Các trường đại học đặt ra cách quy đổi điểm IELTS khác nhau khiến thí sinh mất phương hướng. Các em đề xuất Bộ GD&ĐT đặt ra mức điểm quy chuẩn chung để các trường cùng áp dụng.
Khi đặt ra điều kiện tuyển sinh bằng IELTS, các trường đại học thường chọn quy đổi điểm IELTS thành điểm xét tuyển hoặc đặt ra ngưỡng điểm chuẩn cụ thể cho chứng chỉ đó.
Đối với phương thức quy đổi điểm IELTS, mỗi trường sẽ có cách tính riêng và được thông báo trong đề án tuyển sinh hàng năm.
5.5 IELTS có thể là 8 điểm, nhưng cũng có thể là 12
Trong năm 2023, điểm quy đổi IELTS của các trường đại học vẫn theo kiểu "mỗi trường một phách", trường này quy đổi đến 15-16 điểm, trường kia chỉ dừng ở mức 10 điểm là cao nhất.
Lấy ví dụ ở Đại học Thương mại, thí sinh có IELTS 5.5 được quy đổi thành 12 điểm, IELTS 6.0 là 13 điểm. Với thí sinh đạt 7.5-9.0 IELTS, mức quy đổi sẽ lên đến 16. Tương tự, Đại học Kinh tế Quốc dân cũng có mức quy đổi điểm IELTS vượt quá 10. Thí sinh đạt 5.5 IELTS được quy đổi thành điểm 10, thí sinh có 8.0-9.0 IELTS sẽ nhận điểm quy đổi là 15.
Trong khi đó, tại Đại học Ngoại thương, thí sinh đăng ký xét tuyển điểm học bạ THPT kết hợp điểm IELTS cần có chứng chỉ IELTS từ 6.5 trở lên. Với mức điểm 6.5 IELTS, nhà trường sẽ quy đổi cho thí sinh 8,5 điểm môn Tiếng Anh, 7.0 IELTS tương đương 9 điểm, 7.5 tương đương 9,5 và phải từ 8.0 trở lên mới được quy đổi thành 10.
Hay tại Đại học Bách khoa Hà Nội, Học viện Báo chí và Tuyên truyền và Đại học Luật Hà Nội, thí sinh có IELTS 6.5 trở lên được quy đổi thành điểm 10. Với các "band điểm" thấp hơn, mức quy đổi sẽ rơi vào 8-9,5, tùy theo quy định của từng trường.
Các trường khu vực phía nam cũng có cách quy đổi khác nhau. Trong khi Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM) quy đổi điểm 10 cho tất cả thí sinh có IELTS 6.5 trở lên, Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP.HCM) lại chỉ tính điểm 10 cho thí sinh có IELTS từ 8.0.
Độc giả tham khảo điểm quy đổi của một số trường đại học ở Hà Nội và TP.HCM theo bảng sau.
Cách quy đổi chưa thuyết phục
Nói về việc quy đổi điểm IELTS trong tuyển sinh đại học, Huyền Anh, học sinh lớp 10 (sắp lên lớp 11) ở Hà Nội, cho rằng phương án quy đổi của các trường hiện nay chưa thực sự thuyết phục, nhiều trường quy đổi điểm hơi cao, trong khi nhiều trường khác lại cho điểm chưa xứng đáng với năng lực của thí sinh.
Nữ sinh so sánh cùng một mức IELTS 7.5, Đại học Thương mại cho thí sinh 16 điểm, trong khi Đại học Tôn Đức Thắng và Đại học Kinh tế - Luật chỉ quy đổi thành 9,5.
Huyền Anh cảm thấy vô lý vì IELTS 7.5 tương đương mức C1 trong khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc tại Việt Nam. Nếu làm bài thi Tiếng Anh tốt nghiệp THPT, thí sinh ở trình độ này có thể dễ dàng đạt trên 9,5 vì khả năng đọc hiểu, vốn từ vựng cũng như kỹ năng làm bài thi của các bạn rất tốt.
Nữ sinh đặt câu hỏi các trường đang căn cứ vào những yếu tố nào để quy đổi điểm vì các mức quy đổi hiện nay đang quá chênh lệch, khiến thí sinh không biết nên đặt mục tiêu thi IELTS thế nào cho phù hợp, tránh tình trạng đậu trường này, trượt trường kia.
Khi so sánh mức quy đổi các "band điểm" của một trường, Huyền Anh chỉ ra thêm một sự vô lý đến khó hiểu. Ví dụ, Học viện Tài chính quy định thí sinh có IELTS 5.5 sẽ tương đương điểm 9,5 và từ 6.0 trở lên tương đương điểm 10. Đại học Bách khoa Hà Nội cũng vậy, thí sinh đạt 6.5-9.0 IELTS đều được quy đổi điểm 10.
"Em không hiểu vì sao các trường lại cho quy hết về điểm 10 cho những bạn có IELTS 6.0-6.5 trở lên. Như vậy không khác gì cho rằng những bạn đạt 6.0 IELTS ngang trình độ với những bạn 9.0 IELTS. Nếu nhà trường quy đổi điểm như vậy, công sức của các bạn cố để đạt điểm IELTS cao sẽ coi như bị bỏ phí", nữ sinh nói.
Thanh Trúc, học sinh lớp 11 (sắp lên lớp 12) ở TP.HCM, cũng nêu quan điểm tương tự. Nữ sinh nói rằng IELTS là chứng chỉ học thuật đánh giá thí sinh ở 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết. Còn môn Tiếng Anh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT chỉ đánh giá kỹ năng đọc, viết của thí sinh.
Do đó, nữ sinh đề xuất khi quy đổi điểm IELTS thành điểm xét tuyển đại học, các trường nên cân nhắc vấn đề này để quy đổi mức điểm tương xứng trình độ của thí sinh, tránh tình trạng cho điểm thấp quá sẽ khiến các bạn có IELTS thiệt thòi.
Một điều nữa khiến Thanh Trúc chưa hài lòng với cách quy đổi điểm hiện nay là quá lộn xộn, mỗi trường một kiểu. Điều này khiến những học sinh đang chuẩn bị cho việc xét tuyển đại học như Trúc gặp khó khăn và dễ nhầm lẫn.
Thanh Trúc giả sử một học sinh quyết định đăng ký nguyện vọng vào 3 trường, mỗi trường có cách quy đổi điểm IELTS riêng. Học sinh đó sẽ phải tìm hiểu mức quy đổi của từng trường, sau đó đặt mục tiêu để đạt điểm IELTS sao cho số điểm đó giúp mình "an toàn" trong cuộc đua xét tuyển ở cả 3 trường.
"Em thấy mô hình tuyển sinh bằng IELTS của các trường hiện nay đang quá 'cồng kềnh'. Cuối cùng người gặp khó khăn sẽ là chúng em. Em nghĩ rằng không riêng bản thân em, nhiều bạn khác cũng mong muốn Bộ GD&ĐT có thể đặt ra mức quy đổi điểm chung cho tất cả trường đại học. Như vậy, ngay từ lúc học IELTS, bọn em sẽ dễ xác định mục tiêu để học và thi chứng chỉ", Thanh Trúc đề xuất.
Theo Thái An
Zing news
Ý kiến bạn đọc
TIN MỚI
TIN KHÁC