Vì sao cha mẹ cần giao quyền quyết định chọn nghề cho con?

Thứ bảy - 22/10/2022 06:26:42


Tham dự hội thảo về hoạt động giáo dục hướng nghiệp tại các trường THPT tại Bình Định, nhiều đại biểu cho rằng cha mẹ tham gia định hướng nghề nghiệp cho con là cần thiết nhưng phải cẩn trọng và giao quyền quyết định cho con.

Ngày 21.10, Trường ĐH Quang Trung (TP.Quy Nhơn, Bình Định) tổ chức hội thảo Đề xuất phương pháp mới trong hoạt động giáo dục hướng nghiệp (GDHN) tại các trường THPT với sự tham dự của đại diện 15 trường THPT ở khu vực Nam Trung bộ và Tây nguyên.

Cha mẹ phân tích thông tin để con đưa ra lựa chọn

Trình bày tham luận tại hội thảo, ông Huỳnh Ngọc Mai, Hiệu trưởng Trường THPT Hòa Bình (TX.An Nhơn, Bình Định), cho rằng công tác GDHN là một vấn đề rất quan trọng, có nhiều khó khăn nhưng lại là một trong những yêu cầu cấp bách của nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong giai đoạn hiện nay.

“Nhiệm vụ của GDHN cho học sinh phổ thông là giáo dục thái độ lao động và ý thức đúng đắn với nghề nghiệp, giúp học sinh làm quen với một số nghề phổ biến trong xã hội và các nghề truyền thống của địa phương. Đồng thời, tìm hiểu năng khiếu, khuynh hướng nghề nghiệp của từng học sinh để khuyến khích, hướng dẫn và bồi dưỡng khả năng nghề nghiệp thích hợp nhất, động viên học sinh đi vào những nghề, những nơi đang cần”, ông Huỳnh Ngọc Mai nói.

 

Vì sao cha mẹ cần giao quyền


Ông Huỳnh Ngọc Mai cho rằng hoạt động tư vấn nghề nghiệp cần tập trung giúp học sinh tự nhận thức, đánh giá về bản thân, tìm hiểu về ngành, nghề, trường đào tạo và đưa ra quyết định lựa chọn nghề. Cha mẹ tham gia định hướng nghề nghiệp cho con là việc làm cần thiết, song để tư vấn đúng cách ngoài hiểu biết cần phải khéo léo, cẩn trọng và giao quyền quyết định cho con. Thay vì bắt ép, phụ huynh chỉ nên phân tích thông tin để con đưa ra lựa chọn.

Ông Trần Văn Thọ, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Bình Định, nêu thực trạng hiện nay có nhiều sinh viên ra trường không có việc làm mà nguyên nhân là do thiếu kỹ năng làm việc và do thiếu định hướng nghề nghiệp. Tình trạng này có một phần nào đó là do tác động của bố mẹ.

“Bố mẹ muốn con học các ngành để nối nghiệp của mình, con thì không thích nhưng bố mẹ lại bắt buộc. Học sinh khi chọn trường đại học thì lại chạy theo các nghề, các trường đang hot mà không nghĩ đến khả năng, điều kiện của mình”, ông Thọ nói.

Đồng tình với 2 quan điểm này, ông Phạm Mạnh Cường, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trung Trực (H.Phù Mỹ, Bình Định), cho rằng cần phối hợp thật tốt các lực lượng xã hội, các cơ sở giáo dục, các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn để tư vấn, hướng nghiệp, định hướng cho các em học sinh.

“Học sinh cần chuẩn bị cho mình một số phương án lựa chọn nghề nghiệp để nếu không thành công trong khi lựa chọn đại học thì có thể có cách khác vì đại học cũng không phải là tất cả. Cha mẹ nên là người chuẩn bị sẵn tinh thần cho các em và học sinh cũng cần hiểu rằng các em vẫn có thể thành công bằng những con đường khác. Định hướng nghề nghiệp cho học sinh THPT không chỉ đơn giản là chuẩn bị cho các em kiến thức mà còn là định hướng tâm lý cho em học sinh nếu chẳng may các em thất bại hoặc vấp ngã”, ông Cường nhấn mạnh.

Tạo cơ hội để học sinh có cơ hội thể hiện năng lực

Nhiều đại biểu tham dự hội thảo đều cho rằng cần phải tiếp tục xây dựng các CLB hoạt động như: Tiếng Anh, STEM, âm nhạc… để học sinh có sân chơi, có cơ hội thể hiện năng lực. Các thầy cô, giáo viên làm nhiệm vụ của GDHN cho học sinh phổ thông cần tìm hiểu năng khiếu, khuynh hướng nghề nghiệp của từng học sinh để khuyến khích, hướng dẫn và bồi dưỡng khả năng nghề nghiệp thích hợp nhất; động viên học sinh đi vào những nghề, những nơi đang cần.

“Đẩy mạnh triển khai các hoạt động truyền thông để toàn xã hội, các cấp, các ngành, mọi gia đình và thanh thiếu niên nhận thức rõ vai trò của nguồn nhân lực đối với sự phát triển kinh tế, xã hội. Mọi gia đình, mọi cá nhân thấy được sự cần thiết và lợi ích của việc đánh giá đúng hoàn cảnh kinh tế, khả năng học tập của bản thân mà lựa chọn con đường học tập cho phù hợp”, anh Đinh Chí Công, Trưởng ban Thanh thiếu nhi – Trường học của Tỉnh đoàn Bình Định, đề nghị.

Chia sẻ kinh nghiệm về GDHN, bà Phan Thị Ly Giang, Phó hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (TP.Quy Nhơn, Bình Định), giới thiệu về mô hình mô phỏng hội nghị Liên Hiệp Quốc của học sinh trường này. Đây là mô hình câu lạc bộ do học sinh tự tổ chức nhằm giúp học sinh tự đánh giá năng lực, tự đánh giá sở thích để định hướng nghề nghiệp cho chính mình.

Các đại biểu tham dự hội thảo còn được nghe, thảo luận các vấn đề như: tổ chức hoạt động hướng nghiệp trong trường học; triển khai môn học hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp lớp 10 theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 bắt đầu triển khai từ năm học 2022 - 2023; những giải pháp thực hiện công tác giáo dục hướng nghiệp tại các trường THPT...

Theo PGS.TS Nguyễn Đình Phư, Hiệu trưởng Trường ĐH Quang Trung, hội thảo được tổ chức nhằm mục đích hỗ trợ hoạt động GDHN cho các giáo viên của các trường THPT thực hiện theo chương trình giáo dục phổ thông về hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp của Bộ GD-ĐT; đề xuất và thảo luận các phương pháp mới có tính ứng dụng cao trong hoạt động hướng nghiệp tại các trường THPT; giúp học sinh THPT định hướng và xác định đúng đắn về lựa chọn nghề nghiệp dựa theo năng lực và sở thích bản thân...

 

Theo Hoàng Trọng
Thanh niên

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

TIN MỚI

TIN KHÁC

COLUMBIA
-->
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây