Theo Nghị định của Chính phủ, đăng kiểm viên là người có đủ trình độ và kỹ năng được cấp giấy chứng nhận đăng kiểm viên để thực hiện việc kiểm định xe cơ giới. Vậy muốn làm đăng kiểm viên thì phải học ngành gì?
Theo tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, đăng kiểm viên là một vị trí việc làm, do các trung tâm đăng kiểm tuyển dụng, đào tạo và cấp chứng chỉ.
Quy định những nội dung trong chương trình ĐH
Cụ thể, Nghị định 139 năm 2018 của Chính phủ quy định, đăng kiểm viên là người có đủ trình độ, kỹ năng được cấp giấy chứng nhận đăng kiểm viên để thực hiện một phần hoặc toàn bộ việc kiểm định xe cơ giới. Đăng kiểm viên gồm hai hạng: đăng kiểm viên xe cơ giới và đăng kiểm viên xe cơ giới bậc cao.
Nhân viên nghiệp vụ kiểm định là người có đủ trình độ, kỹ năng được cấp chứng chỉ nhân viên nghiệp vụ để thực hiện công việc nhận, trả, lưu trữ hồ sơ, nhập dữ liệu, tra cứu, kiểm tra, đối chiếu hồ sơ xe cơ giới vào kiểm định và in chứng chỉ kiểm định. Người đánh giá nghiệp vụ đăng kiểm viên phải là đăng kiểm viên thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam, có kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực đăng kiểm xe cơ giới tối thiểu 5 năm.
Nghị định này cũng quy định cụ thể điều kiện cấp giấy chứng nhận đăng kiểm viên xe cơ giới. Về trình độ chuyên môn, đăng kiểm viên cần tốt nghiệp ĐH chuyên ngành đào tạo kỹ thuật cơ khí, trong chương trình đào tạo ĐH có các nội dung sau: lý thuyết ô tô, cấu tạo ô tô, kết cấu tính toán ô tô, bảo dưỡng kỹ thuật ô tô, động cơ đốt trong và điện ô tô hoặc các nội dung tương đương. Tuy nhiên, trường hợp không đầy đủ các các nội dung trên, có thể được đào tạo bổ sung tại các trường ĐH.
Bên cạnh trình độ chuyên môn, đăng kiểm viên cần có tối thiểu 12 tháng thực tập nghiệp vụ theo nội dung do Bộ Giao thông vận tải quy định; có kết quả đánh giá đạt yêu cầu nghiệp vụ đăng kiểm viên xe cơ giới theo quy định của Bộ Giao thông vận tải; Có giấy phép lái xe ô tô còn hiệu lực.
Như vậy, để đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận đăng kiểm viên xe cơ giới thì cần tốt nghiệp ĐH các ngành mà trong chương trình đào tạo ĐH có các nội dung liên quan đến lý thuyết ô tô, cấu tạo ô tô, kết cấu tính toán ô tô, bảo dưỡng kỹ thuật ô tô, động cơ đốt trong và điện ô tô hoặc các nội dung tương đương.
Chẳng hạn, sinh viên ngành công nghệ kỹ thuật ô tô của Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM sau khi ra trường cũng có thể trở thành đăng kiểm viên.
"Trong trường hợp chưa học qua các kiến thức này, sinh viên vẫn có thể được đào tạo bổ sung tại các trường ĐH trước khi thi cấp giấy chứng nhận. Điều này có nghĩa không giới hạn ngành học cụ thể nào trước khi ứng viên tham gia tập huấn nghiệp vụ để cấp chứng chỉ tập huấn nhân viên nghiệp vụ kiểm định", tiến sĩ Nhân nói thêm.
Những nội dung tập huấn nhân viên nghiệp vụ kiểm định
Theo điều 7 Thông tư 18 năm 2019 của Bộ Giao thông vận tải, việc tập huấn nhân viên nghiệp vụ kiểm định phải đảm bảo nội dung lý thuyết và thực hành.
Trong đó, tập huấn lý thuyết gồm các vấn đề tổng quan như: hệ thống mạng lưới, tổ chức kiểm định xe cơ giới; đạo đức nghề nghiệp; quy định về trách nhiệm và xử lý vi phạm trong công tác kiểm định; quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đăng kiểm xe cơ giới.
Nội dung tập huấn lý thuyết văn bản pháp lý gồm: các quy định, hướng dẫn nghiệp vụ; yêu cầu về hồ sơ kiểm định; trình tự thực hiện kiểm định; phân loại phương tiện, phí, lệ phí kiểm định; quản lý hồ sơ, báo cáo, truyền số liệu kiểm định. Phần hướng dẫn thực hành về sử dụng các chương trình, phần mềm quản lý kiểm định xe cơ giới.
Người hoàn tất tập huấn sẽ được cấp chứng chỉ tập huấn nhân viên nghiệp vụ kiểm định theo mẫu quy định.
Trường ĐH nào đang đào tạo các ngành học này?
Hiện nhiều trường ĐH đang đào tạo ngành kỹ thuật cơ khí như: ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, Trường ĐH Cần Thơ… Bên cạnh đó, nhiều trường cũng đào tạo ngành kỹ thuật ô tô: Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, Trường ĐH Duy Tân…
Về học phí, theo quy định, năm học 2022-2023 các trường ĐH công lập chưa tự chủ mức trần dao động từ 9,8 - 14,3 triệu đồng/năm học (10 tháng). Với trường tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư, học phí tùy khối ngành đào tạo dao động từ 20,5 - 50,5 triệu đồng/năm học. Khối trường ĐH tự chủ, mức thu áp từ 20 - 50 triệu đồng/năm.
Trong khi đó, khối trường ĐH ngoài công lập tự xác định mức thu học phí riêng. Chẳng hạn, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM thu khoảng 36 triệu đồng/năm, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành áp dụng mức học phí từ 12,9 - 16,5 triệu đồng/học kỳ (riêng y khoa 40 triệu đồng/học kỳ)…
Theo Hà Ánh
Thanh niên
Ý kiến bạn đọc
TIN MỚI
TIN KHÁC