Ở nhiều trường ĐH, thí sinh chỉ cần đủ điều kiện nộp hồ sơ xét tuyển là đã trúng tuyển sớm.
Thời điểm này, các trường ĐH đang tăng tốc xét tuyển sớm bằng nhiều phương thức (trừ xét điểm thi tốt nghiệp THPT) để hoàn tất trước khi Bộ GD&ĐT lọc ảo trên hệ thống phần mềm tuyển sinh chung. Nhằm thu hút thí sinh (TS) đồng thời ứng phó với lượng lớn TS ảo, các trường đã dùng nhiều cách tuyển bằng được TS.
Học bạ 5-6 điểm/môn là trúng tuyển
Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM năm nay dự kiến tuyển 2.000 chỉ tiêu cho 11 ngành học theo ba phương thức. Theo công bố của trường mới đây, điểm chuẩn học bạ vào các ngành chỉ 15 điểm theo tổ hợp ba môn học kỳ 1 hoặc tổ hợp ba môn cả năm lớp 12.
TS chính thức đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển (không giới hạn số lần) từ ngày 10 đến 17 giờ ngày 30-7. Chậm nhất 17 giờ ngày 22-8, các cơ sở đào tạo công bố TS trúng tuyển đợt 1.
Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM, điểm chuẩn xét tuyển học bạ THPT đợt 1 của 34 ngành đào tạo ĐH chính quy đều là 18 điểm. Đây là mức điểm theo tổng điểm trung bình ba học kỳ (học kỳ 1, 2 lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12) hoặc tổng điểm trung bình ba môn năm lớp 12. Còn Trường ĐH Gia Định, điểm chuẩn học bạ ba học kỳ là 16,5 điểm, với chương trình tài năng là 18 điểm - tức TS chỉ cần 5,5-6 điểm/học kỳ là trúng tuyển.
Tương tự, Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng đưa ra ba mức điểm trúng tuyển xét tuyển sớm với học bạ. Trong đó, chỉ có nhóm 16 ngành sức khỏe thực hiện theo quy định của Bộ GD&ĐT về ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào nên điểm chuẩn là mức 32,5 và nhóm 40 điểm (xét điểm năm học kỳ) hoặc mức 19,5 điểm và 24 điểm (trung bình tổ hợp ba môn). 25 ngành còn lại ở mức 30 điểm (xét điểm năm học kỳ) hoặc 18 điểm (trung bình tổ hợp ba môn).
Tại Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, trừ nhóm ngành sức khỏe, ở đợt 1 đa số ngành có điểm sơ tuyển học bạ lớp 12 chỉ từ 6 điểm hoặc điểm đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM từ 550 điểm (thang điểm 1.200). Với Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, điểm chuẩn xét tuyển sớm ở hai phương thức xét học bạ đợt 1 năm 2023 cho 59 ngành dao động 18-24 điểm. Trừ ba ngành sức khỏe có điểm 19,5-24 điểm, 56 ngành còn lại điểm chuẩn là 18 (đã cộng điểm ưu tiên).
Gọi trúng tuyển gấp nhiều lần chỉ tiêu
Năm 2023, ngoài xét điểm thi tốt nghiệp THPT, mỗi cơ sở đào tạo ĐH có trung bình 4-5 phương thức xét tuyển sớm với chỉ tiêu khá cao. Để tìm được suất vào ĐH, đa số TS đăng ký xét tuyển sớm như xét học bạ, xét điểm đánh giá năng lực, ưu tiên xét tuyển... khiến số TS đăng ký và trúng tuyển ảo vào các trường rất lớn. Do đó, các trường phải thực hiện đồng thời nhiều phương án để tuyển được số lượng TS như mong muốn.
Đơn cử, Trường ĐH Văn Lang dự kiến tuyển hơn 14.000 TS cho hơn 60 ngành học, trong đó dành chỉ tiêu khá lớn cho xét học bạ và tuyển đến ba đợt. Thế nhưng ngay đợt 1 công bố điểm chuẩn trúng tuyển sớm, Tiến sĩ Võ Văn Tuấn, Phó Hiệu trưởng trường, cho biết đã nhận được khoảng 25.000 hồ sơ đăng ký xét tuyển, phần lớn đạt điều kiện trúng tuyển. “Trường đưa ra số trúng tuyển sớm lớn vì tỉ lệ hồ sơ ảo thường rất cao do TS xét tuyển ở nhiều trường, nhiều phương thức. Để giữ chân TS trúng tuyển, trường sẽ thường xuyên liên lạc hỗ trợ thông tin, tạo kênh phản hồi tốt cho các em…” - ông Tuấn cho hay.
Trường ĐH Công nghệ TP.HCM năm nay dự kiến tuyển gần 10.000 chỉ tiêu cho 59 ngành học. Trong đó, 53% dành cho phương thức xét học bạ (khoảng 5.000 TS) và trường tuyển sinh đến tám đợt cho phương thức này. Tuy nhiên, chỉ trong đợt 1, trường nhận được hơn 5.000 hồ sơ đăng ký với hơn 17.000 nguyện vọng xét tuyển. So với mức điểm chuẩn thì đã có hơn 15.000 nguyện vọng đủ điều kiện trúng tuyển.
Tương tự, Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM cũng có đến tám đợt xét tuyển bằng học bạ. ThS Phạm Doãn Nguyên, Phó Hiệu trưởng trường, cho biết chỉ riêng đợt 1 trường nhận hơn 3.000 hồ sơ đăng ký với gần 5.000 nguyện vọng xét tuyển vào các ngành. Để giữ chân TS đạt điểm trúng tuyển sớm, trường sẽ có chính sách ưu đãi lệ phí nhập học đến 3 triệu đồng cho 1.000 TS đầu tiên xác nhận nhập học.
Theo bộ phận phụ trách tuyển sinh một trường ĐH công lập TP.HCM, đây là năm thứ tư trường xét tuyển bằng học bạ và hiện có hơn 30.000 nguyện vọng xét tuyển, thấp hơn nhiều so với năm trước. Đáng lo là tỉ lệ TS ảo rất lớn, như năm trước số ảo chiếm tới 70%, nhất là ở nhóm TS khá, giỏi do tâm lý “đứng núi này trông núi nọ”.
“Năm nay trường dự kiến đưa ra số TS đạt điểm chuẩn cao hơn 3-4 lần chỉ tiêu. Đến đợt đăng ký chính thức trên hệ thống, đội tư vấn sẽ gọi điện thoại để vừa hướng dẫn vừa thăm dò nguyện vọng của TS trước khi trường ấn định chỉ tiêu chính thức cho phương thức cuối cùng là xét điểm thi tốt nghiệp THPT” - vị này chia sẻ.
Theo Phạm Anh
Pháp luật TP.HCM
Ý kiến bạn đọc
TIN MỚI
TIN KHÁC