Hướng nghiệp chọn nghề cho tương lai

Thứ năm - 13/04/2023 06:19:58


Hoạt động hướng nghiệp được các trường THPT quan tâm, triển khai với nhiều hình thức phong phú. 

Hướng nghiệp chọn


Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan, hoạt động này hầu như chỉ mang tính gợi mở, chưa đi đến đích là giúp học sinh chọn nghề phù hợp.

Đa dạng cách triển khai

Công tác hướng nghiệp cho học sinh lớp 12 trước kỳ thi, tuyển sinh đại học rất quan trọng, giúp các em có định hướng và lựa chọn đúng ngành nghề tương lai. Khẳng định điều này, thầy Nguyễn Hải Thọ, Hiệu trưởng Trường THPT Ngô Quyền (đảo Phú Quý, Bình Thuận) cho biết: Trước kỳ thi, các trường thường mời chuyên gia để tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm chọn ngành, định hướng nghề nghiệp, cơ hội việc làm trong tương lai; hoặc tổ chức gặp gỡ học sinh với đại diện một số trường đại học, giúp các em hiểu ngành học, chương trình đào tạo và cơ hội việc làm sau tốt nghiệp…

Ngoài ra, thông qua tiết dạy hướng nghiệp, nhà trường hỗ trợ học sinh tìm kiếm thông tin, chia sẻ nguồn tài liệu hữu ích, từ đó tự tìm hiểu và định hướng cho mình. “Trường THPT Ngô Quyền với đặc thù vị trí địa lý nên khó mời chuyên gia, do đó hiệu trưởng trực tiếp đến từng lớp 12 để tư vấn cho học sinh. Tuy nhiên, hướng nghiệp không nên bắt đầu từ lớp 12, mà cần từ lớp 10, thậm chí lớp 9. Làm sớm học sinh mới đủ thời gian tìm hiểu, định hướng nghề nghiệp cho bản thân”, thầy Thọ chia sẻ.

Nhận thấy học sinh thường mắc sai lầm khi chọn ngành nghề, thầy Nguyễn Minh Phi, Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Văn Thụ (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, trường liệt kê khoảng 25 sai lầm trong lựa chọn nghề nghiệp để cảnh báo; đồng thời chia sẻ thông tin từ chuyên gia dự đoán nhu cầu xã hội cần trong khoảng 4 năm tiếp theo để thêm kênh thông tin cho học sinh…

Trường cử một thầy giáo kiêm nhiệm công tác này với nhiệm vụ xây dựng kế hoạch từ đầu năm học, hàng tháng triển khai kế hoạch với giáo viên chủ nhiệm; mỗi học kỳ có bài tư vấn hướng nghiệp cho học sinh và thường tổ chức tư vấn vào các buổi sinh hoạt tập thể.

Công tác giáo dục nghề nghiệp được triển khai hiệu quả tại Trường THPT Nguyễn Đức Cảnh, TP Thái Bình (Thái Bình). Bí thư Đoàn trường Phạm Thị Hải Yến cho biết, nhà trường triển khai công tác này trong các tiết sinh hoạt dưới cờ cho học sinh toàn trường với hình thức đa dạng: Tọa đàm, tư vấn chuyên gia, chia sẻ các câu chuyện về nghề, sân khấu hóa… Trước Kỳ thi tốt nghiệp THPT, Đoàn trường chủ động mời chuyên gia hoặc cựu học sinh thành đạt về trao đổi, tư vấn, tạo động lực mạnh mẽ trong các buổi chào cờ, hoặc tư vấn trực tiếp tại lớp.

Bên cạnh lồng ghép trong các môn học, Trường THPT Nguyễn Đức Cảnh cũng chú trọng giáo dục hướng nghiệp trong các giờ sinh hoạt lớp. Kiến thức về chọn ngành, nghề được giáo viên chủ nhiệm lồng ghép gần gũi, thiết thực và mang tính thuyết phục với học sinh.

“Một hình thức quan trọng là tổ chức tuyên truyền trên Internet, phát triển trên nền Fanpage nhà trường và các trang tư vấn tuyển sinh, tư vấn nghề. Đặc biệt, trang Fanpage luôn cập nhật thông tin, kịp thời trả lời câu hỏi của học sinh liên quan đến nghề, trường thi, góp phần tích cực giúp các em chọn nghề, trường phù hợp”, cô Phạm Thị Hải Yến cho biết thêm.

Để hướng nghiệp thực chất, hiệu quả

Theo nhận định của ông Nguyễn Vinh San, Trưởng phòng Công tác sinh viên, Trường ĐH Sư phạm - ĐH Đà Nẵng, công tác hướng nghiệp tại các trường THPT có nhiều khởi sắc. Nhiều trường chủ động hơn trong tổ chức hoạt động hướng nghiệp thông qua lồng ghép vào môn học hoặc chung toàn trường. Có trường lại phối hợp cùng cơ sở giáo dục đại học, nghề nghiệp, doanh nghiệp định hướng nghề nghiệp cho học sinh. Trường lại mời chuyên gia trực tiếp tư vấn, giải đáp thắc mắc cho học sinh về vấn đề này.

Tuy nhiên, theo ông San, hoạt động hướng nghiệp hiện nay chưa đạt hiệu quả mong muốn bởi nhiều nguyên nhân, từ chính học sinh, gia đình, nhà trường. Cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp khi tham gia với trường phổ thông chủ yếu hướng tới mục đích tuyển sinh, chưa hoàn toàn mang tính phục vụ cộng đồng. Trường THPT chưa có nhiều chương trình, hoạt động chuyên sâu hướng nghiệp hay thành lập bộ phận tư vấn nghề nghiệp cho học sinh mà chủ yếu hoạt động chung, quy mô toàn khóa, toàn trường.

Điều này dẫn đến kết quả chỉ mang tính gợi mở về hướng nghiệp mà chưa tới đích là giúp học sinh chọn nghề phù hợp. Gia đình, học sinh cũng chưa hiểu biết nhiều về hướng nghiệp, dẫn đến lựa chọn con đường học tập, nghề nghiệp theo sở thích cá nhân và tâm lý trọng bằng cấp, chưa tính đến các yếu tố thuộc về năng lực cá nhân cũng như nhu cầu xã hội.

Để công tác hướng nghiệp đi vào thực chất, hiệu quả, ông Nguyễn Vinh San cho rằng, không thể làm theo kiểu phong trào mà cần đưa vào chương trình năm học của các lớp. Trong đó hướng nghiệp cần có lộ trình và làm từ các cấp học thấp hơn như THCS.

Các trường có thể bồi dưỡng, tập huấn cho giáo viên về hướng nghiệp và tư vấn lựa chọn nghề nghiệp, có điều kiện mời các chuyên gia càng tốt. Học sinh có thể được làm các bài trắc nghiệm nghề nghiệp. Giáo viên sử dụng kết quả này kết hợp quá trình theo dõi hoạt động học tập, sinh hoạt của học sinh tại trường, cùng đó là sự tham gia của phụ huynh trong buổi hướng nghiệp của lớp.

Với thông tin về sở thích, năng lực cá nhân, điều kiện gia đình, kết quả trắc nghiệm nghề nghiệp có thể cung cấp cho học sinh và gia đình thông tin tin cậy để đưa ra định hướng nghề nghiệp trong tương lai. Ngành LĐ-TB&XH nếu cung cấp thêm thông tin về nhu cầu việc làm hàng năm sẽ rất tốt cho công tác hướng nghiệp…

 

Theo Hiếu Nguyễn
Giáo dục và Thời đại

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

TIN MỚI

TIN KHÁC

COLUMBIA
-->
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây