Các đại học (ĐH) hàng đầu ở Úc tái thiết kế những công cụ đánh giá, bao gồm tăng cường hình thức thi trên giấy sau khi sinh viên bị phát hiện dùng ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để gian lận.
Theo tờ The Guardian ngày 10.1, gần đây các ĐH hàng đầu ở Úc bổ sung quy định mới, trong đó xem việc sinh viên sử dụng công cụ AI để viết bài luận là gian lận.
Động thái này diễn ra sau khi công cụ ChatGPT của công ty OpenAI (Mỹ) vừa mới ra mắt đã thu hút nhiều người dùng. ChatGPT là một công cụ kết hợp AI để tương tác với con người, có thể tự động tạo ra bài luận chỉ với vài dòng gợi ý từ người dùng.
Các chuyên gia cảnh báo nguy cơ sinh viên dùng ChatGPT hay công cụ AI tương tự để gian lận vì những AI đủ thông minh để tự viết ra những đoạn khác nhau cho cùng một chủ đề, hoàn toàn có thể “qua mắt” nhiều ứng dụng “kiểm tra đạo văn”.
Tiến sĩ Matthew Brown, Phó giám đốc điều hành tổ chức nhóm 8 ĐH hàng đầu Úc (The Group of Eight), cho biết các ĐH này đã xem xét lại cách thức đánh giá, kiểm tra sinh viên trước sự bùng bổ của công nghệ AI.
“Các ĐH đã sửa đổi các hình thức đánh giá và sẽ áp dụng trong năm 2023, bao gồm khôi phục kỳ thi viết trên giấy có giám thị, tăng cường bài kiểm tra dùng bút và giấy… áp dụng đối với những khoa có nguy cơ gian lận cao”, ông Brown nói. Đồng thời ông Brown gọi đây là cách đón đầu sự phát triển của AI.
Quy định mới cập nhật của ĐH Sydney nhấn mạnh việc “tạo ra nội dung hay bài luận bằng AI” là một hình thức gian lận.
ĐH Quốc gia Úc thay đổi cách thức đánh giá, thi cử, chuyển sang tập trung nhiều hơn tại phòng thí nghiệm, chuyến đi thực địa, khôi phục kỳ thi tập trung trên giấy, tăng cường đánh giá qua các bài thuyết trình của sinh viên.
Ông Toby Walsh, giảng viên chuyên về AI tại ĐH New South Wales, cho hay việc cấm sử dụng các công cụ AI như ChatGPT hay đầu tư mua công nghệ chống gian lận là không hiệu quả nên việc thay đổi cách đánh giá, thi cử của các ĐH là phù hợp.
Mới đây, các trường công lập ở TP.New York (Mỹ) vừa ban hành lệnh cấm học sinh và giáo viên sử dụng ChatGPT.
Theo Thuận Hòa
Thanh niên
Ý kiến bạn đọc
TIN MỚI
TIN KHÁC