'Thủ phạm' gây đau mắt đỏ

Thứ năm - 28/09/2023 07:26:48


Biểu hiện thường gặp nhất khi bị đau mắt đỏ do virus Coxsackie A24 là viêm kết mạc xuất huyết, mắt đỏ nhiều, có đốm máu ở phần kết mạc.

Thủ phạm


Biểu hiện thường gặp nhất khi bị đau mắt đỏ do virus Coxsackie A24 là viêm kết mạc xuất huyết, mắt đỏ nhiều, có đốm máu ở phần kết mạc (lòng trắng của mắt). Nếu người bệnh để biến chứng, di chứng, có thể gây giảm thị lực, thậm chí là mất thị lực vĩnh viễn.

Xác định thủ phạm

Theo kết quả báo cáo của phòng xét nghiệm thuộc đơn vị nghiên cứu các bệnh nhiễm trùng mới nổi hợp tác giữa Bệnh viện Bệnh nhiệt đới và OUCRU, Enterovirus và Adenovirus là 2 tác nhân chính gây ra bệnh đau mắt đỏ hiện nay. Trong đó, chiếm ưu thế là Enterovirus (86%). Tác nhân thường gặp trước đây là Adenovirus chỉ chiếm số ít (14%).

Theo yêu cầu của Sở Y tế TPHCM, nhóm nghiên cứu các bệnh nhiễm trùng mới nổi Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới - OUCRU đã phối hợp với Bệnh viện Mắt TPHCM và HCDC tiến hành khảo sát nhanh tìm tác nhân đối với những bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Mắt TPHCM vì đau mắt đỏ.

Có 39 bệnh nhân đau mắt đỏ bao gồm 20 nam, 19 nữ bao gồm cả người lớn và trẻ em với độ tuổi trung bình 19,7 tuổi đến khám tại Bệnh viện Mắt TPHCM vào ngày 7/9, được lấy mẫu bệnh phẩm (mẫu phết mí mắt dưới).

Các bệnh nhân đến từ 13 quận huyện trên địa bàn TPHCM và Thủ Đức và 5 người đến từ Bình Dương, 2 người đến từ Bà Rịa - Vũng Tàu, 1 đến từ Long An, và 1 đến từ Tiền Giang.

Enterovirus và Adenovirus là hai tác nhân được tìm thấy trong 37/39 (95%) bệnh nhân được xét nghiệm. Nhóm nghiên cứu tiếp tục phân tích giải mã gene nhằm định danh chính xác kiểu huyết thanh và kiểu gene của các Enterovirus và Adenovirus gây bệnh. Nhóm Enterovirus bao gồm biến thể Coxsackie A24 và EV70.

Trong đó, tác nhân chính gây đau mắt đỏ tại TPHCM là biến thể virus Coxsackie A24. Virus này có độ lây lan mạnh hơn, dễ làm bùng dịch, thường gây viêm kết mạc xuất huyết.

TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu - Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, các loại virus này khác nhau về mức độ lây. Về độ gây bệnh nặng, đến nay, chưa có bằng chứng khẳng định có sự khác biệt. Trong đó, enterovirus thường có độ lây lan mạnh hơn, gây nhiều trận dịch lớn trên thế giới.

BSCKI Lê Phương Thoại Loan - quyền điều hành Đơn vị mắt, Bệnh viện Nhi đồng thành phố (TPHCM) cho biết, hằng năm, bệnh lý đau mắt đỏ hay còn gọi là viêm kết mạc trong y khoa thường xuất hiện vào cuối mùa Hè cũng như đầu mùa Thu. Bởi, khí hậu nóng ẩm của Việt Nam ở thời điểm này là một điều kiện thuận lợi để vi khuẩn, virus gây đau mắt đỏ có thể phát triển.

Theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM, năm nay, tỷ lệ mắc bệnh đau mắt đỏ tăng khoảng 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, số trẻ dưới 16 tuổi mắc đau mắt đỏ tăng gấp 1,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

“Là một biến thể thuộc nhóm Entervirus, Coxsackie A24 là một nhóm virus thường thấy hằng năm và gây ra các bệnh đau mắt đỏ mọi người hay mắc phải. Theo số liệu trên thế giới, năm 2010 và 2020 cũng gây dịch đau mắt dỏ ở các nước Đông Nam Á. Theo ghi nhận, đau mắt đỏ do virus này gây ra nhẹ nhưng dễ lây, biến chứng không quá nặng. Tỷ lệ thấp là có viêm tuyến giác mạc”, bác sĩ Loan dẫn chứng.

Nhận biết biến chứng nặng của bệnh

“Trong quá khứ, Coxsackie A24 và EV70 đã gây các trận dịch viêm kết mạc xuất huyết tại nhiều nơi trên thế giới. Trận dịch đầu tiên được báo cáo vào năm 1969 tại Ghana. Từ đó, ghi nhận dịch viêm kết mạc xuất huyết đã xảy ra tại nhiều nơi trên thế giới. Tại châu Á, Coxsackie A24 được ghi nhận lần đầu tại Singapore vào năm 1970, sau đó xuất hiện thành các trận dịch tại các nước khác. Trong trận dịch viêm kết mạc xuất huyết tại Okinawa, Nhật Bản năm 2011 biến thể Coxsackievirus A24 là tác nhân chính. Trong đó, có 25,4% trường hợp xuất huyết dưới kết mạc, 10,3% viêm giác mạc chấm nông và 7,8% nổi hạch sau tai”.

Trong đó, theo bác sĩ Loan, biểu hiện thường gặp nhất khi bị đau mắt đỏ do virus Coxsackie A24 là viêm kết mạc xuất huyết, mắt đỏ nhiều, có đốm máu ở phần kết mạc (lòng trắng của mắt). Tình trạng này khiến phụ huynh lo nhiều, nhưng không phải trịệu chứng nặng của bệnh.

Biến chứng nặng là viêm tuyến giác mạc, có thể ảnh hưởng đến thị lực. Nếu để biến chứng, di chứng, có thể gây giảm thị lực, thậm chí là mất thị lực vĩnh viễn.

Có nhiều nguyên nhân gây đỏ mắt, tăng nhãn áp, chắp lẹo cũng có thể gây sưng đỏ mắt. Do đó, theo bác sĩ Loan, để biết khi nào trẻ bị đau mắt đỏ, cần chú ý tới triệu chứng tăng dịch tiết, đổ ghèn nhiều, chói, sáng, sợ nước…

Theo ThS.BS Phạm Huy Vũ Tùng - Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Enterovirus thuộc họ Picornaviridae với đặc điểm là kích thước nhỏ, không có vỏ bọc, cấu tạo từ 1 sợi RNA, capsid đối xứng hình khối.

Bệnh viêm kết mạc do enterovirus gây ra còn được gọi là viêm kết mạc cấp tính xuất huyết do mắt có triệu chứng chảy máu. Ngoài ra, triệu chứng của bệnh còn bao gồm sưng phù kết mạc và mí mắt, cộm mắt, chảy nước mắt, thậm chí có thể kèm theo sốt, mệt mỏi, đau nhức chân tay.

Đau mắt đỏ do Enterovirus dễ lây lan. Bệnh lây truyền chủ yếu thông qua tiếp xúc với các đồ vật nhiễm bệnh rồi sờ lên mắt. Trong khi đó, Coxsackievirus là một biến thể thuộc họ Enterovirus, tạo thành từ một chuỗi axit ribonucleic (RNA).

Đau mắt đỏ do virus Coxsackie dễ lây lan, thường có các biểu hiện như mắt bị cộm giống như có dị vật, phù mí mắt và kết mạc, xuất huyết dưới kết mạc. Một số trường hợp xuất hiện triệu chứng toàn thân như sốt, đau nhức tay chân, mệt mỏi. Triệu chứng viêm kết mạc do Coxsackievirus thường xảy ra ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.

Để phòng đau mắt đỏ do virus, ThS.BS Phạm Huy Vũ Tùng khuyến cáo người dân cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, vệ sinh tay bằng dung dịch sát trùng như nước muối sinh lý hoặc cồn từ 60% trở lên. Hạn chế tiếp xúc với người bị đau mắt đỏ. Nếu đang bị bệnh, nên cách ly đến khi không còn triệu chứng.

Đồng thời, tránh dùng chung vật dụng cá nhân với người khác. Không dùng chung thuốc nhỏ mắt với người khác, đặc biệt người bệnh đau mắt đỏ. Thường xuyên thay vỏ gối, ga giường mới; giặt và phơi dưới trời nắng. Vệ sinh kính mắt bằng xà phòng và dung dịch sát trùng. Không sờ tay lên mắt, dụi mắt. Không đi bơi trong thời gian dịch bệnh bùng phát.

 

Theo Vân Huyền
Giáo dục và Thời đại

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

TIN MỚI

TIN KHÁC

COLUMBIA
-->
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây