Tôi rất ngạc nhiên khi được một người quen cho biết, có một nữ sinh vừa tốt nghiệp ở Trường THPT Ernst Thälman (Q.1, TP.HCM) đã chọn ngành ngôn ngữ Tây Ban Nha của Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, mà một trong những nguyên nhân là từ một... bài thơ !
Cô Phương Thảo, giáo viên môn ngữ văn của cô học trò Như Nguyên tại Trường THPT Ernst Thälman, cho người quen của tôi biết: "Như Nguyên là học sinh giỏi, biết cố gắng vượt khó, rất siêng năng, chăm chỉ, giỏi môn sử và địa, đã tham gia đội tuyển thi học sinh giỏi cấp thành phố. Nhiệt tình phong trào, sẵn sàng giúp đỡ bạn bè. Có lòng tự trọng".
Cô giáo Phương Thảo kể: "Mình không ngạc nhiên khi Như Nguyên chọn học tiếng Tây Ban Nha. Là cô bé có cá tính mạnh, điểm nổi bật của bạn ấy là tìm hiểu, khám phá. Điểm thú vị từ Tây Ban Nha có lẽ được gợi hứng khi em học bài Đàn ghi-ta của Lorca của nhà thơ Thanh Thảo (trong sách giáo khoa lớp 12) mà tôi dạy, nên Như Nguyên đã quyết định chọn học tiếng Tây Ban Nha".
Là tác giả bài thơ Đàn ghi-ta của Lorca trong sách giáo khoa ngữ văn lớp 12, biết câu chuyện nhỏ đó, tôi cũng rất vui vì sự lựa chọn này của một nữ sinh mình chưa từng quen biết.
Tây Ban Nha là đất nước tuyệt vời, không chỉ có đấu bò, vũ nữ di-gan hay âm nhạc flamenco. Ở đó còn có những nhà thơ, nhà văn, những danh họa tầm thế giới, mà F.G.Lorca là một trong những nhà thơ tiêu biểu.
Chuyện bài thơ ấy gợi cảm hứng được cho học sinh Việt Nam, tôi nghĩ, chính những thầy cô giáo khi dạy bài thơ này đã truyền được cảm hứng cho học sinh của mình. Và điều đó có thể mang lại những kết quả thú vị, tốt đẹp.
Học sinh chúng ta, khi học văn học mà được thầy cô dạy một cách đầy cảm hứng, các em sẽ rất dễ tiếp thu những cốt lõi của tác phẩm văn học, và nếu ở mức cao hơn, sẽ tìm được trong những bài giảng, những "gợi ý" cho mình.
Chọn học tiếng Tây Ban Nha là để tìm hiểu và yêu sâu sắc hơn đất nước tươi đẹp này, và từ ngôn ngữ, có thể đó là cây cầu chắc chắn bắc tới văn học nghệ thuật Tây Ban Nha, bắc tới cuộc sống của người dân Tây Ban Nha.
Ngôn ngữ Tây Ban Nha là một ngôn ngữ lớn và khi đã sử dụng thật tốt ngôn ngữ này, sinh viên sẽ có nhiều cơ hội trong công việc cũng như trong cuộc sống.
Từ câu chuyện nữ sinh Như Nguyên chọn học tiếng Tây Ban Nha, tôi nhớ tới cố nhà văn Nguyễn Trung Đức, bạn thân của tôi. Anh Nguyễn Trung Đức thời kháng chiến chống Mỹ đã được học tiếng Tây Ban Nha ở Cu Ba, và sau này anh thành một nhà văn chuyên chuyển ngữ những tác phẩm văn học lớn từ ngôn ngữ Tây Ban Nha sang tiếng Việt.
Đóng góp của nhà văn-nhà dịch thuật Nguyễn Trung Đức cho văn học đương đại Việt Nam là lớn, khi qua những bản dịch của anh, những tác phẩm kinh điển của thế giới được viết bằng tiếng Tây Ban Nha của G.G.Marquez, của L.Borges, của Octavio Paz, và của một số nhà văn lớn Mỹ-Latinh đã tới được người đọc Việt Nam từ những tháng năm gian khổ thời bao cấp.
Văn học trong nước bao giờ cũng mong nhận được những gợi ý, gợi cảm hứng, những bài học quý giá từ những tác phẩm lớn, những tác phẩm nổi tiếng của văn học nước ngoài, của những nhà văn vĩ đại trên thế giới.
Tất cả những điều này đều phải qua ngôn ngữ, qua văn bản gốc hoặc qua chuyển ngữ, không thể khác.
Vì những điều đó, rất hy vọng nữ sinh Như Nguyên sẽ học ngôn ngữ Tây Ban Nha thành công cùng nhiều bạn bè khác của mình cũng chọn học những ngôn ngữ khác, ngoài số ít ngôn ngữ được nhiều người chọn học.
Theo Nhà thơ Thanh Thảo
Ý kiến bạn đọc
TIN MỚI
TIN KHÁC