Chọn nghề theo… ai?

Thứ hai - 03/06/2024 17:03:56


Mỗi mùa tuyển sinh đến, không chỉ các sĩ tử chịu áp lực, căng thẳng mà phụ huynh cũng “chạy ngược chạy xuôi, mất ăn mất ngủ” với việc định hướng nghề...

Nhiều gia đình còn rơi vào cảnh lục đục khi lạc giữa ma trận: Hướng con theo ngành “hot”, theo truyền thống gia đình hay cho con được theo ngành mà con yêu thích?

chọn nghề


Định hướng nửa vời, lựa chọn áp đặt?

Gia đình chị Ly (ngụ Quận 4, TPHCM) có truyền thống nghề y nên khi con gái muốn thi sân khấu điện ảnh, cả nhà kịch liệt phản đối. Chị Ly chia sẻ, hơn tháng nay thường xuyên tham gia các buổi tư vấn của các trường đại học có đào tạo ngành y để giúp con hướng nghiệp.

“Nhà có hai anh em, cháu lớn nghe theo ý kiến của gia đình nên đồng ý học ngành y, dù từ bé cháu đã không thích. Học tới năm thứ ba, cháu xin phép gia đình dừng lại vì quá chán, rồi xin quay lại với niềm đam mê ban đầu là muốn học nghề đầu bếp”, chị Ly trầm giọng than thở.

Nói về việc chọn nghề nghiệp, chị Ly cho rằng, ông bà, cha mẹ là thế hệ đi trước nên việc định hướng cho con cháu là điều bình thường. Thế nhưng, có những điều không còn phù hợp với thời điểm hiện tại, nên việc định hướng cũng chưa được chuẩn xác.

“Từ trường hợp dở dang nửa vời của anh cháu mà bây giờ vợ chồng tôi rất căng thẳng trong việc định hướng cho cô con gái. Định hướng theo truyền thống gia đình thì sợ con lại mất thời gian như anh trai, nhưng con cái không đứa nào theo nghề truyền thống gia đình thì lại áp lực từ hai bên nội ngoại. Con chưa thi mà vợ chồng lục đục suốt ngày, cũng chỉ vì chuyện chọn ngành nghề”, chị Ly giãi bày.

Lâu nay, chuyện phụ huynh định hướng ngành nghề cho con cái theo kiểu ép buộc không phải hiếm. Ông Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường Đại học Công Thương TPHCM cho hay: Trước kỳ thi, các đơn vị giáo dục luôn tổ chức các chương trình tư vấn giúp học sinh và phụ huynh hiểu rõ những nguyên tắc trong chọn ngành, nghề. Thế nhưng có lẽ vì một lý do nào đó nên thông tin chưa được học sinh và phụ huynh tiếp nhận một cách triệt để.

“Như ở Trường Đại học Công Thương TPHCM, ngành công nghệ kỹ thuật hóa học được thí sinh quan tâm và mong muốn theo học khá đông. Tuy nhiên, tâm lý chung của phụ huynh là rất sợ và không muốn cho con mình theo học ngành này vì liên quan đến hóa học, sợ phản ứng, cháy, nổ, làm việc với các loại hóa chất ảnh hưởng đến sức khỏe.

Phải sau những buổi nghe tư vấn tuyển sinh, cảm thấy con mình phù hợp với ngành này và cũng thấy ngành nghề cũng an toàn chứ không nguy hiểm như mình nghĩ, phụ huynh mới quyết định cho con theo học”, ông Sơn chia sẻ.

Phụ huynh nên là bạn đồng hành

Theo ông Phạm Thái Sơn, tâm lý chung các phụ huynh mong muốn con chọn nghề phù hợp, ra trường nhanh có công việc và thu nhập ổn định, thành công trong cuộc sống, nên chuyện căng thẳng trong hướng nghiệp là lẽ thường tình. Thế nhưng, nền tảng quan trọng nhất để mỗi người có thể thành công trong lao động là công việc đó phải đúng sở thích và phù hợp với mỗi cá nhân.

Chuyên gia dự báo nhân lực Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM khẳng định, việc chọn sai ngành, nghề, chạy đua với xu thế bằng cấp… đều có thể trở thành nguyên nhân dẫn đến tình trạng thất nghiệp.

“Thị trường lao động hiện tại và tương lai đóng vai trò chủ động trong huy động, phân bổ, sử dụng hiệu quả các nguồn lực để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội; chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng hiện đại, đảm bảo kết nối thị trường lao động trong nước và thị trường lao động của các nước trong khu vực và trên thế giới”, ông Tuấn thông tin.

Vì vậy, định hướng nghề nghiệp phù hợp nhất với từng học sinh là dựa trên việc phân tích, đánh giá, đặc điểm, tính cách… của từng cá nhân. Thất nghiệp là việc khách quan, nhưng nếu thất nghiệp có tính chủ quan lại là điều đáng buồn.

Thất nghiệp có tính chủ quan được biểu hiện cụ thể qua việc chọn sai ngành, nghề, chủ quan về bằng cấp, do suy nghĩ đơn giản học ngành nào cũng được, miễn là đại học và có bằng. Một số người đang quan niệm sai lầm về việc bằng cấp ngành “hot” và trường xịn chắc chắn sẽ có việc sau khi ra trường.

“Việc bỏ qua bước thu thập thông tin mà “cố đấm ăn xôi” để chọn ngành “hot”, trường xịn sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình học của sinh viên. Khi học một ngành và làm một nghề không phù hợp với đam mê, bản thân người học sẽ rơi vào tâm trạng chán nản, mất động lực phấn đấu, dễ bỏ cuộc giữa chừng. Một số sinh viên có thể cố gắng học hết chương trình đào tạo nhưng yếu tố tâm lý vẫn ảnh hưởng đến hiệu suất và kết quả học tập, giảm nhiệt huyết dấn thân khi ra trường”, ông Tuấn nói.

Cũng theo ông Tuấn, các bậc phụ huynh hãy xem việc chọn ngành, nghề là chọn một tương lai, là bước khởi đầu quan trọng nhất của hành trình mới và lâu dài. Thay vì toàn quyền quyết định ngành nghề cho con theo đuổi, hoặc lo lắng thái quá, định hướng áp đặt, phụ huynh chỉ nên đồng hành, lắng nghe những chia sẻ, mong muốn của con.

Đồng thời, để không dập tắt nhiệt huyết, đam mê của con, phụ huynh nên để cho con đưa ra lập luận, quan điểm về ngành, nghề mà con chọn, từ đó có sự phân tích, thống nhất, rồi gợi ý ngành, nghề nào thực sự phù hợp với năng lực, sở trường và điều kiện thực tế của con là hay hơn cả”, ông Tuấn lưu ý.

 

Theo Lâm Ngọc
Giáo dục và Thời đại

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

TIN MỚI

TIN KHÁC

COLUMBIA
-->
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây