Đại học Quốc gia TP.HCM đang đẩy mạnh số hóa các môn học với mục tiêu xây dựng một phần hệ thống bài giảng môn học dùng chung để áp dụng mô hình 'lớp học đảo ngược'.
Sinh viên Trường đại học Kinh tế - Luật được học 12 môn học đã có trên hệ thống học liệu số Đại học Quốc gia TP.HCM - Ảnh: XUÂN TIẾN
Năm 2023, Đại học Quốc gia TP.HCM xác định ưu tiên nguồn lực để thúc đẩy chuyển đổi số trong công tác đào tạo, khoa học công nghệ. Dự kiến năm nay, đại học này tiếp tục xây dựng bài giảng số một môn chung và 20 - 30 môn học/học phần thuộc khối kiến thức cơ sở ngành và chuyên ngành trong chương trình đào tạo đang triển khai tại các đơn vị thành viên và trực thuộc.
Hệ thống học liệu số
Theo PGS.TS Nguyễn Minh Tâm - phó giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM, một trong những nguyên tắc cốt lõi của đổi mới phương pháp giảng dạy là xây dựng hệ sinh thái học tập như cơ sở dữ liệu số, hệ thống bài giảng video dùng chung, các hoạt động bồi dưỡng, tập huấn giảng viên...
Hệ thống học liệu số của Đại học Quốc gia TP.HCM được vận hành trên trang hệ thống đào tạo trực tuyến với mục tiêu xây dựng một phần hệ thống bài giảng môn học dùng chung, tài liệu tham khảo, bài giảng số chuyên ngành. Với hệ thống này sinh viên có thể tự nghiên cứu học tập, giảng viên tham khảo cho các hoạt động dạy học.
Hệ thống học liệu số do chính giảng viên đăng ký xây dựng và thiết kế. Thông qua hệ thống học liệu số đã triển khai, các giảng viên và sinh viên có thể khai thác sử dụng chung. Đại học Quốc gia TP.HCM cung cấp tài khoản cho giảng viên chủ động và chịu trách nhiệm tải bài giảng số lên hệ thống.
Sinh viên các đơn vị thành viên cũng được cấp tài khoản đăng nhập vào hệ thống học liệu số các môn học chung để học tập và tham khảo. Đồng thời hệ thống cũng cung cấp một nền tảng học trực tuyến đủ các tính năng (quản lý, kiểm tra, đánh giá, phân tích kết quả học tập...).
Hệ thống học liệu số này gồm bài giảng điện tử, bài giảng e-learning, bài giảng dạy trên truyền hình, giáo án điện tử, bài trình chiếu điện tử và được chia làm hai cấp. Cấp đại học quốc gia sẽ có các môn học chung như triết học Mác - Lênin, xác suất thống kê; và cấp đơn vị thành viên với các môn chuyên ngành, cơ sở.
"Ngoài đặc thù của các thành viên trong Đại học Quốc gia TP.HCM, cần có những môn học thể hiện nhận thức chung của toàn hệ thống. Môn triết học Mác - Lênin được chọn là một trong những môn học dùng chung trong Đại học Quốc gia TP.HCM theo mô hình lớp học đảo ngược (Flipped Classroom). Đây sẽ là tài nguyên học tập quý giá và là môn học có sức lan tỏa và đạt hiệu quả cao" - ông Tâm nhận định.
Không thay thế việc giảng dạy trực tiếp
PGS.TS Vũ Tình - nguyên phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, thành viên ban soạn thảo bài giảng trực tuyến môn triết học - cho biết: "Hệ thống video này không bao phủ toàn bộ nội dung môn học và thay thế hoàn toàn cho việc giảng dạy trực tiếp trên lớp.
Việc trao đổi giữa giảng viên và sinh viên trên lớp sẽ chú trọng phần vận dụng kiến thức để nhận thức, giải quyết những vấn đề phát sinh trong cuộc sống. Ngoài những câu hỏi trắc nghiệm trong tài nguyên học tập, một số video có câu hỏi mang tính gợi mở tư duy".
Cũng theo ông Vũ Tình, việc sử dụng bài giảng trực tuyến này sẽ áp dụng theo mô hình "lớp học đảo ngược", là 1 trong 5 xu hướng công nghệ giáo dục của Mỹ. Trong mô hình này, người học là trung tâm.
Nội dung truyền đạt kiến thức của giảng viên phần lớn do sinh viên đặt ra để giải quyết những vấn đề người học chưa hiểu khi tự học. Thời gian dùng cho thảo luận nhiều hơn giúp cho kiến thức cả giảng viên và sinh viên sâu hơn.
"Khi thỉnh giảng cho đại học Touro của Hoa Kỳ, tôi được yêu cầu chỉ sử dụng 1/3 thời lượng của mỗi buổi học. Phần thời gian còn lại, tôi sẽ phải lắng nghe người học trình bày những kiến thức từ việc tự học. Giảng viên không kết luận người học trình bày "đúng" hay "sai" mà chỉ kết luận học viên trình bày "thuyết phục" hay "chưa thuyết phục", "logic" hay "chưa logic". Quan trọng nhất là giảng viên phải chỉ cho người học nguyên nhân dẫn đến sự chưa thuyết phục, chưa logic và cách khắc phục nó - ông Tình chia sẻ.
Theo Trần Huỳnh
Tuổi trẻ
Ý kiến bạn đọc
TIN MỚI
TIN KHÁC