xem TV. Mỗi lần con xin đi chơi với bạn bè, chị đều từ chối. Theo chị Hồng, con từ nhỏ đến giờ được chăm sóc và quản lý như thế, gia đình không dám cho con tự ý ra ngoài một mình.
Tương tự, chị Trần Thị Ngọc Sương, ngụ trên đường Nguyễn Đình Chiểu, Q.3 (TP.HCM), cho biết dù rất bận bịu với công việc, nhưng hằng ngày vẫn dành thời gian đưa con đến trường. Sau đó, tới giờ tan học của con, chị Sương lại đến đón về. Con chị đang học lớp 11 ở Trường THPT Marie Curie, Q.3 rất gần nhà.
Giải thích về điều này, chị Sương cho biết chị sợ con giao du với người lạ, nên không để con có cơ hội ra ngoài đi chơi. Chị Sương cho rằng đấy là cách để bảo vệ con tốt nhất, an toàn nhất.
Liệu việc cha mẹ “chăm sóc” con quá kỹ như thế có nên hay sẽ khiến con cảm thấy bức bối, khó chịu, ngột ngạt?
Bạch Phương Anh, học sinh lớp 12 của Trường THPT Nguyễn Du, huyện Châu Đức (tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu), chia sẻ: "Nhiều khi cuối tuần, em muốn đi chơi cùng nhóm bạn hoặc tự do đi đâu đó một chút nhưng bố mẹ em la, cấm đi".
Phương Anh bày tỏ quan điểm: "Bố mẹ cũng nên cho con có thời gian tự do thoải mái một chút để giao lưu với bạn bè thân quen. Chứ đi đâu bố mẹ cũng cấm cản, cũng nói là lo sợ giao du với kẻ xấu thì cảm thấy bức bối và ngột ngạt lắm, dù hiểu rằng bố mẹ chỉ muốn tốt cho con cái".
Hãy dạy cho con biết cách tự xử lý các tình huống thực tế
Thạc sĩ Phạm Thanh Tuấn, công tác tại Học viện khoa học xã hội Việt Nam, nói: “Tôi cho rằng việc phụ huynh kèm cặp sát con của mình như thế không phải là một trong những cách tốt nhất. “Bởi lẽ, chính sự quản lý hay kèm cặp sát như vậy dễ gây ra cho con trẻ sự ỷ lại vào cha mẹ dẫn đến thiếu kỹ năng để có thể ứng phó với các tình huống thực tế. Ngoài ra, việc kèm cặp như vậy cũng có thể dẫn đến suy nghĩ tiêu cực từ các em”, thạc sĩ Thanh Tuấn, nói.
Theo thạc sĩ Phạm Thanh Tuấn, các bậc làm cha làm mẹ cần có cách quan tâm, chăm sóc con phù hợp. Thay vì kèm cặp thì phụ huynh có thể đóng vai trò vừa là cha mẹ, vừa là người bạn đồng hành cùng con. “Hãy dạy cho con những kỹ năng để con biết cách tự xử lý các tình huống thực tế, cha mẹ có thể là người đứng sau hỗ trợ cho con khi con gặp khó khăn và định hướng cho con thì tốt hơn. Khi đó trẻ không cảm thấy mình bị kèm cặp quá nhiều mà lại còn có thể linh hoạt xử lý tình huống thông minh ngay cả khi không có cha mẹ bên cạnh, điều này tạo nên tính tự lập cho trẻ”, thạc sĩ Tuấn khuyên.
Theo Lê Thanh
Thanh niên