Con chọn nghề, cha mẹ mất ăn mất ngủ

Thứ năm - 06/04/2023 06:16:18


Nhiều cuộc tranh cãi giữa cha mẹ và con cái nổ ra xung quanh chuyện chọn ngành, chọn nghề, chọn trường, thậm chí dẫn đến xung đột.

Con chọn nghề


Không ít phụ huynh cứ đến mùa tuyển sinh là mất ăn, mất ngủ. Có người bối rối vì không biết ngành nào phù hợp với con mình; có người lo lắng về cơ hội việc làm, sợ công việc nặng nhọc; có người lại tâm tư bởi không thuyết phục được con theo ngành nghề mình chọn...

Và rồi nhiều cuộc tranh cãi giữa cha mẹ và con cái nổ ra xung quanh chuyện chọn ngành, chọn nghề, chọn trường, thậm chí dẫn đến xung đột.

Khi cha mẹ muốn chọn ngành, chọn nghề thay con

Ông Hồ Văn Sang (phụ huynh ở quận Tân Phú, TP.HCM) có con trai năm nay chuẩn bị thi đại học. Mấy tháng nay, lúc rảnh là ông lên mạng tìm hiểu thông tin về ngành nghề, chương trình đào tạo để cùng con vạch mục tiêu, đưa ra những lựa chọn ngành học.

"Các con thường lựa chọn ngành nghề theo cảm tính, theo số đông bạn bè mà không quan tâm tới đặc thù nghề nghiệp cũng như cơ hội công việc sau khi tốt nghiệp. Theo tôi, phụ huynh là người từng trải và hiểu rõ nhất nên làm gì đúng nên phải giúp con chọn ngành" - ông Sang bày tỏ.

Phụ huynh Dương Ánh Tuyết (TP Thủ Đức) có con gái đang học chuyên toán. Vợ chồng bà đều làm kinh doanh nên muốn con theo học khối ngành kinh tế. 

"Ở nhà có cơ sở làm ăn thuận lợi. Khi thi vào lớp 10, con bé đậu vào lớp chuyên toán, vợ chồng tôi thấy mừng vì học giỏi toán sẽ có nhiều cơ hội vào trường kinh tế. Vậy mà giờ cháu bảo thích ngành công nghệ sinh học. Quan niệm chọn cuộc sống sau này rồi mới chọn nghề, tôi khuyên cháu chọn ngành ngân hàng nhưng không biết cách nào để thuyết phục được" - bà Tuyết bối rối.

Bà Lương Kim Vân (phụ huynh ở quận 12, TP.HCM) cũng có nỗi niềm tương tự: "Vợ chồng tôi đều đang làm ngành dược, quá thuận lợi mà con lại thích theo học ngành tài chính - ngân hàng. Bạn bè tôi bảo việc chọn ngành học nên tôn trọng con, để tụi nhỏ tự quyết, nhưng làm cha mẹ, trải qua biết bao kinh nghiệm, xã hội bây giờ cũng nhiều vấn đề nữa, nói không lo thì không thể".

Con chọn nghề, cha mẹ cũng rối

Ông Nguyễn Long (phụ huynh ở huyện Củ Chi, TP.HCM) tâm sự: "Đến nay thông tin chúng tôi nắm vẫn còn lờ mờ. Con tôi học giỏi môn vật lý nhưng chưa biết nên theo ngành nào. Hai cha con có trao đổi nhiều nhưng vẫn chưa thống nhất". 

Còn bà Nguyễn Thu Hồng (quận 12, TP.HCM) cho hay con bà rất thích vẽ và muốn thi vào ngành mỹ thuật, nhưng bà vẫn băn khoăn không biết có nên cho con thi vào "ngành của giới nghệ sĩ" này hay không. 

"Thực sự tôi không biết cho con học mỹ thuật ra trường rồi nó có kiếm tiền nuôi thân được không" - bà Hồng lo lắng.

Bà Trương Thị Hạnh (ở TP Tam Kỳ, Quảng Nam) có con đang học lớp 12, nhưng mấy tháng nay con bà không chịu chia sẻ với mẹ trong chuyện chọn ngành, chọn trường, "không biết làm sao để nói chuyện với con". 

"Sắp tới là phải đăng ký chọn ngành vô đại học rồi, nhưng hỏi kiểu gì con gái tui cũng không chịu nói. Nó bảo con đã chọn được ngành rồi, ba má đừng lo. 

Hôm trước tui hỏi đứa bạn cùng lớp của con thì biết con muốn chọn ngành kỹ thuật ô tô. Con gái học ngành đó có phù hợp không, ra trường nó làm việc chi?" - bà Hạnh bối rối.

Theo các chuyên gia hướng nghiệp, bất đồng với con cái khi chọn ngành, chọn trường là nỗi khổ của nhiều phụ huynh. Xung đột quan điểm có thể xảy ra với bất cứ ngành nghề nào, nhưng phổ biến hơn với các ngành mới, mang tính thời thượng hoặc thiên về tính sáng tạo, nghệ thuật... 

Đây là những ngành nghề thường được giới trẻ rất yêu thích, nhưng phụ huynh lại lo ngại về sự an toàn, ổn định.

Trong khi đó, phụ huynh không có cơ hội tiếp cận các thông tin đầy đủ về thị trường và nhu cầu nhân lực của từng loại ngành nghề nên thường dựa vào quan niệm chọn các nghề truyền thống, có tính ổn định. 

Các chuyên gia cũng cho rằng sự khác nhau trong cách nhìn nhận và quan niệm về nghề nghiệp là nguyên nhân khó dung hòa nhất.

 

Theo Trần Huỳnh
Tuổi trẻ

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

TIN MỚI

TIN KHÁC

COLUMBIA
-->
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây