Phụ huynh, học sinh làm gì để hiểu ngành nghề dự định đăng ký?

Thứ tư - 22/03/2023 06:25:26


Trước mỗi mùa tuyển sinh, bên cạnh lo lắng thi cử, nhiều phụ huynh, sĩ tử cũng băn khoăn về việc lựa chọn ngành học đúng sở thích, vừa năng lực.

Phụ huynh, học sinh


Lựa chọn ngành học cùng ngôi trường đại học là bước ngoặt quan trọng của các sĩ tử để chuẩn bị cho hành trình tương lai. Theo nhiều chuyên gia, các thí sinh cần cân nhắc kỹ lưỡng cả về năng lực, đam mê lẫn cơ hội nghề nghiệp để tìm được ngành học phù hợp, mang đến lợi ích tốt nhất cho bản thân.

Xác định trọng tâm khi hướng nghiệp

Báo cáo của Tổng cục thống kê cho thấy trong cơ cấu lao động thất nghiệp, người có trình độ ĐH - CĐ năm 2020 chiếm 30,8%. Theo nhiều chuyên gia, nguyên nhân đa phần đến từ việc chọn sai nghề nghiệp. Các bạn trẻ có xu hướng chỉ ưu tiên sở thích cá nhân mà xa rời thực tiễn bối cảnh nghề nghiệp, không trang bị kỹ năng để hội nhập.

Chưa kể, thời điểm sau đại dịch Covid-19, xã hội có nhiều thay đổi và mang đặc trưng biến động, thiếu chắc chắn, phức tạp. Để thích nghi với sự thay đổi mạnh mẽ này, mỗi cá nhân, nhất là các bạn trẻ đang đứng ở ngưỡng cửa lựa chọn nghề nghiệp, cần cân nhắc, cập nhật xu hướng của xã hội để tìm được công việc mà bản thân có thể gắn bó.

Đầu tiên, học sinh cần biết được sở thích, niềm đam mê cá nhân dành cho công việc có tính chất thế nào bởi nghề nghiệp không chỉ nuôi sống, mà còn gắn bó với mỗi cá nhân trong quãng đường rất dài.

Tiếp đó, các sĩ tử cũng cần có đánh giá khách quan về năng lực, khả năng cũng như thế mạnh của bản thân vì sự yêu thích là không đủ để các bạn có thể gắn bó với công việc. Sở hữu năng lực ở lĩnh vực bản thân yêu thích có thể giúp các bạn phát triển mạnh mẽ ở tương lai.

Phụ huynh cũng cần hỗ trợ con em mình tìm hiểu kỹ lưỡng và nhìn nhận rõ ràng về cơ hội nghề nghiệp của ngành mà bản thân dự định theo đuổi. Sự hiểu biết về nhu cầu thị trường lao động sẽ giúp các bạn nhìn rõ được khả năng tìm việc sau khi tốt nghiệp, tránh lãng phí thời gian, công sức và tiền bạc của chính mình, gia đình.

Mặt khác, thứ tự ưu tiên trong hướng nghiệp thường được các chuyên gia đề xuất là chọn nghề, sau đó mới chọn ngành và chọn trường. Khi đã xác định được nghề nghiệp mà bản thân muốn theo đuổi, thí sinh sẽ chọn ngành học cung cấp đầy đủ kiến thức, kỹ năng nhất cho nghề. Thời điểm đã tìm được nghề nghiệp và ngành học phù hợp, các bạn sẽ dễ dàng hơn trong việc tìm ngôi trường giúp bản thân hiện thực hóa được mục tiêu của bản thân.

Tìm kiếm các kênh thông tin uy tín

Để nắm bắt thông tin cụ thể, chính xác về nghề nghiệp và ngành học mình theo đuổi, học sinh và phụ huynh cần tìm hiểu từ các nguồn uy tín, khách quan. Chưa kể, các bạn thí sinh cũng nên hạn chế tình trạng chạy theo xu hướng “hot” trên các diễn đàn hay mạng xã hội mà thiếu sự đánh giá về năng lực của bản thân, thiếu cái nhìn rõ ràng về cơ hội nghề nghiệp trong tương lai.

Hà Thanh Long (học sinh lớp 12, TP Thủ Đức) yêu thích văn hóa Nhật Bản từ bé, nam sinh dự định thi vào ngành Ngôn ngữ Nhật và tìm cơ hội du học tại xứ sở hoa anh đào. Long chia sẻ tìm hiểu mọi thứ liên quan đến ngành học từ nhiều nguồn nhất có thể, từ anh chị đi trước, chương trình tuyển sinh cho đến các hội thảo du học… để có cái nhìn chính xác nhất về ngành nghề mình chọn.

“Em thích văn hóa Nhật Bản nên xác định sẽ học ngôn ngữ Nhật để được tìm hiểu sâu hơn về đất nước này. Về phần tìm trường, em sẽ phải cân nhắc thêm về chất lượng giáo dục cũng như các ưu thế mà mình có khi theo học sau này”, nam sinh nhận định.

Bên cạnh các kênh thông tin truyền thống như báo chí, truyền thông, các ngày hội hướng nghiệp, phụ huynh và học sinh có thể tìm hiểu thông tin về ngành học thông qua ngày hội, hội thảo tuyển sinh… do các trường đại học tổ chức.

Không chỉ giải đáp những thắc mắc xung quanh ngành học, quá trình đào tạo mà tại những hội thảo này, sĩ tử cũng có thể tiếp cận các thông tin tuyển sinh để lựa chọn hình thức phù hợp với bản thân.

Nhiều chuyên gia giáo dục nhận định, với những thay đổi về cơ chế tuyển sinh, học sinh muốn nắm chắc cơ hội bước chân vào giảng đường cần có sự chuẩn bị chắc chắn về phương thức xét tuyển phù hợp.

Bên cạnh phương thức xét kết quả tốt nghiệp THPT truyền thống, sĩ tử có thể chọn xét tuyển bằng học bạ. Đây được xem là cách thức xét tuyển mang đến sự an tâm nhất định cho các thí sinh về cơ hội nắm chắc “tấm vé” vào đại học.

Tuyển sinh bằng xét tuyển học bạ đang là xu hướng trong những năm gần đây, được nhiều trường đại học áp dụng thế nên tỷ lệ cạnh tranh rất đáng kể. Nếu muốn nắm chắc ưu thế, thí sinh đã chọn được nghề nghiệp và ngành học lý tưởng có thể đăng ký ngay từ đợt đầu tiên.

Thông thường, các trường bắt đầu nhận hồ sơ xét tuyển bằng học bạ từ tháng 2 và thường kéo dài đến tháng 8. Đơn cử, trường Đại học Kinh tế - Tài chính TP.HCM (UEF) đã bắt đầu nhận hồ sơ theo phương thức xét học bạ từ ngày 16/2.

Năm nay, UEF dự kiến dành 70% chỉ tiêu xét học bạ, gồm xét học bạ lớp 12 theo tổ hợp 3 môn (30%) và xét học bạ theo tổng điểm trung bình 3 học kỳ (40%). Điểm trung bình xét tuyển cả 2 phương thức là 18 điểm cho tất cả ngành đào tạo.

Trường hợp đã tìm thấy ngành học phù hợp với bản thân, các thí sinh có thể nhanh chóng tìm kiếm ngôi trường mơ ước, cân nhắc về các phương thức tuyển sinh mang đến ưu thế cho “cuộc đua” vào đại học.

 

Theo Giang Cơ Thụy
Zing news

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

TIN MỚI

TIN KHÁC

COLUMBIA
-->
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây