Học gì để không 'thua trên sân nhà'?

Thứ ba - 10/01/2023 06:10:02


Trong xu thế toàn cầu hóa, không phải đến khi tìm việc ở nước ngoài thì sinh viên mới chịu áp lực cạnh tranh với những đối thủ quốc tế. Cuộc thi thố giữa những "công dân toàn cầu" đang diễn ra ngay chính trên "sân nhà" Việt Nam.

Đó là một trong nhiều nội dung được các chuyên gia trao đổi tại chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp do báo Tuổi Trẻ tổ chức tại thị xã La Gi (Bình Thuận) vào sáng 8-1. Chương trình do báo Tuổi Trẻ, Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT), Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) phối hợp Sở GD-ĐT Bình Thuận tổ chức, với sự đồng hành của Tập đoàn Vingroup.

Thách thức từ nhân lực ngoại

Bạn Huyền Trang (Trường THPT Lý Thường Kiệt, Bình Thuận) đặt ra băn khoăn với ban tư vấn: "Em không có điều kiện du học nhưng lại rất muốn sau này ra trường làm việc ở nước ngoài. Liệu rằng khi học đại học ngành truyền thông tại Việt Nam, em có thể làm ở nước ngoài hay không?".

TS Phạm Tấn Hạ - phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) - cho biết các chương trình đào tạo của trường, trong đó có ngành truyền thông, luôn hướng đến sinh viên có thể hội nhập và làm việc tại nhiều nơi. Đầu vào của ngành tuyển bằng các khối D01, D14 - những tổ hợp có môn tiếng Anh. Chương trình hướng theo chuẩn quốc tế.

TS Phạm Tấn Hạ chia sẻ hiện sinh viên các trường đại học dễ tiếp cận với cơ hội học bổng, học tập thông qua những chuyến trao đổi và trải nghiệm quốc tế. Các sinh viên có định hướng làm việc ở nước ngoài có thể thử sức để hiểu thêm môi trường các nước và xem mình có phù hợp hay không.

Thầy Hạ cho rằng công việc ở các nước đang rất đa dạng và gần như không có rào cản. Tuy nhiên, sinh viên sẽ phải chứng tỏ bản thân. "Điều này buộc các bạn trẻ cần đầu tư không chỉ cho việc học mà còn các kiến thức, kỹ năng theo chuẩn quốc tế" - thầy Hạ nói.

PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng - quyền hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM - chia sẻ hiện nay nhiều trường đại học đang lo ngại sự "cạnh tranh" giữa các nguồn lao động. Rất nhiều bạn trẻ các nước đã đến Việt Nam làm việc. Nhiều sinh viên ASEAN sau khi ra trường cũng đã chọn Việt Nam là nơi khởi đầu sự nghiệp. Vì vậy, không chỉ khi ra nước ngoài sinh viên mới phải đương đầu với các "đối thủ" quốc tế mà giờ còn phải cạnh tranh với họ ngay ở "sân nhà".

Vì vậy, TS Huỳnh Thanh Hùng nhắc nhở các học sinh trong buổi tư vấn rằng dù ở bất cứ ngành nào cũng cần chuẩn bị các "hành trang" trong 4 năm đại học là rất cần thiết. Hành trang này bao gồm trình độ chuyên môn, các kỹ năng mềm và nhất là ngoại ngữ. "Sinh viên cần lên được cho mình một lộ trình học ngoại ngữ từ sớm, có thể ngay từ năm nhất hoặc càng sớm càng tốt" - ông Hùng nói.

Học gì để không


Đừng bị tên gọi giới hạn lựa chọn

Cũng tại buổi tư vấn, Ái Vân (học sinh lớp 12 Trường THPT Lý Thường Kiệt) bày tỏ mong muốn theo học ngành tài chính - ngân hàng nhưng lại lo lắng nhu cầu xã hội khi khách hàng đang thích sử dụng các ứng dụng trên thiết bị di động thay vì đến trực tiếp quầy giao dịch. Liệu rằng công nghệ số có thu hẹp cơ hội việc làm cho những sinh viên muốn theo ngành này hay không?

Giải đáp thắc mắc của học sinh, ThS Nguyễn Thái Châu, giám đốc Trung tâm tuyển sinh và quan hệ doanh nghiệp Trường ĐH Tài chính - Marketing, cho rằng quả thật ngày nay chuyển đổi số đang thay đổi ngành ngân hàng mạnh mẽ. Công nghệ đã thay thế nhiều nhân sự "truyền thống", tăng hiệu quả và độ chính xác lên rất cao.

"Tuy nhiên, các ngân hàng vẫn luôn cần một đội ngũ nhân lực mạnh, đặc biệt trong quá trình mở rộng tại Việt Nam và quốc tế. Dù có một số mảng sẽ cần ít người hơn, nhưng có mảng sẽ cần nhiều người chuyên môn cao. Sinh viên mới ra trường thường sẽ làm trong ngân hàng khoảng 2 năm trước khi được đào tạo chuyên sâu trong từng lĩnh vực như kế toán, chăm sóc khách hàng, quản trị rủi ro, chứng khoán" - ông Châu nói.

PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng cho rằng một trong những sai lầm khi chọn ngành, chọn nghề của học sinh là quan niệm muốn làm một ngành thì bắt buộc phải học đại học có tên ngành ấy, chẳng hạn làm ngân hàng thì phải học "ngành ngân hàng"? Trong khi đó, một ngân hàng thường sẽ cần rất nhiều bộ phận khác nhau từ tài chính, kế toán, quản trị đến cả công nghệ thông tin... Khi chọn các ngành học không có tên "ngân hàng", bạn cũng có thể làm cho ngân hàng.

Tư vấn thêm cho các học sinh, TS Lê Thị Thanh Mai (trưởng Ban công tác sinh viên, ĐH Quốc gia TP.HCM) lưu ý việc chọn ngành chọn nghề, cân nhắc sở thích và nhu cầu xã hội thôi là chưa đủ. Yếu tố cần thiết khác là năng lực của mỗi người. Năng lực này không chỉ thể hiện ở việc bạn có đáp ứng được những tiêu chí nghề nghiệp của ngành hay không, mà còn ở việc bạn phải chịu đựng được những "mặt trái" của ngành. Cô Mai khuyên học sinh khi tìm hiểu ngành nghề cần xem xét cả áp lực, khó khăn của công việc để biết mình có theo được ngành nghề đó hay không.

 

Theo Trọng Nhân
Tuổi trẻ

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

TIN MỚI

TIN KHÁC

COLUMBIA
-->
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây