Đổi đời nhờ học nghề

Thứ hai - 07/11/2022 06:20:04


Những chiếc huy chương đạt được ở các kỳ thi kỹ năng nghề khu vực và thế giới đã mở ra chương mới cho công việc và cuộc sống của nhiều bạn trẻ trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.

Đổi đời nhờ học nghề


Năm 2019, Nguyễn Thái Phương (25 tuổi), khi đó đang là sinh viên ngành kỹ thuật thoát và xử lý nước thải của Trường CĐ Kỹ nghệ II (TP.HCM), trở thành một trong tám thí sinh của đoàn Việt Nam giành được chứng chỉ kỹ năng nghề xuất sắc tại Kỳ thi kỹ năng nghề thế giới lần thứ 45 ở Kazan (Nga). Kỳ thi là một cột mốc đáng nhớ của Thái Phương.

Hành trang quý giá từ cuộc thi

Chàng trai này từng trúng tuyển Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM nhưng quyết định chuyển sang học nghề vì học phí rẻ hơn, Phương có thể tự lo, đỡ gánh nặng cho gia đình lúc ấy cũng tương đối khó khăn. Mỗi ngày Phương vừa học vừa đi chạy Grab, giao hàng, có khi đi phụ hồ đêm ở Long An.

Dù vậy, Phương luôn thể hiện được sự cố gắng và nỗ lực trong chuyện học. Phương được các giảng viên phát hiện và được vào đội tuyển thi tay nghề môn công nghệ nước. Trải qua nhiều vòng thi lớn nhỏ, Phương bước vào sân chơi lớn nhất cho sinh viên học nghề - Kỳ thi Kỹ năng nghề thế giới - và giành được chứng chỉ xuất sắc.

Trở về từ kỳ thi, Phương ở lại Trường CĐ Kỹ nghệ II làm giảng viên cho đến nay. Hằng năm, Phương cũng là chuyên gia huấn luyện cho các thí sinh tham gia những kỳ thi kỹ năng nghề khu vực và thế giới, mới nhất huấn luyện cho sinh viên Lâm Quốc Huy tham gia sân chơi kỹ năng nghề "phiên bản đặc biệt" tại Đức.

Thái Phương cũng tham gia sáng chế các thiết bị đào tạo trong nghề công nghệ nước tại trường. Từ đó, sinh viên có thêm cơ hội thực hành trên những thiết bị "nội địa" nhưng đầy đủ tính năng và theo kịp xu hướng thế giới. 

Mới đây, thiết bị sử dụng điện hóa trong xử lý nước thải do Phương và các đồng nghiệp thiết kế đã giành được giải cao trong một cuộc thi do Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp tổ chức.

Giờ đây, vừa đi làm, Phương vừa học lên cao với ngành công nghệ kỹ thuật môi trường của Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường TP.HCM. 

Phương chia sẻ: "Kỳ thi Kỹ năng nghề thế giới đã dạy cho mình cách làm việc và tư duy của những chuyên gia nước ngoài. Họ luôn suy nghĩ một cách khoa học, đa chiều và sâu sắc, đặc biệt khi đối mặt với những khó khăn. Mình nghĩ đó là hành trang cần thiết cho bất cứ hướng đi nào của mình sau này".

Rớt đại học, cao đẳng không phải chấm hết

Năm 2014, Huỳnh Trung Nghĩa (28 tuổi) không đủ điểm để vào học đại học hoặc cao đẳng. Nghĩa chọn nghề cơ điện tử tại Trường trung cấp nghề Kỹ thuật Hùng Vương (TP.HCM).

Nghĩa nhớ lại ngày mình bước chân vào trường trung cấp trong khi hầu hết bạn bè đều vào đại học hoặc cao đẳng, mọi người nhìn Nghĩa với một ánh mắt rất khác. Hàng xóm cũng nói vào nói ra, không đánh giá cao người học trung cấp. "Khi đó, mình quan niệm sẽ phải cố gắng hết sức với con đường mình đã chọn", Nghĩa nói.

Cơ hội đến với Nghĩa từ hội thi tay nghề cấp thành phố, nơi Nghĩa giành được giải nhất nghề cơ điện tử. Sau đó, Nghĩa tiếp tục được chọn vào đội tuyển đi thi nghề bảo trì máy CNC các cấp. Đáng kể nhất, tại Kỳ thi Kỹ năng nghề ASEAN năm 2014, Nghĩa và đồng đội vinh dự giành được huy chương vàng nghề chung cuộc.

Nghĩa chia sẻ vui rằng sau khi giành được những tấm huy chương, Nghĩa được đài truyền hình quay phóng sự, phát sóng trên ti vi. Nhiều cô chú hàng xóm xem được trở nên rất khâm phục hành trình của bạn và bắt đầu tin rằng một bạn trẻ cũng có thể thành công dù theo học hệ trung cấp.

Nghĩa trở thành giáo viên Trường trung cấp nghề Kỹ thuật Hùng Vương từ năm 2017. Là giáo viên trẻ, Nghĩa cảm nhận mình khá dễ gần với học sinh, dễ hiểu và nắm bắt tâm lý của các bạn để đưa ra những bài tập phù hợp với tuổi và tâm lý của học sinh. Nghĩa cũng kể câu chuyện của mình để các bạn luôn không ngừng nỗ lực. 

"Tôi là người học từ trung cấp liên thông lên cao đẳng và đại học. Tôi thấy việc học ở cấp bậc nào cũng tốt cả, quan trọng là trong khi học bạn rèn luyện kỹ năng như thế nào? Kiến thức bạn tiếp thu từ thầy cô có nhiều không? Sau khi ra trường có làm nghề được hay không?" - Nghĩa nói.

Mở công ty riêng

Giành huy chương vàng nghề bảo trì máy CNC tại Kỳ thi Kỹ năng nghề ASEAN năm 2016, Nguyễn Tuấn Anh (27 tuổi), khi đó là sinh viên Trường trung cấp nghề Kỹ thuật Hùng Vương (TP.HCM), xem cuộc thi như một cánh cửa mở ra cho mình nhiều cơ hội.

Sau khi tốt nghiệp, Tuấn Anh được nhiều công ty lớn trong lĩnh vực cơ khí chế tạo máy ở TP.HCM "mời" làm việc với mức lương hấp dẫn.

Đồng thời, tấm huy chương vàng cũng giúp Tuấn Anh được hỗ trợ một phần học phí học liên thông lên những bậc cao hơn như cao đẳng, đại học. Khi cảm thấy đã đủ kiến thức, kinh nghiệm và vốn liếng, Tuấn Anh thử sức mở công ty tại Long An và đảm nhận vai trò quản lý.

Bản lĩnh được tôi luyện

Trong năm 2021, khi nhiều cuộc thi quốc tế phải tạm ngưng do dịch COVID-19, Nguyễn Văn Tấn - sinh viên Trường CĐ Cơ điện Hà Nội - đã tham dự sân chơi Kỹ năng nghề cơ điện tử online khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Kỳ thi có sự tham gia của sáu nước.

Các thí sinh làm bài thi tại quốc gia của mình cùng thời gian với thí sinh nước khác, dưới sự giám sát nghiêm ngặt của chuyên gia quốc tế.

Kết quả, Tấn và đồng đội giành huy chương vàng. Thành tích này giúp Tấn vững tâm hơn trên con đường mình đã chọn, bởi trước khi học nghề, Tấn từng dành 2 năm học đại học ở một trường khá nổi tiếng. Nhận thấy chương trình ở trường đại học của mình nặng về lý thuyết, Tấn bỏ ngang để theo học nghề.

Sau khi tốt nghiệp, Tấn làm việc tại Viện Ứng dụng công nghệ (Hà Nội). Tấn cho rằng giai đoạn khổ luyện cho kỳ thi kỹ năng nghề thế giới đã giúp bạn làm quen với môi trường chuyên nghiệp và tác phong công nghiệp.

Ở đó, người lao động đòi hỏi làm việc tốc độ cao và luôn phải đối mặt với áp lực thời gian. Cuộc thi cũng giúp bạn rèn được bản lĩnh tâm lý để luôn đối mặt với những thử thách.

 

Theo Trọng Nhân
Tuổi trẻ

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

TIN MỚI

TIN KHÁC

COLUMBIA
-->
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây