Định hướng nghề cho học sinh cần lắng nghe để đồng hành

Thứ năm - 27/10/2022 05:20:04


Trước ngưỡng cửa tương lai, nhiều học sinh còn băn khoăn việc chọn trường, chọn nghề và không ít em có tâm lí cứ thi xong tốt nghiệp THPT rồi tính.

Định hướng nghề cho học sinh


Đồng hành cùng con

Khi được hỏi về việc định hướng nghề, Nguyễn Minh Tuấn - học sinh lớp 11, Trường THPT Lê Chân (quận Lê Chân, Hải Phòng) chia sẻ thích nghề kĩ sư công nghệ thông tin. Tuy nhiên em chưa tìm hiểu kĩ về những trường đào tạo nghề này, cũng như mức điểm trúng tuyển. Vẫn còn một năm học nữa để chuẩn bị, nên với Tuấn việc học là quan trọng, thi xong có điểm chọn cũng chưa muộn.

Còn Em Trần Vân Anh, học sinh lớp 10, Trường THPT Lê Quý Đôn (quận Hải An) cho rằng, quá trình học tập em được thầy cô và nhất là gia đình định hướng nghề nghiệp. Vân Anh thích ngành y nhưng bố mẹ lại muốn em học sư phạm. Vì thế, em cũng chưa quyết định mà muốn tìm hiểu thêm cũng như có thời gian để thuyết phục bố mẹ.

Chia sẻ về việc tư vấn, định hướng nghề cho con, chị Nguyễn Mai Anh, phụ huynh học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn cho hay, người thân trong gia đình chị chủ yếu làm trong lực lượng vũ trang và giáo viên. Vì thế, chồng chị muốn con theo một trong 2 ngành này. Tuy nhiên, con trai chị lại mong muốn được học công nghệ thông tin để thiết kế phần mềm. Qua nhiều lần phân tích nhưng cả gia đình chị chưa thuyết phục được con.

Chị Lưu Thị Trang, phụ huynh học sinh lớp 10 Trường THPT Lê Chân thì băn khoăn: Vấn đề chọn trường, chọn ngành gia đình cũng mơ hồ vì còn phụ thuộc vào khả năng của con qua kì thi. Năm nay con gái mới lớp 10 nên gia đình chị chưa nghĩ tới vấn đề này. Chị Trang cũng bày tỏ mong muốn được thầy cô tư vấn hỗ trợ, vì vợ chồng chị làm tự do nên không am hiểu về xu hướng nghề nghiệp hiện nay.

Theo TS. Nhân học Vũ Thị Hạnh- Trường Đại học Hải Phòng, việc chọn trường, chọn nghề cho con, cha mẹ nên nắm được khả năng và nhu cầu của con, điều kiện của gia đình để định hướng giúp con lựa chọn ngành và trường phù hợp. Nếu không có sự thống nhất giữa cha mẹ và con cái nên có sự phân tích và trải nghiệm cùng con như: thăm trường, nói chuyện với người có kinh nghiệm… để có tiếng nói chung. Nếu con có lựa chọn thuyết phục cha mẹ nên tôn trọng quyết định của con. Với những học sinh tự giác, có định hướng bản thân rõ ràng theo hướng tích cực, cha mẹ không nên can thiệp thô bạo vào lựa chọn của con. Với những em còn chưa ý thức rõ về nghề nghiệp tương lai, cha mẹ lại ít có kiến thức về việc này thì nên nhờ tư vấn từ những người có chuyên môn, kinh nghiệm để giúp con định hướng nghề nghiệp phù hợp.

Định hướng giúp trò mở cánh cửa tương lai

Trong mỗi năm học, Trường THPT Hải An (quận Hải An) đều tổ chức chương trình tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh. Trước mùa tuyển sinh 2022, nhà trường đã mời các chuyên gia đến từ Viện Khoa học phát triển Tài sản Trí tuệ, Trường Đại học Hải Phòng, Đại học Hàng hải Việt Nam về trao đổi, trò chuyện và tư vấn cho học sinh toàn trường.

Tại chương trình hướng nghiệp năm 2022, học sinh Trường THPT Hải An được bà Phạm Thị Hạnh, Phó viện trưởng Viện khoa học phát triển Tài sản Trí tuệ trao đổi về chủ đề "Tư duy giá trị, xác định năng lực bản thân". Những chia sẻ hữu ích của cô Hạnh giúp học sinh nhà trường xác định được năng lực của bản thân, tự tin vào khả năng của mình, luôn có ý chí vươn lên vượt khó khăn.

Bằng kinh nghiệm của mình khi cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, bà Võ Thị Thu Hà, Trưởng khoa Du lịch, Trường Đại học Hải Phòng đã chia sẻ cho học sinh Trường THPT Hải An cách chọn trường, chọn nghề trong kỉ nguyên số. Học sinh có cái nhìn tổng quát về ngành nghề, cùng suy ngẫm, tham khảo để đưa ra lựa chọn tốt nhất cho bản thân.

Học sinh cũng được thầy Phạm Văn Thuần, Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Hàng hải Việt Nam chia sẻ về những nét mới trong công tác tuyển sinh năm 2022.

Sau phần tư vấn của các chuyên gia, học sinh của nhà trường được thầy cô giáo tư vấn, trao đổi về kĩ năng làm bài thi; kĩ năng học thi hiệu quả, tăng điểm số; những lưu ý khi đi thi, chế độ ăn uống, sinh hoạt.

Thầy Vũ Văn Huy, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Việc chọn trường, chọn nghề của học sinh phụ thuộc nhiều yếu tố như: quan điểm cá nhân, định hướng của phụ huynh học sinh theo đầu ra sau này, điều kiện kinh tế gia đình. Nhà trường cung cấp cách thức học tập, ôn thi, phân tích cho trò về xu hướng nghề nghiệp nói chung. Thầy cô không thể khuyên học sinh thiên về ngành kinh tế, quản trị hay ngành nào cụ thể mà chỉ định hướng cách làm và cung cấp thông tin. Thực tế, nhà trường rất thiếu thông tin về xu hướng nghề nghiệp, tỷ lệ việc làm sau đại học, bởi không có cơ quan chuyên môn nào cung cấp mà chỉ bằng kinh nghiệm, sự tìm tòi, tổng hợp thông tin từ thầy cô truyền đạt lại cho các em.

Hơn nữa, từ năm 2022, sau khi có điểm thi học sinh mới đăng kí chính thức lựa chọn trường, thời điểm đó học sinh đã rời ghế nhà trường, nên thầy cô khó khăn trong việc định hướng giai đoạn này cho trò.

 

Theo Nguyễn Thảo Nguyên
Giáo dục và Thời đại

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

TIN MỚI

TIN KHÁC

COLUMBIA
-->
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây