Giáo viên ủng hộ cắt bớt chương trình
Ngày 28/2/2020, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam dẫn lời cô Phạm Thái Lê – giáo viên Trường Marie Curie (Hà Nội) đề xuất tới Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nên chủ động cắt bớt chương trình học ở tất cả các môn, từ lớp 1 đến lớp 12. [1]
Cùng với đó, ngày 1/3/2020, thầy Hồng Lam Sơn có bài viết “Học sinh nghỉ dài, nên tính đến cắt bớt chương trình giáo dục năm nay”. [2]
Theo thầy Sơn, nên cắt bớt chương trình để tiến độ thực hiện thời gian kết thúc năm học hợp lí vào cuối tháng 6.
Hai bài đăng nhận được khoảng 50 bình luận, hầu hết ủng hộ đề xuất nên cắt bớt chương trình học của các cấp.
Bạn đọc TRẦN LÂM THẢO bình luận:
“Ý kiến rất hay và rất phù hợp với tình hình đang có dịch bệnh nguy hiểm như hiện nay. Nên chắt lọc những kiến thức quan trọng và trọng tâm để truyền tải cho học sinh.
Những nội dung trùng lắp hoặc không quan trọng cần bỏ qua để các em khỏi mất thời gian học bù và những nội dung không giúp được cho bản thân hiện tại.” [1]
Bạn đọc NGUYỄN GIA THANH nêu ý kiến:
“Tôi nhận thấy hè rất quan trọng đối với tuổi học trò, đó là dịp các em sống và trải nghiệm thực tế mà nhà trường không thể đáp ứng hết được.
Thời gian qua được nghỉ nhưng các em không thể có được không gian để hoạt động ngoại trừ biết phòng chống dịch trong cộng đồng.
Không thể kéo dài thời gian cứng nhắc cơ học để bảo đảm chương trình mà mất hè, hơn nữa tinh giảm là cần thiết.” [1]
Đôi điều băn khoăn!
Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, khó có thể cắt bớt chương trình của các cấp học bởi những lí do như sau.
Thứ nhất, Bộ Giáo dục và Đào tạo là cơ quan có thầm quyền quyết định có cắt bớt chương trình học hay không.
Nhưng việc tính toán nên cắt những nội dung nào cho tất cả các cấp học không phải là chuyện đơn giản - không thể cắt theo kiểu cơ học - nên cũng khó thực hiện một sớm một chiều.
“Ý kiến hay đấy nhưng cắt bài nào, phần nào là phải nghiên cứu kĩ vì kiến thức trong sách giáo khoa được biên soạn khoa học, có sự logic rồi.
Nếu cắt bớt thì không nên cắt kiến thức lớp cuối cấp, cắt tiết tự chọn để đôn chương trình lên, hạn chế số buổi đi học bù sẽ tốt hơn. Tâm lí chung học sinh đi học bù không tốt lắm”, bạn đọc NGUYỄN ĐƯỢC thận trọng góp ý. [1]
Thứ hai, ngày 22/2 Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ký công văn điều chỉnh khung kế hoạch thời gian năm học 2019-2020 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên.
Theo đó, thời gian kết thúc năm học trước ngày 30/6/2020; Xét công nhận hoàn thành chương trình tiểu học và xét công nhận tốt nghiệp trung học cơ sở trước ngày 15/7/2020.
Hoàn thành tuyển sinh vào lớp 10 trước ngày 15/8/2020; Thi trung học phổ thông quốc gia từ ngày 23/7/2020 đến ngày 26/7/2020.
Như vậy, những địa phương cho học sinh đi học vào ngày 2/3 thì không phải học bù vào thứ 7, chủ nhật, vẫn còn khoảng 6 tuần nghỉ hè.
Hay Thành phố Hồ Chí Minh cho học sinh tiếp tục nghỉ hết 2 tuần của tháng 3, riêng lớp 10 được nghỉ 1 tuần, thì thời gian nghỉ hè vẫn còn lại khoảng 4 tuần, cũng không cần học bù.
Như thế, thời gian xét công nhận hoàn thành chương trình tiểu học, xét công nhận tốt nghiệp trung học cơ sở, thi trung học phổ thông quốc gia và thi tuyển sinh 9 vào 10 vẫn đảm bảo khung thời gian năm học theo quy định của Bộ.
Thứ ba, không thể cắt bớt chương trình học của lớp 9 và 12 vì ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc thi cử.
Đối với lớp 9, học sinh thường thi tuyển sinh 3 môn Toán, Ngữ văn và tiếng Anh. Chắc chắn không thể cắt xén chương trình của môn Toán và tiếng Anh vì kiến thức mang tính hệ thống, xâu chuỗi.
Cũng không thể cắt bớt nội dung của môn Toán, tiếng Anh, tổ hợp Khoa học tự nhiên (Vật lí, Hóa, Sinh) và Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân) của lớp 12.
Bởi, đây là những môn thi trắc nghiệm, học sinh làm bài theo ma trận từ thông hiểu, nhận biết, vận dụng thấp và vận dụng cao.
Hơn nữa, để làm tốt bài thi trắc nghiệm, học sinh phài học bài theo chiều rộng mới có thể đảm bảo kiến thức ở mức trên trung bình.
Bạn đọc NGUYỄN VĂN TÚ có chung góc nhìn như quan điểm của chúng tôi, khi cho rằng:
“Khung thời gian năm học không quan trọng, kiến thức trang bị cho học sinh mới là quan trọng.
Nếu bỏ kiến thức thì phải bỏ như thế nào, mỗi một kiến thức đều có liên quan nhau. Đừng nóng vội để rồi tạo ra những sản phẩm có vỏ đẹp mà chất không có.
Theo tôi vẫn phải đảm bảo dạy đúng, đủ chương trình, không cắt xén, nếu không kịp theo khung thời gian năm học thì Bộ có thể thay đổi”. [2]
Theo chúng tôi, riêng môn Ngữ văn lớp 9, lớp 12 với những bài học không trọng tâm, giáo viên có thể giảm bớt thời gian giảng dạy trên lớp và hướng dẫn học sinh tìm hiểu thêm ở nhà.
Tuy vậy, học sinh vẫn phải làm bài cá nhân hoặc theo nhóm và nộp lại cho giáo viên để kiểm tra mức độ tự học của các em.
Thứ 4, những năm qua, chương trình các cấp học đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo tinh giản một số nội dung nặng hoặc chưa cần thiết đối với học sinh các cấp.
Vì vậy, cắt bớt nội dung chương trình là chưa cần thiết, bởi như đã nói, kiến thức môn học có sự xâu chuỗi với nhau.
Việc cần làm lúc này là, từng địa phương căn cứ vào khung chương trình mà Bộ đã điều chỉnh để lên kế hoạch dạy học cho phù hợp.
Như thế, việc dạy học sẽ kịp chương trình, tiến độ và trên hết đó là đảm bảo quyền lợi được học của học sinh.
Tài liệu tham khảo:
[1]//giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/giao-vien-de-xuat-cat-bot-chuong-trinh-hoc-khong-keo-dai-lich-hoc-sang-thang-7-post207458.gd
[2]//giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/hoc-sinh-nghi-dai-nen-tinh-den-cat-bot-chuong-trinh-giao-duc-nam-nay-post207506.gd
Theo Cao Nguyên
Giaoduc.net.vn
Ý kiến bạn đọc
TIN MỚI
TIN KHÁC