Các trường ĐH công lập đã chủ động thực hiện thu học phí học kỳ đầu tiên năm học 2022 - 2023 bằng nhiều cách, trong khi chờ nghị quyết điều chỉnh học phí của Chính phủ.
Kết luận của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp về học phí (HP) và sách giáo khoa (diễn ra ngày 12.10) đã chỉ đạo Bộ GD-ĐT tiếp thu ý kiến để hoàn thiện dự thảo nghị quyết về HP đối với cơ sở giáo dục và đào tạo công lập năm học 2022 - 2023. Trước đó, ngày 4.7, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cũng có kiến nghị Chính phủ ban hành nghị quyết đối với HP năm học 2022 - 2023 để các đơn vị kịp thời triển khai thực hiện; đồng thời giao Bộ GD-ĐT chủ trì phối hợp với các bộ, ngành thực hiện sửa Nghị định 81/2021 để làm căn cứ pháp lý thực hiện từ năm học 2023 - 2024.
Trường chủ động giảm hoặc không tăng học phí
Dù chưa có nghị quyết nhưng một số trường ĐH đã chủ động điều chỉnh giảm hoặc giữ nguyên mức HP năm học 2022 - 2023. Chẳng hạn, Trường ĐH Đà Lạt ban hành quyết định HP hệ ĐH chính quy áp dụng cho học kỳ 1 năm học 2022 - 2023. Theo đó, HP được giảm từ 13,5 - 26,4% đơn giá học phí/tín chỉ áp dụng đối với sinh viên (SV) hệ chính quy (mức giảm so với HP tính toán theo Nghị định 81). Như vậy, mức HP của trường này trong năm học 2022 - 2023 dao động từ 243.000 - 400.000 đồng/tín chỉ tùy theo ngành học (trung bình từ 6 - 7 triệu đồng/học kỳ).
Tiến sĩ Trần Hữu Duy, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Đà Lạt, cho biết: “Quyết định này của trường nhằm chia sẻ khó khăn chung của xã hội sau thời gian dịch Covid-19 vừa qua. Quyết định trên áp dụng trước mắt cho học kỳ 1 của năm học này”.
Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM cũng chính thức thông báo ngừng thực hiện kế hoạch tăng HP năm học 2022 - 2023 để chia sẻ khó khăn với người học sau 2 năm đại dịch. Cụ thể, HP chương trình đào tạo đại trà 354.000 đồng/tín chỉ và chương trình chất lượng cao 770.000 đồng/tín chỉ. Những SV đã đóng HP theo mức HP mới, trường sẽ trừ phần chênh lệch vào đợt HP ở học kỳ tiếp theo. Quyết định này trường đưa ra sau khi tìm hiểu mức thu nhập bình quân của gia đình SV có sự sụt giảm so với trước đây sau 2 năm đại dịch; đồng thời để thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng GD-ĐT kết luận tại Hội nghị tổng kết năm học 2021 - 2022 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm học 2022 - 2023 khối giáo dục ĐH.
Trong khi đó, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội tạm thu HP theo mức cũ của năm học 2021 - 2022, trong khi chờ văn bản chính thức của Chính phủ và Bộ GD-ĐT về việc điều chỉnh HP. Trường đã thông báo tạm thu HP học kỳ 1 năm học 2022 - 2023 bằng mức của năm học 2021 - 2022. Sau khi có quyết định mức HP năm học này, nhà trường sẽ tính toán đúng HP phải nộp của từng SV vào đợt 2. Cụ thể, các chương trình đào tạo chuẩn sẽ có mức HP trong khoảng 17 - 25 triệu đồng; HP các chương trình tiên tiến bằng 1,3 - 1,5 lần chương trình chuẩn cùng ngành; các chương trình đào tạo quốc tế mức HP từ 25 - 30 triệu đồng/học kỳ.
Trường tạm thu theo đề án hoặc theo nghị định 81
Trong khi đó, nhiều trường ĐH thực hiện tạm thu HP, trong khi chờ nghị quyết HP chính thức ban hành.
Thạc sĩ Trần Vũ, Trưởng phòng Thông tin - truyền thông Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, cho biết trường đang thực hiện tạm thu HP năm học 2022 - 2023. Theo đó, HP với SV trúng tuyển năm 2022 thực hiện tạm thu theo đề án tuyển sinh đã công bố, còn các khóa trước đó tạm thu theo Nghị định 81 với trường chưa tự chủ chi thường xuyên. Cụ thể, SV khóa 2021 trở về trước, HP khoảng 14 triệu đồng/năm. Còn khóa trúng tuyển năm nay, HP chương trình đại trà từ 21,5 - 27 triệu đồng/năm; chất lượng cao 32 - 47,3 triệu đồng/năm và chương trình tiên tiến 47 triệu đồng/năm. Theo thạc sĩ Vũ, khi có nghị quyết mới về HP, trường sẽ thực hiện theo nghị quyết này. “Nhà trường sẽ có giải pháp phù hợp tùy vào tình hình thực tế nhằm đảm bảo quyền lợi người học”, thạc sĩ Vũ nhấn mạnh.
Tiến sĩ Tô Văn Phương, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nha Trang, thông tin trong khi chờ nghị quyết HP, trường đã ban hành quyết định về HP tạm thu tất cả trình độ và hình thức đào tạo năm học 2022 - 2023. Cụ thể, HP các ngành dao động từ 220.000 - 370.000 đồng/tín chỉ bám sát theo mức trần của Nghị định 81. Quyết định này có hiệu lực từ học kỳ 1 năm học 2022 - 2023 đến khi có quy định khác thay thế. “Đây là HP tạm thu và trường sẽ có điều chỉnh HP chính thức khi nghị quyết HP ban hành”, tiến sĩ Phương cho hay.
Tương tự, Trường ĐH Công nghệ thông tin (ĐH Quốc gia TP.HCM) đã ban hành quy định mức thu HP các chương trình đào tạo ĐH cho năm học này. Trong đó, HP chương trình đào tạo ĐH chính quy chương trình chuẩn từ khóa 2021 trở về sau (gồm khóa 2021 và 2022) được thu ở mức 29 triệu đồng/năm học (SV khóa 2019 và 2020 mức thu 14,5 triệu đồng/năm học). Mức thu này bằng với HP dự kiến áp dụng cho năm học 2022 - 2023 được công bố trong đề án tuyển sinh năm 2022. So với SV trúng tuyển khóa 2021 của năm học 2021 - 2022, mức HP tạm thu của SV đại trà học kỳ chính tăng thêm 5 triệu đồng (năm học 2021 - 2022 HP khóa SV 2021 là 24 triệu đồng/năm học). Tiến sĩ Nguyễn Lưu Thùy Ngân, Phó hiệu trưởng nhà trường, cho hay: “Mức HP này đã được giảm thấp hơn trong đề án được phê duyệt và đúng theo Nghị định 81. Nhưng nếu Chính phủ ban hành nghị quyết mới thì trường phải chấp hành và điều chỉnh vào HP học kỳ 2, đồng thời cũng phải điều chỉnh kế hoạch hoạt động của trường”.
Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM cũng tạm thu HP học kỳ 1 với SV trúng tuyển nhập học năm 2022. Theo đó, SV chương trình chuẩn tạm thu 10.980.000 đồng (HP 10 triệu đồng và HP giáo dục quốc phòng 980.000 đồng). Chương trình chất lượng cao có mức tạm thu 30.980.000 đồng (HP 30 triệu đồng và HP giáo dục quốc phòng 980.000 đồng). Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Phó hiệu trưởng trường ĐH này, cho hay: “Trường đã thực hiện tạm thu theo mức HP dự kiến đã công bố trong đề án tuyển sinh năm nay. Khi nào có thông báo chính thức về HP của Bộ GD-ĐT, trường sẽ điều chỉnh theo quy định chung”.
Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật (ĐH Đà Nẵng) cũng thông báo tạm thu HP với đơn giá 380.000 đồng/tín chỉ chương trình ĐH chính quy. Trường này cho biết sau khi có văn bản hướng dẫn của các cấp thẩm quyền về mức thu năm học 2022 - 2023, trường sẽ có thông báo điều chỉnh theo đúng quy định. Số tiền chênh lệch thừa nếu có sẽ được chuyển sang bù trừ cho HP học kỳ tiếp theo.
Bộ GD-ĐT từng kiến nghị trần học phí chỉ tăng tối đa 15%
Nghị định 81 của Chính phủ được ban hành có hiệu lực từ ngày 15.10.2021, thay thế Nghị định 86/2015 kết thúc áp dụng vào năm học 2020 - 2021. Theo Nghị định 81, mức trần HP ĐH công lập sẽ tăng đều mỗi năm từ năm học 2022 - 2023 đến 2025 - 2026.
Trong đó, riêng năm học 2021 - 2022, mức trần HP đối với các ngành đào tạo của cơ sở giáo dục ĐH công lập được áp dụng bằng mức trần của năm học 2020 - 2021. Cụ thể, các khối ngành thuộc đơn vị ĐH công lập chưa tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư, mức trần từ 980.000 đến 1,43 triệu đồng/tháng. Mức trần HP trường tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư từ 2,05 - 5,05 triệu đồng/tháng.
Năm học 2022 - 2023, theo quy định Nghị định 81, mức trần HP đơn vị ĐH công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên tăng vọt so với năm học trước đó. Nhiều khối ngành có mức tăng từ hơn 20 đến gần 30% và đặc biệt khối ngành y dược tăng trên 70%.
Tuy nhiên, trước những khó khăn do ảnh hưởng của 2 năm đại dịch Covid-19, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 năm nay, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT kiến nghị Chính phủ ban hành nghị quyết đối với HP năm học 2022 - 2023. Trong đó, riêng giáo dục ĐH công lập, Bộ kiến nghị lùi khung HP quy định tại Nghị định 81 thêm một năm nhằm chia sẻ khó khăn với người học. Và theo kiến nghị này, năm học 2022 - 2023 mức HP của trường ĐH công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên chỉ tăng tối đa 15% so với năm học 2021 - 2022 (thấp hơn mức tăng theo Nghị định 81 là 25%).
Theo Hà Ánh
Thanh niên
Ý kiến bạn đọc
TIN MỚI
TIN KHÁC