Đường gập ghềnh cũng chớ có lo, tâm chí mới quyết định thành bại

Thứ năm - 15/08/2019 04:29:17
Trăng trên trời có khi tròn khi khuyết, đường dưới chân có bằng phẳng lại có đoạn gập ghềnh. Trải qua bao gian nan vất vả, đi qua bao mưa gió bất bình rồi ta mới nhận ra: Đường gập ghềnh vốn không phải lý do, tâm chí mới quyết định thành bại.
 
Đường gập
 

Ngôi chùa nọ có một tiểu hòa thượng. Ngày ngày thức dậy cậu đều phải gánh nước, quét sân, xong xuôi đâu đấy lại xuống thị trấn sau chùa mua sắm mọi vật dụng cần thiết. Sau khi trở về, cậu phải làm thêm những công việc lặt vặt, buổi tối còn phải đọc kinh sách đến tận đêm khuya.

Một ngày kia, tiểu hòa thượng nhân lúc rảnh rang bèn tranh thủ chuyện trò cùng các chú tiểu khác. Lúc này cậu mới phát hiện thì ra các huynh đệ ai ai cũng nhàn hạ, chỉ có mình là phải bận rộn cả một ngày trời. Tuy những chú tiểu khác thi thoảng cũng được cử xuống núi, nhưng đó là thị trấn trước núi, đường sá bằng phẳng mà cự ly cũng gần, thứ cần mua đa số đều là những vật dụng nhẹ nhàng tiện lợi. Còn cậu thì suốt 10 năm nay luôn phải đi ra thị trấn sau chùa, vượt qua hai ngọn núi, đường gập ghềnh trắc trở, khi trở về còn phải gánh trên vai rất nhiều vật nặng. 

Tiểu hòa thượng trong tâm bất bình đến tìm gặp phương trượng, hỏi: “Thưa sư phụ, tại sao những người khác đều ung dung tự tại, không phải làm việc đọc kinh, còn con thì suốt ngày quần quật không ngừng nghỉ?”. Phương trượng chỉ khẽ niệm một câu Phật hiệu, mỉm cười mà không đáp lời.
 

Giữa trưa hôm sau, khi tiểu hòa thượng đang khiêng một bao gạo từ sau núi trở về, cậu trông thấy phương trượng đang đứng ở cửa sau đợi mình. Sư phụ dẫn cậu đến cửa trước, nhắm mắt ngồi yên không nói, còn cậu không hiểu rõ chuyện gì nên chỉ biết đứng hầu bên cạnh. 

Mặt trời đã ngả về tây, đường núi trước mặt xuất hiện bóng dáng của mấy tiểu hòa thượng. Họ vừa trông thấy sư phụ thì nhất thời đứng ngây ra đó. Phương trượng mở mắt, hỏi: “Ngay từ sáng sớm ta đã căn dặn các con đi mua lương thực, đường gần và lại bằng phẳng như vậy, sao đến tận giờ này mới về?”.

Nhóm tiểu hòa thượng đưa mắt nhìn nhau, nói: “Thưa sư phụ, dọc đường chúng con mải chuyện trò và ngắm nhìn cảnh vật, không ngờ đã xế chiều. 10 năm nay, mỗi ngày đều như vậy cả!”. Phương trượng lại hỏi tiểu hòa thượng đứng hầu bên cạnh: “Thị trấn sau chùa xa như vậy, phải vượt núi băng đèo, con lại còn mang vác nặng nề, sao lại có thể về được sớm vậy?”. Tiểu hòa thượng nói: “Mỗi ngày con đều muốn đi sớm về sớm. Bởi phải cõng vật nặng, con sợ mình bất cẩn nên bước đi cẩn thận, vừa vững chãi vừa đi được nhanh. 10 năm rồi, con đã dưỡng thành thói quen, trong lòng chỉ có mục tiêu chứ không có con đường nào cả!”.

Phương trượng nghe nói cười lớn: “Đường sá bằng phẳng thì tâm ý chủ quan không nỗ lực. Chỉ có con đường gập ghềnh mới có thể khổ luyện ý chí của một người!”.

Mấy tháng sau, nhà chùa tổ chức một cuộc thi với yêu cầu nghiêm khắc dành cho chúng tăng. Tiểu hòa thượng nhờ được khổ luyện suốt 10 năm vậy nên vượt trội hơn tất cả. Chú tiểu năm nào ấy chính là pháp sư Huyền Trang nổi tiếng sau này. Trên đường sang Tây Thiên lấy kinh, tuy ngăn sông cách núi, nguy hiểm trùng trùng, lòng ông vẫn mãi hướng đến mục tiêu ban đầu.
 

Con đường gập ghềnh quanh co không phải là chướng ngại lớn nhất, mà tâm chí mới là then chốt quyết định thành bại của một người. Chỉ cần ngọn lửa trong lòng luôn cháy sáng, thì dù đường đi có gập ghềnh hơn nữa, đích đến cuối cùng sẽ là một dải quang minh! 
 

Theo Thuận An
Đại kỷ nguyên

 

 Tags: Tu dưỡng

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

TIN MỚI

TIN KHÁC

COLUMBIA
-->
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây