Ngành tài chính - ngân hàng được chia thành nhiều chuyên ngành khác nhau, mang đến cho sinh viên cơ hội việc làm lớn sau khi ra trường.
Ngành tài chính - ngân hàng khá rộng, bao quát tất cả các hoạt động liên quan đến giao dịch tiền tệ và kinh doanh qua ngân hàng. Trong đó, tập trung vào những lĩnh vực liên quan đến tài chính như: Tài chính thuế, tài chính doanh nghiệp và toàn bộ các vấn đề cần đến công cụ tài chính để thanh toán các cước phí trong và ngoài nước.
Theo bài viết trên web Đại học Đông Á, ngành học này được chia thành nhiều chuyên ngành khác nhau như: Chuyên ngành Quản lý tài chính công, Ngân hàng, Phân tích tài chính, Hải quan, Tài chính doanh nghiệp, Bảo hiểm.
Dưới đây là thông tin cụ thể về một số chuyên ngành thuộc ngành tài chính - ngân hàng, bạn có thể tìm hiểu thêm:
Chuyên ngành Quản lý tài chính công
Khi theo đuổi chuyên ngành Quản lý tài chính công, sinh viên sẽ được trang bị những kiến thức và kỹ năng về quản lý tài chính công ở nước ta. Sinh viên chuyên ngành này còn được phân phối những thông lệ quốc tế để có thể vận dụng vào quá trình triển khai quản lý tài chính tại các tổ chức sử dụng ngân sách nhà nước .
Là một trong những trường đào tạo chuyên ngành Quản lý tài chính công, Học viện Tài chính đưa ra mức điểm năm nay - 25.94 điểm với tổ hợp 4 môn xét tuyển A00; A01; D01; D07. Trường Đại học Kinh tế TP.HCM cũng xét tuyển 4 tổ hợp môn tương tự A00; A01; D01; D07 với mức điểm chuẩn là 24 điểm.
Chuyên ngành Ngân hàng
Chuyên ngành Ngân hàng trang bị cho sinh viên những kiến thức từ cơ bản đến chuyên sâu về lĩnh vực tài chính, ngân hàng, tiền tệ, quản trị tín dụng, quản trị vốn và tài sản, các kiến thức về phát hành tiền, thẩm định hạn tín dụng.
Hiện nhiều trường đại học lớn trên cả nước đào tạo chuyên ngành Ngân hàng như sau: Học viện Tài chính (25,8 điểm), Học viện Ngân hàng (25,7 điểm), trường Đại học Kinh tế TP.HCM (25,3 điểm), trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng (24 điểm),...
Chuyên ngành Tài chính doanh nghiệp
Với chuyên ngành Tài chính doanh nghiệp, sinh viên được cung cấp khối lượng lớn kiến thức về thị trường tài chính, ngân hàng, chứng khoán, chuyên sâu về tài chính doanh nghiệp như: Phân tích tài chính, hoạch định chiến lược tài chính và quản trị tài chính.
Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đang là một trong số ít trường đại học đào tạo chuyên ngành Tài chính doanh nghiệp, thuộc ngành Tài chính - Ngân hàng. Năm 2023, ngưỡng điểm chuẩn trúng tuyển vào chuyên ngành này là 27,10 điểm với 4 tổ hợp môn xét tuyển A00, A01, D01, D07.
Chuyên ngành Tài chính quốc tế
Đây là một trong những chuyên ngành thuộc ngành tài chính - ngân hàng được nhiều sinh viên lựa chọn nhất trong thời gian vừa qua. Với những kiến thức chuyên sâu về Tài chính quốc tế, sinh viên hoàn toàn tự tin thực hiện tốt công việc của mình sau khi ra trường.
Chuyên ngành Tài chính quốc tế đang được nhiều trường đại học trên cả nước đào tạo như: trường Đại học Ngoại thương (27,45 điểm đối với cơ sở phía Bắc và 27,8 điểm đối với cơ sở phía Nam), trường Đại học Kinh tế TP.HCM (26,6 điểm), trường Đại học Công nghệ TP.HCM (16 điểm), trường Đại học Kinh tế - Tài chính TP.HCM (19 điểm), trường Đại học Công nghệ Miền Đông (15 điểm).
Chuyên ngành Phân tích và đầu tư tài chính
Chuyên ngành Phân tích và đầu tư tài chính đem lại cho người học nhưng kỹ năng đa dạng về định giá doanh nghiệp, tư vấn M&A hay đầu tư chứng khoán, đầu tư phát sinh. Sinh viên còn có thể hiểu sâu kiến thức ngành Tài chính và nắm vững những kiến thức chuyên ngành.
Hiện nay, trường Đại học Ngoại Thương đang là một trong những trường đi đầu về chất lượng giảng dạy chuyên ngành Phân tích và đầu tư tài chính. Năm 2023, ngưỡng điểm chuẩn trúng tuyển vào chuyên ngành này là 27,45 điểm đối với khu vực phía Bắc và 27,8 điểm đối với khu vực phía Nam.
Theo Tuyết Anh
Tổng hợp
Ý kiến bạn đọc
TIN MỚI
TIN KHÁC