Từ việc nghi ngờ bản thân có hợp với việc học ĐH không, Ngân "lột xác" trở nên năng động với loạt thành tích ấn tượng ở trường cao đẳng, trở thành Đại sứ truyền thông của Tổ chức phi chính phủ AIESEC.
Khởi đầu gian nan do nghi ngờ bản thân khi chọn sai ngành tại đại học
Có niềm yêu thích với ngành ngôn ngữ, Ngân từng đăng ký chuyên ngành ngôn ngữ Anh tại một trường đại học ở Đà Nẵng. Tuy nhiên sau khoảng thời gian theo học, cô bạn sinh năm 2002 dần cảm thấy khó khăn hơn vì nhận ra đây không phải ngành học phù hợp với bản thân.
Khi mới vào môi trường đại học, Ngân cố gắng cho bản thân thời gian để thích nghi. Cô cũng chăm chỉ học tập, đi học thêm và nỗ lực để đạt thành tích tốt. Tuy nhiên, sau một năm theo học, cô cảm thấy bản thân mất dần đam mê với môn học yêu thích, động lực để phấn đấu cũng giảm dần.
Khi đi học, cô cũng cảm thấy bản thân không có điểm sáng nào khiến mọi người nhớ tới, khiến Ngân nghi ngờ bản thân có thực sự hợp với việc học hay đi làm sớm sẽ tốt hơn.
Bên cạnh đó, cô cũng suy nghĩ khá nhiều về chuyện tương lai khi nhận thấy ngành ngôn ngữ Anh trở nên đại trà hơn. Ngân cảm thấy bản thân phải đi tìm hướng đi mới phát triển tốt hơn, quyết tâm từ bỏ việc học đại học.
"Lúc đó, nếu có ai hỏi mình có hối hận với quyết định của mình không, thì câu trả lời là không", Quý Ngân chia sẻ.
Một năm sau khi quyết định dừng việc học đại học, Ngân dành thời gian đi làm một số công việc để tìm hiểu bản thân. Tuy nhiên, sau thời gian dài dịch bệnh bùng phát, Quý Ngân đọc sách, có thời gian tìm hiểu và nhận thấy rằng "nếu cứ làm thuê không bằng cấp thì đây không phải là lựa chọn tốt".
Đó cũng là lúc cô bắt đầu suy nghĩ đến việc bắt đầu lại với một chuyên ngành khác tại trường cao đẳng. Xác định được bản thân cần học để nâng cao học vấn, cô nàng quyết định theo đuổi chuyên ngành Quan hệ công chúng và Tổ chức sự kiện tại tại FPT Polytechnic Đà Nẵng.
Nhờ được học chuyên ngành đúng với khả năng, sở thích, Ngân luôn duy trì được thành tích đáng ngưỡng mộ khi đạt danh hiệu "Sinh viên xuất sắc" trong 3 kỳ liên tiếp.
Từng thấy việc học khá mệt mỏi, giờ đây, nhờ thấy được những giá trị cốt lõi của công việc mình đang làm, Ngân tìm thấy niềm vui khi đến trường, muốn đi sâu vào tìm hiểu và thu được nhiều kiến thức hơn.
Bên cạnh đó, cô cũng tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa tại trường như Trưởng Ban tổ chức Sự kiện Đường Trending Flympia, Look Deeper,… Gần đây, cô cũng vinh dự trở thành Đại sứ truyền thông của dự án thuộc Tổ chức phi chính phủ AIESEC, một trong những tổ chức thanh niên lớn nhất thế giới, với mong muốn lan tỏa những giá trị tích cực.
Ngoài ra, Ngân cũng tích cực tham gia những hoạt động giúp cô tích lũy kinh nghiệm cho công việc tương lai. Cô cũng không ngần ngại thử sức với những lĩnh vực mới, bao gồm MC hay người quay video, dù luôn nghĩ rằng giọng mình không hay, không thể đứng trước sân khấu và không thạo các kỹ năng quay dựng.
Trước đây, Ngân thường xuyên sợ sự đánh giá từ người khác, xem nhẹ khả năng của bản thân và không dám mạo hiểm. Giờ đây, Ngân trở nên tự tin và cởi mở, đón nhận những lời phê bình giúp bản thân tiến bộ hơn và không ngại đương đầu với những thử thách trong học tập và công việc.
Yếu tố bằng cấp không quá quan trọng với những nhà tuyển dụng
Chị Hà Nguyễn, chuyên viên tuyển dụng lâu năm làm việc một doanh nghiệp tại Hà Nội, cho biết khi lựa chọn ứng viên cho các vị trí việc làm tại công ty, chị sẽ nhìn vào kinh nghiệm làm việc trước khi nhìn tới bằng cấp.
Trong quá trình phỏng vấn nhân sự, chị nhận thấy hồ sơ của những sinh viên tốt nghiệp cao đẳng hay trái ngành cũng "đẹp" không kém các sinh viên tốt nghiệp đại học với kinh nghiệm hoạt động và làm việc dày, điều mà doanh nghiệp tìm kiếm.
Tỉ lệ các bạn sinh viên làm trái ngành hoặc học cao đẳng đang làm việc tại công ty chị Hà chiếm khá nhiều. Được biết, các nhân viên tốt nghiệp cao đẳng tại công ty của chị đều có kinh nghiệm thực tế nhiều và xử lý tốt các vấn đề khi làm việc. Ngoài ra, các sinh viên tốt nghiệp cao đẳng cũng được đánh giá năng động và cầu tiến, giao tiếp khá tốt.
Đối với các bạn thực tập hay mới ra trường, giao tiếp tốt và trình bày các vấn đề logic sẽ là điểm cộng lớn khi xin việc tại công ty.
Bên cạnh đó, chị cũng chia sẻ một số yêu cầu cần thiết đối với một hồ sơ xin việc "đẹp". Hồ sơ cần có đầy đủ thông tin họ tên, học vấn, hoạt động và kinh nghiệm làm việc, chính xác về số điện thoại và email để nhà tuyển dụng có thể trao đổi thông tin.
Ngoài ra, các bạn cần tìm hiểu kỹ về ngành mình ứng tuyển, thông tin sản phẩm của công ty, thể hiện thái độ cầu tiến, chuẩn bị sẵn những câu hỏi muốn nhà tuyển dụng trả lời cho vị trí mình ứng tuyển.
Theo Mai Quỳnh Anh
Dân trí
Ý kiến bạn đọc
TIN MỚI
TIN KHÁC