Thị trường mua bán đề tài KHKT: Còn nhiều kẽ hở cho tiêu cực ?

Thứ năm - 12/05/2022 07:17:15

Những ồn ào xoay quanh việc mua bán đề tài cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học trong nhiều năm gần đây đòi hỏi bức thiết phải rà soát lại các quy định, chính sách tạo kẽ hở cho tiêu cực.
 
Thực hư

Năm nào cũng ồn ào khiếu kiện

Từ năm 2019 trở về trước, theo quy định của Bộ GD-ĐT, mỗi đơn vị dự thi được cử không quá 6 dự án dự thi cấp quốc gia; đơn vị đã có dự án thi quốc tế được cử không quá 9 dự án dự thi; Hà Nội, TP.HCM, đơn vị đăng cai tổ chức cuộc thi năm học 2016 - 2017 được cử không quá 18 dự án dự thi. Tuy nhiên, sau một số ồn ào từ giải thưởng cuộc thi này, từ năm học 2019 - 2020, Bộ rút xuống chỉ cho phép mỗi đơn vị dự thi được cử tối đa 2 dự án; riêng Hà Nội, TP.HCM và đơn vị đăng cai được cử tối đa 4 dự án.

Tuy nhiên, thay đổi từ năm 2019 cho thấy chưa có tác động tích cực đến cuộc thi này, bằng chứng là năm nào cũng có những ồn ào, khiếu nại sau kỳ thi ở cấp quốc gia kết thúc.

Năm 2019 - 2020, có phụ huynh gửi đơn chính danh kiến nghị Bộ thẩm định lại nhiều dự án đoạt giải nhất mà theo họ là không xứng đáng và không phải là sản phẩm của học sinh (HS), bị trùng lặp với những nghiên cứu đã công bố trước đây. Năm 2021, một dự án đoạt giải nhất cũng nhận được nhiều ý kiến trái chiều vì giống với một dự án đã đoạt giải nhì của cuộc thi trước đó 2 năm. Cả hai dự án này đều cùng trường THPT và giáo viên hướng dẫn. Kết quả thẩm định và xem xét của Bộ đều khẳng định những phản ánh trên là không đủ căn cứ, nhưng không vì thế mà xua tan được nghi ngờ về tính trung thực của cuộc thi này trong dư luận.

Toàn những đề tài “khủng”

Từ năm 2019, vì quy định hạn chế số lượng nên có tâm lý là phải những dự án với tên gọi thật hoành tráng mới xứng tầm đi thi ở các cấp cao hơn như cấp tỉnh, cấp quốc gia. Do vậy, đây cũng là nguyên nhân khiến tên các đề tài dự thi và đoạt giải mấy năm gần đây toàn là những đề tài “khủng” mà ngay cả những nhà khoa học nghe qua cũng... giật mình.

Vì quy định thí sinh đoạt giải quốc gia được tuyển thẳng vào ĐH nên mới có hiện tượng dùng mọi biện pháp để đạt được mục đích. Bộ cần có đánh giá lại kết quả 10 năm cuộc thi này để xem chi phí, kết quả, tác động thế nào đến việc học, kích thích việc nghiên cứu khoa học của HS, thí sinh đoạt giải có tiếp tục nghiên cứu khoa học không hay chỉ thi vì mục đích tuyển thẳng ĐH.
Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD-ĐT)

Dự án đoạt giải nhất kỳ thi khoa học kỹ thuật quốc gia dành cho HS trung học năm 2021 - 2022 tiếp tục khiến dư luận bàn tán khi toàn các đề tài được cho là quá khó, vượt tầm HS phổ thông và có những nội dung tương tự luận văn thạc sĩ, tiến sĩ đã công bố trước đó.

Chia sẻ về các đề tài có vẻ quá sức với HS, từ năm 2021, đại diện Bộ GD-ĐT đã nhiều lần khẳng định đối tượng của cuộc thi là HS ở lứa tuổi 14 - 18, chuẩn bị bước vào các bậc học cao hơn. Yêu cầu của cuộc thi là HS phải vận dụng kiến thức của các môn đã được học ở phổ thông để phát triển, thực hiện các dự án. Tuy nhiên, không có nghĩa HS chỉ được sử dụng những kiến thức cơ bản, đại trà. HS sẽ phải tìm kiếm tài liệu, phải nghiên cứu các tài liệu chuyên sâu về lĩnh vực mình chọn. Và các HS hoàn toàn có thể tiếp cận những đề tài chuyên sâu, có ý nghĩa, tính ứng dụng cao.

Ranh giới mong manh giữa “hướng dẫn” với “làm hộ”

Nhiều ý kiến cho rằng chính quy định của cuộc thi cho phép người hướng dẫn và chuyên gia hỗ trợ nên sinh ra vấn đề người lớn thi chứ không phải HS. Trước băn khoăn của PV Thanh Niên về ranh giới mong manh giữa hướng dẫn và làm hộ, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT), cho rằng Bộ cũng đã có hàng loạt những nguyên tắc, quy định cụ thể trong việc chấm giải. Trong đó, ban giám khảo không chỉ chấm dựa trên sản phẩm được trưng bày mà còn đánh giá trên hồ sơ, phiếu hỏi để biết quy trình thực hiện, đặc biệt là chấm dựa trên phỏng vấn trực tiếp HS. Nếu sản phẩm không do HS thực sự làm thì sẽ lộ ngay ở quá trình phỏng vấn, phản biện.

Đề nghị trả cuộc thi về sân chơi cho học sinh

Từng có ý kiến đề nghị nên bỏ cuộc thi này và trả nó về sân chơi cho HS thực sự đam mê nghiên cứu, sáng tạo. Năm 2021, ông Nguyễn Xuân Thành từng chia sẻ với PV Thanh Niên rằng mục đích của cuộc thi không chỉ nhằm vào việc chọn ra dự án, HS đoạt giải thưởng. Sản phẩm của việc nghiên cứu khoa học là bản thân dự án, nhưng quan trọng hơn là sản phẩm con người, góp phần phát triển năng lực, phẩm chất cho HS. Tham gia nghiên cứu khoa học, HS không chỉ được thực hành, trải nghiệm, ứng dụng kiến thức vào giải quyết một vấn đề cụ thể mà qua đó phát triển tư duy khoa học, năng lực khai thác tài liệu, kỹ năng thuyết trình, phản biện và làm việc nhóm.

“Những điểm chưa phù hợp nếu có của cuộc thi sẽ được Bộ nghiêm túc xem xét, xử lý cụ thể, nhưng không thể phủ nhận những giá trị có thật, có ý nghĩa trong tiến trình đổi mới giáo dục phổ thông và hoạt động dạy học, nghiên cứu khoa học trong các nhà trường”, ông Thành khẳng định.

Ông Nguyễn Xuân Thành cho rằng cũng giống như đam mê môn thể dục thể thao nào đó như bóng đá, bóng rổ, bơi lội… HS dù đam mê và có năng khiếu đến đâu thì cũng phải có thầy dạy, có huấn luyện viên, có sân chơi bãi tập kèm theo. Tuy nhiên, nếu HS không tự mình tập luyện thì làm sao có thể chơi được môn thể thao đó. Trong quá trình thực hiện các đề tài khoa học kỹ thuật cũng vậy, HS cũng không làm một mình mà cần có một môi trường để triển khai. Trong môi trường đó có sự hỗ trợ của giáo viên, cha mẹ trong việc hướng dẫn quy trình nghiên cứu, thực hiện, lựa chọn đề tài, hay là những người thợ hỗ trợ các em trong việc gia công sản phẩm. Song điều cốt lõi, những ý tưởng mới, cách xử lý vấn đề để đạt được những kết quả mới thì chắc chắn phải là của HS.

Tuy nhiên, ông Thành cũng khẳng định Bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu các giải pháp sao cho từng khâu của kỳ thi này được thực hiện một cách thực chất, minh bạch, chống chạy theo thành tích.

Bỏ tuyển thẳng thí sinh đoạt giải sẽ bớt tiêu cực ?

Quy chế tuyển sinh THCS và THPT, Quy chế tuyển sinh ĐH hệ chính quy có quy định tuyển thẳng, chế độ ưu tiên đối với tuyển sinh dành cho HS đoạt giải cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia.

Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD-ĐT), không ít lần lên tiếng cho rằng vì quy định thí sinh đoạt giải quốc gia được tuyển thẳng vào ĐH nên mới có hiện tượng dùng mọi biện pháp để đạt được mục đích. Bộ cần có đánh giá lại kết quả 10 năm cuộc thi này để xem chi phí, kết quả, tác động thế nào đến việc học, kích thích việc nghiên cứu khoa học của HS, thí sinh đoạt giải có tiếp tục nghiên cứu khoa học không hay chỉ thi vì mục đích tuyển thẳng ĐH.

Một vị đại diện Bộ lý giải việc cho phép “xét tuyển thẳng” không đồng nghĩa với quy định bắt buộc các trường ĐH phải tuyển thẳng vào trường mình những thí sinh đoạt giải quốc gia trong kỳ thi này. Hơn nữa, tự chủ tuyển sinh của các cơ sở đào tạo đã được luật hóa trong luật Giáo dục ĐH, Bộ không thể can thiệp theo cách buộc các trường ĐH phải tuyển thẳng hoặc không được tuyển thẳng thí sinh đoạt giải ở một cuộc thi nào đó.

Tuy nhiên, với quy định tuyển thẳng vào lớp 10 THPT thì theo quy chế tuyển sinh THCS, THPT đây vẫn là quy định cứng. Vị đại diện Bộ chia sẻ, từ trước năm 2019, quy chế cho phép tuyển thẳng vào lớp 10 HS có dự án đoạt giải cấp quận, cấp tỉnh. Trước những lo ngại về tiêu cực, năm 2019 Bộ đã sửa theo hướng chỉ tuyển thẳng với HS có dự án đoạt giải ở cấp quốc gia vì thực tế số HS ở cấp THCS có dự án tham gia và đoạt giải cao ở cấp quốc gia không nhiều. “Thời gian tới, Bộ cũng sẽ tiếp tục nghiên cứu sửa quy định này theo hướng không quy định cứng mà giao quyền chủ động cho các địa phương trong phương án tuyển sinh vào lớp 10 phù hợp với tình hình và nhu cầu thực tế”, vị này nói.

 
Theo Tuệ Nguyễn
Thanh niên

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

TIN MỚI

TIN KHÁC

COLUMBIA
-->
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây