Tránh hệ lụy đáng tiếc do lựa chọn sai con đường học hành

Thứ sáu - 21/07/2023 17:24:14


Khi đã biết điểm thi tốt nghiệp THPT, nhiều em sẽ tiếp tục con đường học lên Đại học nhưng có một số em vẫn đang băn khoăn có học Đại học hay không?

Tránh hệ lụy đáng


Với những em có năng lực thực sự, có điều kiện kinh tế, đã chọn đúng ngành nghề mình đam mê thì học tiếp lên Đại học là con đường đi đúng. Nhưng với những em năng lực còn hạn chế, kết quả điểm thi lại không vào được ngôi trường, ngành nghề mình yêu thích thì liệu nhất thiết có phải tìm mọi cách để vào một ngôi trường Đại học nào đó để học không? Có phải con đường vào Đại học mới là lựa chọn tốt nhất đối với tất cả các em? Liệu còn con đường nào khác phù hợp hơn chăng?

Hàng năm, hàng ngàn cử nhân tốt nghiệp Đại học ra trường mà không thể tìm được việc làm. Trong khi trước đó, các gia đình có con học Đại học phải tìm đủ cách xoay sở cho họ có đủ tiền theo học 4 năm tại trường, số tiền tiêu tốn cho họ lên tới vài trăm triệu đồng. Đổi lại, họ nhận được tấm bằng Đại học, về không làm được gì chỉ còn cách cất vào ngăn tủ.

Rũ bỏ những năm tháng nhọc nhằn đèn sách với bao áp lực, giờ tự nguyện đi làm thuê cho những chủ xưởng mà nhiều khi chính là bạn bè cùng trang lứa với mình, bởi học hành yếu kém không thể vào Đại học, họ chọn con đường lập nghiệp ngay sau khi rời ghế nhà trường phổ thông để rồi chỉ sau một vài năm họ trở thành những "ông chủ lớn, ông chủ nhỏ" và họ bỏ tiền ra thuê những cử nhân bằng đỏ, bằng xanh về làm thuê cho họ với mức lương cũng bèo bọt tầm 4– 5 triệu/ tháng.

Đến lúc này các vị cử nhân mới ớ ra vì mình đã quá tin vào sự hào nhoáng của những tấm bằng cử nhân do các trường Đại học cấp. Và họ đau xót nhận ra rằng, đó chỉ là thói háo danh vốn là bản tính của người Việt ta, đã được di truyền và thấm vào máu của người Việt bao đời qua rồi, khiến họ lâm vào hoàn cảnh "túi rỗng nợ nần như chúa Chổm" do việc phải bỏ ra một núi tiền để học Đại học. Giờ cầm tấm bằng mới tinh đó bỏ vô tủ và khóa kỹ lại, trong đầu họ vẫn không khỏi bàng hoàng khi nhớ lại gương mặt phởn phơ của các thầy cô ở trường Đại học sau các kỳ thi. Thầy cười, trò khóc!

Đó là nỗi ám ảnh mỗi khi tiền hết điện về nhà xin bố mẹ và nhận được những câu than vãn, thở dài của bố mẹ "Ôi sao nhanh thế?! Tiền vừa gửi tiêu gì mà hết nhanh vậy? Bố mẹ biết đào đâu ra ngần ấy tiền ngay bây giờ?!"...Ôi đời sinh viên trên đe, dưới búa muôn ngàn hiểm họa, tai ương!?

Và giờ đây về làm thuê ngay cho thằng bạn xưa ngồi cùng bàn, giờ kiểm tra nào nó cũng hau háu chờ mình cho xem bài...ơn đâu chẳng thấy, giờ về nó phân chia ngôi thứ rõ rệt : Chủ - thợ, nhất nhất phải cúi đầu tuân theo ý chủ thậm chí còn phải nói những lời "có cánh" để làm đẹp lòng chủ nếu không muốn bị sa thải! Chuyện bát cơm manh áo ai dám đùa!? Thôi thì cũng liều nhắm mắt đưa chân chứ còn biết làm sao?!

Đó là những lời thở than khi tôi gặp mấy cô cậu vừa tốt nghiệp Đại học ở làng tôi. Nghe mà xót xa, não nề. Những người nông dân quê nghèo, tảo tần một nắng hai sương với mong ước cho con mình một sự nghiệp, một cuộc đổi đời bằng tri thức! Nghe thì ngọt, mà sao nó làm xương cốt người nông dân cứ loãng mãi ra khi đeo đuổi sự nghiệp cho con! Ngày con tốt nghiệp ra trường, cứ ngỡ đó sẽ là ngày con vinh quy bái tổ! Nào ngờ vui đâu chả thấy, chỉ thấy nó mang về cho những ông bố, bà mẹ một núi tiền nợ khổng lồ mà mấy ông ngân hàng chính sách tháng nào cũng nhắn tin báo nợ...kèm theo là những lời dọa dẫm sẽ xử phạt nếu chậm trả!

Tôi cũng đã từng nuôi các con ăn học Đại học, tôi rất hiểu tâm trạng cũng như những kỳ vọng của cha mẹ đặt niềm tin vào những đứa con của mình. Lẽ thường, cha mẹ nào không thương con? Ai chẳng muốn tương lai của con sẽ sẽ tốt đẹp hơn cha mẹ để có cuộc sống ổn định hơn, và đó cũng là làm cho cha mẹ thêm nở mày, nở mặt với họ hàng, làng xóm...Vì vậy ai cũng hết lòng nuôi con ăn học.

Nhưng nghịch lý là ở chỗ càng học thì gia đình càng sa sút, càng học thì tương lai của con cái càng trở nên mờ mịt, xa vời! Sự học giờ đây nó không còn tương xứng với khả năng thật của người học nữa mà nó bị xã hội chi phối phần lớn. Rồi nạn học giả bằng thật, chuyện mua bán, đổi chác ngôi thứ trở thành vấn nạn thì những người học thật càng gặp rất nhiều khó khăn. Người nghèo đi học càng thêm vất vả. Mà học xong rồi cũng không thể tìm đâu ra hàng mấy trăm triệu để xin việc được? (số tiền này hoàn toàn là dấm dúi, chui lủi cửa sau cho các quan sếp chứ đâu có được công khai, vì thực tế nhà nước không hề thu tiền xin việc.)

Vậy học để đổi đời hay học để cho đời nghèo thêm? Đây là một câu hỏi thực tế mà chưa có lời giải đáp thỏa đáng. Trong khi kỳ thi Đại học cũng đang tới gần, xin có đôi điều chia sẻ để các bạn trẻ cùng suy ngẫm để có sự lựa chọn sáng suốt cho bản thân! Đừng tin vào những lời quảng cáo, tuyên truyền của ai cả, mà hãy tin vào khả năng của mình. Chọn một con đường lập nghiệp theo đúng khả năng, đúng sở trường của mình thì dù ngành nghề gì đi chăng nữa chúng ta vẫn có thể đạt được vinh quang trong tương lai! Hạnh phúc không từ trên trời rơi xuống, mà nó là sự nỗ lực, kiên trì phấn đấu của bản thân mỗi người!

Tôi đã chứng kiến rất nhiều người với khả năng và trình độ rất hạn chế, họ chỉ học hết trung học cơ sở vậy mà họ lập nghiệp rất thành công, tìm hiểu những trường hợp như vậy tôi nhận thấy hầu hết họ là những người nghèo, nhưng có lòng ham mê với nghề mình chọn, và chính sự ham mê đó đã giúp họ thành công trên con đường lập nghiệp của mình. Như vậy họ chỉ phải chịu một lần khó khăn duy nhất trong đời đó là lập nghiệp. Khác với những người có bằng Đại học, họ phải hai lần vượt qua những khó khăn, thứ nhất là vượt qua chặng đường dài học tập mà không ít người do hoàn cảnh đã phải giã từ mơ ước của mình.

Khó khăn thứ hai họ phải trải qua cũng chính là tìm kiếm cơ hội lập nghiệp, nhiều người ra trường xin được vào làm hợp đồng cho một cơ quan nào đó, thời hạn hợp đồng có thể kéo dài 3 năm, 5 năm, thậm chí cả 10 năm mà vẫn không được tuyển vào biên chế. Điều này đồng nghĩa với việc bạn đã bị hạn chế rất nhiều về chuyên môn, thậm chí để có việc làm, hiện nay theo ước tính có tới 70% sinh viên ra trường phải làm trái với ngành nghề được đào tạo, điều này cũng lý giải vì sao bộ máy công chức, viên chức cồng kềnh mà hiệu suất lao động không cao.

Bên cạnh đó là hàng loạt những đãi ngộ người lao động hợp đồng không được hưởng như lương không được tăng, các khoản thu nhập khác ngoài lương dường như không có, trong khi họ phải gồng gánh rất nhiều công việc lặt vặt khác của cơ quan, đơn vị ngoài chuyên môn chính của mình như các hoạt động công đoàn, đoàn thể, những chức danh "có tiếng mà không có miếng". Những thanh niên như vậy họ nhìn tương lai rất mờ mịt và không thấy tiền đồ!

Nghịch lý của sự học ngày nay đang là một nỗi lo lớn trong toàn xã hội. Chính vì vậy, những bậc cha mẹ cũng như các em học sinh hãy chủ động tìm kiếm và xác định cho mình một hướng đi tích cực theo năng lực bản thân, tránh học nhiều, học cao mà không thể tự tạo việc làm cho bản thân.

Ngành nghề hiện nay rất nhiều, chúng ta đang bước vào gia đoạn hội nhập quốc tế sâu rộng nên chắc chắn sự lựa chọn nghề nghiệp thích hợp sẽ là cơ hội tốt cho mỗi người phát huy hết được khả năng của mình trong công việc. Và có như vậy, chúng ta mới có thể đạt được mục đích của mình.

Cần tránh lối suy nghĩ viển vông, xa rời thực tế, như thế ta mới tránh được sự lãng phí tiền bạc và những hệ lụy đáng tiếc do việc lựa chọn sai con đường học hành gây ra! Biết chọn lựa đúng cũng là một nét văn hóa của những người thức thời hiện nay.

 

Theo Nguyễn Đình Ánh
Giáo dục và Thời đại

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

TIN MỚI

TIN KHÁC

COLUMBIA
-->
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây