Làm gì để 80% học sinh THPT thông thạo tiếng Anh?

Thứ hai - 09/01/2023 07:11:09


TP HCM đặt mục tiêu đến năm 2030, 80% học sinh THPT thông thạo giao tiếp, tiếp cận học tập bằng ngoại ngữ; 50% học sinh có trình độ tin học đạt chuẩn quốc tế

Dự thảo chiến lược phát triển giáo dục từ nay đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 của TP HCM đặt ra nhiều mục tiêu quan trọng của giáo dục thành phố trong giai đoạn mới, trong đó đặt mục tiêu đặc biệt về năng lực ngoại ngữ và tin học cho học sinh (HS).

Đầu tư cho giáo dục ngoại ngữ, tin học

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP HCM, một trong mục tiêu, chiến lược xây dựng giáo dục trong giai đoạn tới là phát triển toàn diện HS thành phố. Phát huy tối đa tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng GD-ĐT, chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao, đào tạo thế hệ trẻ có lý tưởng, đạo đức… Ngoài ra, với đặc thù riêng của một đô thị phát triển, ngành GD-ĐT TP HCM chủ trương triển khai các công tác có hiệu quả, tạo ra sự khác biệt, tiệm cận với giáo dục tiên tiến hiện đại của khu vực và thế giới. Đặc biệt là đầu tư cho giáo dục ngoại ngữ, tin học đạt chuẩn quốc tế.

TP HCM đặt mục tiêu đến năm 2030, 80% HS THPT có thể thông thạo giao tiếp, tiếp cận học tập bằng ngoại ngữ, tương đương bậc 3 khung năng lực ngoại ngữ. 100% HS tốt nghiệp THPT có trình độ ứng dụng công nghệ thông tin cơ bản, 50% HS có trình độ tin học đạt chuẩn quốc tế.

Để thực hiện các mục tiêu trên, ngành GD-ĐT TP đề ra nhiều giải pháp, trong đó thực hiện nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh ở tất cả các cấp học và trình độ đào tạo; các chương trình đào tạo ĐH triển khai dạy học ngoại ngữ theo chuẩn đầu ra, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động; khuyến khích dạy học một số môn khoa học bằng ngoại ngữ trong giáo dục phổ thông và đào tạo bằng ngoại ngữ một số ngành học ĐH; bảo đảm đội ngũ giáo viên (GV) ngoại ngữ đủ về số lượng và chất lượng; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và hợp tác quốc tế trong dạy và học ngoại ngữ. Phấn đấu đến năm 2030, 80% GV đạt chuẩn mức độ 2 khung năng lực số đáp ứng mục tiêu chuyển đổi số toàn ngành giáo dục và 60% GV thành thạo giao tiếp và tiếp cận học liệu bằng ngoại ngữ tương đương bậc 3 khung năng lực ngoại ngữ.

Làm gì để


Cần các giải pháp thực tế

Ông Hoàng Sơn Hải, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Chí Thanh (quận Tân Bình), cho biết mục tiêu trang bị năng lực ngoại ngữ, tin học cho HS của thành phố là cần thiết, mặc dù vậy cần những giải pháp thực tế hơn. Ông Hải nêu dẫn chứng từ thực tiễn nhiều năm cho thấy nhiều GV đều tâm tư rằng chương trình SGK tiếng Anh dù có thay đổi nhưng chưa cập nhật theo chuẩn quốc tế. HS của chúng ta rất giỏi ngữ pháp nhưng kỹ năng nghe, nói lại kém, trong khi mục tiêu của môn ngoại ngữ là để các em giao tiếp được. "Rõ ràng có thực trạng các em HS phải đi học thêm ngoài trung tâm ngoại ngữ, học thêm thầy, cô bên ngoài rất nhiều nhưng trong đó lại cũng nhiều GV dạy về ngữ pháp, khiến HS thiệt thòi" - ông Hải nói.

Từ thực tế quản lý trường phổ thông, ông Hải đề xuất cần từng bước thay đổi chương trình dạy tiếng Anh, tăng phần thực hành giao tiếp ngay từ giai đoạn tiểu học. Muốn HS thông thạo giao tiếp ngoại ngữ thì trước hết tiếng Anh phải chuẩn hóa ngay từ các cấp học nhỏ hơn.

Hiện nay đến lớp 12, HS vẫn phải học và thi theo chuẩn của Bộ GD-ĐT thì rất khó để mục tiêu đặt ra đạt tính khả thi. "Để có thể tăng phần thực hành giao tiếp ngoại ngữ trong trường phổ thông, phải chấp nhận để thực hiện các chương trình liên kết từ bậc học THPT. Muốn liên kết phải có kinh phí, vì vậy cần cho các trường cơ chế tự chủ nhiều hơn. Học phí chương trình liên kết có thể cao hơn nhưng tạo cơ chế để các trường mạnh dạn thực hiện" - ông Hải đề xuất.

GV tiếng Anh một trường THPT tại quận 1 cho rằng hiện nay đa số các trường đều thực hiện cùng lúc nhiều chương trình tiếng Anh, ngoài chương trình của Bộ GD-ĐT, nhiều trường triển khai các chương trình tăng cường, tiếng Anh tích hợp. TP HCM luôn là địa phương dẫn đầu cả nước về điểm thi tốt nghiệp môn tiếng Anh qua các năm nhưng phải thừa nhận một thực trạng, điểm số này có sự góp công rất nhiều của hệ thống các trung tâm ngoại ngữ bên ngoài nhà trường. "GV dạy trong trường dù sáng tạo, tâm huyết nhiều cũng bị những hạn chế do nhiều nguyên nhân. Sĩ số trên lớp đông, môi trường giao tiếp bó hẹp. Dạy học phải phục vụ thi cử nên GV ngại đổi mới" - vị này cho biết.

Đồng tình với ý kiến trên, nguyên hiệu trưởng một trường THPT tại TP HCM cho rằng không thể phủ nhận trình độ tiếng Anh của HS hiện nay tốt hơn trước rất nhiều nhưng điều quan trọng là phải phân tích rõ nguyên nhân nhờ đâu, để từ đó có chính sách, biện pháp nâng cao hiệu quả đào tạo. Theo vị này, chính chương trình, thi cử hiện nay đã khiến việc dạy và học tiếng Anh trong nhà trường giảm hiệu quả. Người học tiếng Anh còn mang tính đối phó, xem bằng cấp như một tiêu chuẩn, điều kiện để bổ túc hồ sơ thi tuyển, xin việc, bổ nhiệm…. Những người thực sự cần tiếng Anh để làm việc không thể dựa vào chương trình đào tạo chính khóa trong nhà trường mà phải bỏ thêm tiền bạc, thời gian để vào các trung tâm ngoại ngữ của nước ngoài học nâng cao. 

 

Theo Đặng Trinh
Người Lao động

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

TIN MỚI

TIN KHÁC

COLUMBIA
-->
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây