Trường chuyên đào tạo nhân tài, không phải 'gà nòi'

Thứ sáu - 06/01/2023 06:20:13


Dư luận có ý kiến phản đối sự tồn tại của trường chuyên là do cách đào tạo theo kiểu 'gà nòi'.

Ý kiến lo lắng về việc trường chuyên đang quá sa đà vào việc bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi để lấy thành tích trong các kỳ thi quốc gia, quốc tế cũng là điều mà Bộ GD-ĐT đã nhận thấy và khẳng định thời gian tới mô hình này sẽ “quyết không chạy theo thành tích, ứng thí”.

Không rõ học sinh trường chuyên đi đâu về đâu

Theo đánh giá của Bộ GD-ĐT đến năm 2022 về mô hình trường THPT chuyên: Mặc dù chất lượng giáo dục của các trường chuyên đã được cải thiện, kết quả đào tạo mũi nhọn được nâng cao, hệ thống trường chuyên vẫn còn bộc lộ những hạn chế như: việc xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường ở một số nơi vẫn coi nặng việc tổ chức bồi dưỡng đội tuyển học sinh (HS) giỏi, chưa tăng cường nhiều cho HS thêm các kỹ năng thực hành, thí nghiệm, nghiên cứu khoa học và các kỹ năng mềm khác. Các chương trình tiên tiến của nước ngoài đưa vào nhà trường tham khảo còn khiêm tốn; việc tổ chức dạy học thí điểm các môn khoa học bằng tiếng Anh còn hạn chế…

Trường chuyên đào tạo


Bộ GD-ĐT cho rằng vẫn còn hạn chế việc kết nối giữa trường chuyên với trường ĐH như: thiếu thông tin cập nhật về hiệu quả giáo dục của trường chuyên và đào tạo của các cơ sở giáo dục ĐH để có giải pháp điều chỉnh phù hợp dẫn đến hạn chế phát triển năng khiếu của HS.

Theo báo cáo của các sở GD-ĐT, hiện mới có 30/64 trường chuyên có theo dõi việc học tập của cựu HS đào tạo trình độ ĐH, sau ĐH và công tác sau khi tốt nghiệp ra sao. Bộ GD-ĐT cho rằng cần có các giải pháp cụ thể về cơ chế phối hợp giữa các trường THPT chuyên với trường ĐH để tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng HS có năng khiếu.

Lãnh đạo trường THPT chuyên Biên Hòa (Hà Nam) cho rằng: “Trong những năm tới, chúng tôi luôn xác định nhà trường hoạt động không chỉ vì kết quả của một tháng, một năm học mà là vì một ý nghĩa lớn lao hơn: HS trường chuyên sau khi tốt nghiệp, được đào tạo sẽ trở thành con người như thế nào và mọi hoạt động của nhà trường trong các thời kỳ khác nhau sẽ cần phải ra sao? Bộ GD-ĐT cần hoàn thiện khung chương trình và xây dựng chuẩn kiến thức, kỹ năng, bộ tài liệu dạy chuyên chính thống cho hệ thống trường chuyên”.

GS Nguyễn Đình Đức, ĐH Quốc gia Hà Nội, từng phát biểu tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện đề án phát triển hệ thống trường chuyên, cho rằng dư luận có ý kiến phản đối sự tồn tại của trường chuyên là do cách đào tạo theo kiểu “gà nòi”. Phụ trách đào tạo ở ĐH Quốc gia, ông Đức cho biết trước đây khi nhận sinh viên là HS tốt nghiệp từ các trường chuyên, ông thấy nhiều em điểm rất cao nhưng thường gặp các vấn đề như không tốt về ngoại ngữ, không theo được chuyên môn, thiếu các kỹ năng, khó hòa nhập...

“Trường chuyên phải là nơi đào tạo nhân tài, không phải đào tạo gà nòi”, ông Đức khẳng định và cho rằng để làm được điều đó thì phải đào tạo toàn diện, một HS chuyên bất cứ lĩnh vực nào cũng phải có kỹ năng mềm, cũng phải có trình độ về tin học, ngoại ngữ. Quan trọng nhất của trường chuyên phải là nơi nuôi dưỡng khát vọng, đam mê, hoài bão của HS để các em thành tài. Trường chuyên có thể không có giải thưởng quốc gia, quốc tế nhưng những em học ở trường chuyên sẽ trở thành những cán bộ chủ chốt của đất nước và như vậy là thành công.

“Các trường ĐH hàng đầu cần có chính sách tuyển thẳng những HS giỏi, trong đó có HS trường chuyên; có các văn bản pháp lý đối với trường chuyên phù hợp hơn với tình hình thực tế; làm sao để thu hút được những người giỏi nhất vào trường chuyên”, GS Đức đề nghị.

Giáo viên trường chuyên “có vào, có ra”

Hầu hết ý kiến của các sở GD-ĐT đều phản ánh khó khăn về đội ngũ giáo viên (GV) trường chuyên. Báo cáo của Sở GD-ĐT TP.HCM gửi Bộ GD-ĐT nêu thực tế: Đội ngũ GV chưa đồng đều về chuyên môn, công tác đào tạo bồi dưỡng GV dạy chuyên để kế thừa ở một số tổ bộ môn còn hạn chế, chưa kịp thời. Chế độ đãi ngộ cho GV trường chuyên chưa thu hút ứng viên giỏi tham gia tuyển dụng vào trường.

Phản cảm nếu trường chuyên “lộng lẫy” khi trường thường chưa kiên cố

Về việc các địa phương dành đầu tư lớn cho hệ thống trường chuyên, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đặc biệt lưu ý, đầu tư cho trường chuyên nhưng không vì thế mà không lưu ý đến giáo dục phổ thông và chính sách bình đẳng trong giáo dục. “Không nên quá đầu tư cho hệ thống trường chuyên mà quên hệ thống trường khác. Đành rằng trong điều kiện khó khăn phải đầu tư tập trung nhưng bên cạnh trường chuyên được đầu tư lộng lẫy là nhóm trường khác còn chưa được kiên cố hóa thì thực sự phản cảm. Phát triển nhóm trên nhưng phải nâng đỡ nhóm dưới một cách hài hòa”, ông Sơn nói.

Ông Mai Anh Dũng, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Bình Định), cho rằng chất lượng đội ngũ GV không đồng đều ở các môn. Có những môn mỏng về nhân lực công tác bồi dưỡng HS giỏi, công tác khen thưởng chưa động viên được cán bộ GV…

Dự thảo Quy chế tổ chức và hoạt động của trường THPT chuyên đang được Bộ GD-ĐT lấy ý kiến góp ý, chủ trương “có vào, có ra” với GV trường chuyên được thể hiện trong điều 11. Theo đó, một trong những nhiệm vụ, quyền hạn của hiệu trưởng là “chủ động trong việc đề xuất tuyển dụng GV, nhân viên; thuyên chuyển GV, nhân viên không đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ của trường chuyên sang cơ sở giáo dục khác...”.

Góp ý với dự thảo của Bộ GD-ĐT, ông Võ Văn Bé Hai, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Bến Tre, cho rằng: Điều này là cần thiết. Việc “có vào, có ra” với GV trường chuyên còn để bảo đảm cơ cấu sắp xếp đội ngũ GV trường và tạo điều kiện trường chuyên có thể tiếp nhận GV có năng lực ở các trường THPT không chuyên.

Ông Bé Hai cho hay Bến Tre đã áp dụng quy định GV trường chuyên không hoàn thành nhiệm vụ 1 năm, hoặc được đánh giá chuẩn nghề nghiệp ở mức trung bình 2 năm thì xem xét điều chuyển.

Ông Phùng Quốc Lập, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Phú Thọ, cho biết năm 2021 UBND tỉnh Phú Thọ giao Sở GD-ĐT xây dựng đề án phát triển trường chuyên của tỉnh, trong khi chờ đề án phát triển trường chuyên của toàn quốc. Trong đó, UBND tỉnh có giao sở xây dựng tiêu chí đánh giá đội ngũ GV trường THPT chuyên. Ngoài những tiêu chí theo quy định hiện hành, sở xây dựng thêm tiêu chí bổ sung, tuyển chọn, sàng lọc đội ngũ GV trường chuyên theo hướng “có vào, có ra”.

Quyết không chạy theo thành tích, ứng thí, huy chương

Năm 2022, phát biểu về mô hình trường chuyên 10 năm qua và định hướng trong giai đoạn tới, ông Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, cho rằng: “Một số trường chuyên hiện nay đạt đến đào tạo nhân tài với quan điểm, phương pháp phù hợp, nhưng một phần vẫn đang dừng ở mức là trường chất lượng cao và trường chọn mà chưa phải trường chuyên. Cần tránh quan điểm coi trường chuyên là để có HS giỏi, có các giải thưởng, các huân huy chương… mà cần có quan điểm đúng về phương diện đào tạo, bồi dưỡng nhân tài và lấy đó làm trọng tâm trong phát triển”.

Với quan điểm đào tạo phát triển toàn diện, Bộ trưởng Kim Sơn cho rằng, đào tạo chuyên dẫu đặc biệt nhưng vẫn là đào tạo phổ thông, vẫn lấy nền tảng nhân cách, cảm xúc, thẩm mỹ, lấy phát triển con người làm đầu; vì vậy, đào tạo chuyên cần theo hướng toàn diện, không thiên lệch, đào tạo không phải vì tấm huy chương, mà trước hết vì chính con người họ, đó cũng là nền tảng để có nhân lực chất lượng cao.

“Quyết không chạy theo thành tích, ứng thí, huân huy chương, câu chuyện học thật, thi thật, nhân tài thật triển khai đầu tiên phải là ở các trường THPT chuyên”, nhấn mạnh điều này, người đứng đầu ngành GD-ĐT đồng thời nhắc tới áp lực tuyển sinh trường chuyên mà ở đó không ít bậc phụ huynh còn chưa suy nghĩ thấu đáo, còn chạy theo trường chuyên vì mong muốn của bản thân, dẫn tới HS có lựa chọn không phù hợp. “Phải tránh tiêu cực trong tuyển sinh, tránh ngồi nhầm trường. Nhân tài không phải là câu chuyện của nhiều người nên phải có cách thức phù hợp”, ông Kim Sơn phát biểu.

 

Theo Tuệ Uyên
Thanh niên

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

TIN MỚI

TIN KHÁC

COLUMBIA
-->
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây