‘Em bận lắm’ và sự thất bại đáng buồn trong giao tiếp

Thứ năm - 29/08/2019 13:32:44
Nếu làm một cuộc thống kê về các từ hay được dùng nhất trong thăm hỏi. Đồ rằng, chiếm quán quân về tần xuất xuất hiện sẽ là từ “bận”.
 
that bai
 

– Chú dạo này thế nào?

– Em bận lắm.

– Tốt, bận là tốt.

Đúng, xã hội bây giờ nhiều người bận rộn thật sự. Xã hội hiện đại, nhiều nhu cầu ham muốn, mức độ cạnh tranh cao, nhiều tác động lên tư tưởng, tâm cũng không tĩnh, cho nên sinh ra nhiều việc phải lo nghĩ. Bận là đúng.

Tuy vậy, có nhiều khi, mẫu hỏi đáp này đã được để ở chế độ mặc định, gần như tự động hỏi và tự động trả lời. Hỏi thế, thì phải trả lời thế mới phải phép.

Chẳng lẽ lại trả lời: “Em rảnh lắm”. À, thế là ra khỏi chế độ mặc định rồi. Chế độ ấy đã được cài đặt tối ưu, sao lại dám làm khác đi nhỉ?

Vì sao “bận” mới là tối ưu?

“Bận” chứng tỏ là người chăm chỉ, chí thú làm ăn, không phải là loại “nhàn cư vi bất thiện”.

“Bận” có nghĩa là người có năng lực. Có năng lực mới được thiên hạ nhờ đến. Chỗ này cần đến mình, chỗ kia cần đến mình. Nên bận. Nếu không bận hóa ra chả ai cần đến mình? Hóa ra năng lực kém cỏi quá? Hóa ra là đồ bỏ đi à? Nên cần phải bận. Không bận cũng phải bảo là bận. 

“Bận” có nghĩa là nhiều việc, nhiều quan hệ, nhiều cơ hội kiếm tiền. Mà làm giàu thời nay với nhiều người nó là việc “thiên kinh địa nghĩa” rồi, một nhiệm vụ quan trọng nhất của con người. Thế thì phải bận. Không bận thì e người ta nghĩ mình kém cỏi. 

Có một cậu em thích đánh quả có lần nói với tôi: “Em chỉ cần nhìn cha nào mà 5 giờ chiều đã có mặt ở nhà là biết ngay chả có vẹo gì”. Vừa nói mắt cậu vừa ngấm nguýt, môi trề ra. Ôi, thế thì phải “bận” chứ biết làm sao! Người đời đã quan niệm như thế rồi. “Tốt, bận là tốt”. Không bận, là tự bước ra ngoài cái quan niệm chung dành cho những người có giá trị. 

(Để ý, các ông các bà khi khoe con cháu cũng hay nói câu: “Ôi xời, chúng nó bận lắm, bận lắm”. Cũng ngộ nghĩnh nhỉ).
 

Khi đã thành văn mẫu, thì cái câu hỏi và trả lời cũng không còn mang ý nghĩa về thông tin nữa. Vì chưa chắc đã thật, vì khách sáo, vì theo công thức.

Cũng tương tự như là:

– Chú đi đâu đấy?

– Em ra đây một tí

Hỏi vậy, thì trả lời vậy. Thực ra anh cũng chả quan tâm chú đi đâu, chú cũng chẳng cần trả lời anh rằng chú đi đâu. Gần như nghe nghị quyết ấy mà, muốn tìm thông tin và sức sống trong văn mẫu thì khó hơn cả lên giời. Thông tin chuẩn, nó nằm trong những điều không được nói ra.

Trong tiếng Anh hay các ngôn ngữ khác cũng thế. “How are you? I’m fine, thanks”. Đấy là hỏi thăm chung chung thì trả lời vậy. Chẳng “fine” thì cũng trả lời là “fine”. Việc ấy tạm cho là bình thường. Thế còn “How are you? I’m very busy”. Nghe hơi lạ nhỉ?

Giả sử hỏi là:

– Chú đi đâu đấy?

Trả lời:

– Em đi oánh nhau đây, đang điên đây! 

Hay rồi đây, câu văn đã có sức sống hơn, mang thông tin thật.

Nhưng vì “bận” chưa chắc đã là bận, văn mẫu mà, cho nên, cũng ít người thật lòng tin là bận, nhất là khi họ cần đến mình, hoặc cần sự tham gia của mình cho việc chung hay việc riêng của họ.

– Chiều thứ 7 này, anh chị tổ chức đầy tháng cho cháu. Cô chú đến nhé.

– Em cảm ơn anh chị. Nhưng chưa chắc em đã đến được. Em bận quá.

– Chú phải đến đấy, không đến không được đâu, anh em mình…blah blah (không tin, nài ép, sử dụng tình cảm, quyền uy).

– Ôi giồi, thật anh, em bận lắm!!! (bày ra một vẻ mặt thật là thiểu não, nhăn nhó đau khổ, mồm chẹp chẹp, mắt nhăn nhăn, đầu nghẹo nghẹo lắc lắc… giống như lúc đạo diễn phim hô: Action!)
 

Lúc ấy, đừng mong có ai tin bạn bận thật nhé! Có người khăng khăng: “Bận mấy chú cũng phải đến”. Có người thì ít quyết liệt hơn, miệng cười cười. Nhưng cười thì cười thế thôi, trong đầu lúc ấy sẽ nảy ra bao nhiêu suy nghĩ, như thể: “Tôi biết rồi nhé, chú không nhiệt tình với anh em”. Chẳng có suy nghĩ nào cho rằng người kia nói thật, là bận thật.

Lúc ấy, chả thấy ai nói: “Tốt, bận thì tốt” như trên. Trong hai người, nếu không có người mếch lòng vì bị từ chối, sẽ có người cắn răng chịu trận, đành phải đi cho xong.

Vậy là câu “Em bận lắm” đã mất thiêng!

Làm thế nào bây giờ? Chỉ có giải pháp duy nhất, là phải Chân. Nghĩa là nói thật. Lúc đầu, nếu chưa quen cũng hơi khó đấy.

Nếu có thể đi được, thì hãy đi. Không dưng người ta lại mời. Nếu người ta chân thành mời, thì mình đi được hay không cũng đều cần trả lời chân thành. Chắc không nên lấy câu “em bận” để che giấu lý do thực sự nhỉ?

“Anh ạ, khách của anh có một số người làm em không thoải mái”. Cũng là một cách trả lời, dù chưa phải hay nhất, vẫn còn hơn là: “Em bận”.

“Đợt này em đang bị huyết áp cao bất thường, bác sĩ bảo cần nghỉ ngơi tĩnh dưỡng. Anh thông cảm ạ”.

“Em đang uống thuốc bắc phải kiêng rượu. Em xin phép đến muộn và không dùng bữa nhé”.

Xin bạn đọc nhớ giùm, nó đều phải là lý do thật. Nhấn mạnh vào chữ “thật”.

Ví dụ thế. Lúc đầu thì trả lời thật thà làm người nghe có thể sẽ mếch lòng, nhưng khi sự việc qua đi, thì sẽ được tiếng chân thành, không gì quý bằng cái tiếng ấy trong buổi này. Nhẹ nhàng từ chối nhưng kiên nghị.

Khi người ta biết mình nói thật rồi, lần sau mình chỉ cần trả lời một tiếng là người ta tin, khỏi mất công giải thích và nghi ngờ. Mà cái tiếng thẳng thắn sẽ không chỉ dừng lại ở chuyện đó. 

Còn nếu mình bận thật, vì phải làm công việc không thể nói được, thì cũng đành trả lời là bận và cười xin lỗi chứ sao. Lúc ấy đành chịu để họ nghĩ thế nào tùy họ vậy. Mình chỉ quản được suy nghĩ và hành động của mình, sao quản được suy nghĩ của người khác. Chịu oan khuất tí ti chắc cũng không đến nỗi to chuyện lắm.

Tất nhiên, cũng không hiếm bạn mở miệng ra là bận lắm bận lắm, nhưng chiều nào cũng thấy ngồi hàng bia, bận xây dựng quan hệ, bận xin cho việc gì đó, hay “móc nối”, “đi đêm” với ai đó… Cái bận đó cũng còn phải xét. Nhưng xem ra chúng ta nên dừng phân tích việc này lại trước khi quá muộn, kẻo được mùa gạch đá, thì lại bận… đi viện.

Cũng định nói rằng, bận quá không phải là luôn luôn tốt, cần có một thời gian trong ngày ngồi một mình lắng lại, kiểm điểm lời nói hành vi trong ngày, hay ngồi tĩnh tọa ít nhất 15 phút cho tâm được sạch sẽ, đầu óc được trong sáng. 

Mà thôi, tôi không nói chuyện nữa. Đang bận lắm! 
 

Theo Thanh Phong
Đại kỷ nguyên

 

 

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

TIN MỚI

TIN KHÁC

COLUMBIA
-->
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây