Sẽ sửa quy trình làm đề thi tốt nghiệp THPT ra sao để tránh lộ đề?

Thứ hai - 13/06/2022 07:30:06

Việc Bộ Công an khởi tố vụ án và các bị can vì có dấu hiệu vi phạm trong xây dựng ngân hàng câu hỏi và ra đề thi môn sinh kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 khiến dư luận quan tâm về quy trình ra đề thi.
 
Sẽ sửa

Như Thanh Niên thông tin, ngày 10.6, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án xảy ra tại Bộ GD-ĐT liên quan vi phạm trong công tác xây dựng ngân hàng câu hỏi và ra đề thi môn sinh kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Theo đó, khởi tố bị can, ra lệnh bắt bị can để tạm giam đối với bà Phạm Thị My (59 tuổi); khởi tố bị can, áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú đối với ông Bùi Văn Sâm (73 tuổi) để điều tra cùng tội danh nêu trên. Cả 2 đều là nguyên giảng viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.

Một ngày sau khi Bộ Công an phát đi thông báo này, Bộ GD-ĐT cho biết “đang tiếp tục phối hợp Bộ Công an xem xét trách nhiệm cá nhân, tổ chức có liên quan để xử lý theo quy định của pháp luật”.

Đâu là nguyên nhân “lộ” đề thi ?

Theo Quy chế thi tốt nghiệp THPT hiện hành, quy trình ra đề riêng đối với đề thi trắc nghiệm được quy định như sau: Thư ký sử dụng phần mềm rút ngẫu nhiên các câu trắc nghiệm từ ngân hàng câu hỏi thi theo hướng chuẩn hóa được xây dựng theo quy định của Bộ GD-ĐT, chuyển cho các tổ trưởng ra đề thi (có sự chứng kiến của chủ tịch hội đồng ra đề thi và các tổ trưởng ra đề thi) làm nguồn tham khảo để soạn thảo đề thi; sau đó cán bộ ra đề thi tinh chỉnh từng câu một.

Từ tháng 11.2021, một nhóm giáo viên, giảng viên, chuyên gia môn sinh đã có văn bản gửi lãnh đạo các cấp và cơ quan có thẩm quyền, phản ánh những lo lắng, bức xúc về nghi vấn lộ đề thi môn sinh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021, trong đó khẳng định “phần mềm không rút câu hỏi một cách ngẫu nhiên như Quy chế thi của Bộ GD-ĐT quy định, mà chọn đề đã ra sẵn - chính điều này là một trong những nguyên nhân làm lộ đề thi”.

Cũng theo nội dung văn bản trên, các chuyên gia cho rằng kẽ hở còn ở chỗ thiết kế việc ra đề thi hoàn toàn phụ thuộc vào một số người cố định, được điều tham gia làm đề thi nhiều năm liên tục và cũng là người đi biên soạn, biên tập các câu hỏi trắc nghiệm để tạo ra nguồn đề thi cho kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Quyết định khởi tố vụ án và bị can liên quan đến lộ đề thi của năm 2021 được ban hành trong bối cảnh chưa đầy 1 tháng nữa sẽ diễn ra kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Do vậy, dư luận đặc biệt quan tâm về quy trình và khâu bảo mật đề thi của kỳ thi năm nay.

Nhiều chuyên gia đề nghị Bộ GD-ĐT cần rà soát quy trình làm đề thi ở tất cả các môn thi để xem có sơ suất, sai sót ở khâu nào còn kịp thời điều chỉnh, hoàn thiện, bởi kỳ thi tốt nghiệp THPT là kỳ thi có quy mô lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến hàng triệu học sinh nên không thể có sai sót ở bất kỳ khâu nào…

Người xây dựng ngân hàng câu hỏi sẽ không vào hội đồng ra đề

Xung quanh nội dung này, ngày 11.6, đại diện Bộ GD-ĐT khẳng định: “Lãnh đạo Bộ GD-ĐT đã triển khai rà soát, điều chỉnh các khâu có liên quan, tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra tới tất cả các khâu của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, hướng tới mục tiêu các kỳ thi được triển khai chặt chẽ, hiệu quả, an toàn”.

Trước đó, ông Lê Mỹ Phong, Phó cục trưởng phụ trách Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT), cho biết kế hoạch xây dựng ngân hàng câu hỏi thi đã được lãnh đạo Bộ ban hành kèm Quyết định số 469/QĐ-BGDĐT ngày 11.2.2022. Theo đó, thực hiện nguyên tắc độc lập và phân định rõ trách nhiệm giữa các khâu trong xây dựng, quản lý ngân hàng câu hỏi thi: biên soạn, biên tập, thẩm định, định cỡ, lựa chọn và nhập dữ liệu câu hỏi.

Theo ông Phong, Bộ GD-ĐT đã rà soát, hoàn thiện ngân hàng câu hỏi thi, lựa chọn câu hỏi đã có trong ngân hàng câu hỏi thi theo ma trận đề thi tốt nghiệp THPT năm 2022 và viết bổ sung câu hỏi mới. Đến tháng 6.2022, cơ bản bảo đảm cả về số lượng, chất lượng đề thi; thực hiện nghiêm các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn, bảo mật, nhất là khâu lựa chọn và nhập dữ liệu câu hỏi vào ngân hàng câu hỏi thi.

Khâu lựa chọn người là quan trọng nhất

TS Quách Tuấn Ngọc, nguyên Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ GD-ĐT), cho rằng: “Quy chế thi tốt nghiệp THPT 2021 có các quy định về đề thi tương đối “khép kín”. Do đó, vụ án này chính là ở khâu cán bộ, khâu con người. Công nghệ hiện đại mấy, quy trình có chặt chẽ đến mấy nhưng giáo viên tha hóa thì rất khó kiểm soát. Do đó, theo tôi, khâu lựa chọn cán bộ vẫn là khâu quan trọng nhất”.

Ông Phong cho biết trong thời gian tới, Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục hoàn thiện hướng dẫn quy trình ra đề thi bảo đảm khách quan, bảo mật để soạn thảo, thẩm định, tinh chỉnh đề thi, đáp án; trong đó phân định rõ trách nhiệm của các cá nhân tham gia hội đồng ra đề thi.

Đối với ra đề thi, Bộ GD-ĐT hoàn thiện hướng dẫn quy trình ra đề thi bảo đảm khách quan, bảo mật để thực hiện các khâu soạn thảo, thẩm định, tinh chỉnh đề thi, đáp án; trong đó phân định rõ trách nhiệm của các cá nhân tham gia hội đồng ra đề thi.

Làm rõ hơn về những thay đổi nêu trên, một vị đại diện Bộ GD-ĐT cho Thanh Niên biết việc năm nay Bộ nhấn mạnh “nguyên tắc độc lập, phân định rõ trách nhiệm” trong quy trình làm đề thi, nói một cách dễ hiểu là những người tham gia xây dựng, quản lý ngân hàng câu hỏi thi năm nay sẽ không phải là những người tham gia hội đồng ra đề thi, để tránh lặp lại vi phạm về lộ đề thi môn sinh năm 2021.

Theo Tuệ Nguyễn
Thanh niên

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

TIN MỚI

TIN KHÁC

COLUMBIA
-->
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây