Tác động của cuộc CMCN lần thứ 4 dẫn đến thay đổi mạnh mẽ về cơ cấu việc làm. Điều này đòi hỏi HSSV cần trang bị thêm nhiều kỹ năng để thích ứng.
Cần năng lực tạo ra sự đổi mới, năng suất lao động cao
Theo những dự báo của Viện McKinsey Global năm 2018, công việc của khoảng 20% dân số sẽ bị ảnh hưởng bởi việc áp dụng phổ biến AI và tự động hóa. Dự báo khoảng 800 triệu công việc sẽ bị robot thay thế trên khắp thế giới đến năm 2030. Những công việc bị thay thế này không chỉ giới hạn ở giới công nhân “cổ xanh” mà còn cả công nhân “cổ trắng”.
Tại báo cáo thường niên “Future Of Jobs” 2020, Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) cũng nhấn mạnh về thay đổi lớn trong cách thức lao động, 85 triệu loại hình công việc cũ sẽ bị giảm sút hoặc thay thế vào năm 2025. Bên cạnh đó, sẽ có rất nhiều công việc mới được sinh ra khiến người trẻ ngày càng trở nên lo lắng về tương lai nghề nghiệp.
Khi chia sẻ về vấn đề này, PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm khoa Các khoa học giáo dục, Trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội) đã nhắc đến vấn đề lớn mà học sinh, những người đi làm hiện phải đối mặt.
Đó là sự cạnh tranh chưa từng có vì công nghệ tiên tiến khiến xu hướng làm việc ở nhà trở nên hiệu quả và sẽ là xu thế trong tương lai.
Như vậy, một cá nhân sẽ không phải chỉ cạnh tranh về năng lực, phẩm chất với những cá nhân xuất sắc tốt nghiệp cùng khóa, mà còn phải cạnh tranh với những cá nhân xuất sắc trong khu vực, các nước trong khối ASEAN.
Trong khi đó, các nhà tuyển dụng lao động chỉ tìm kiếm người có năng lực để tạo ra sự đổi mới và năng suất lao động cao.
Những phẩm chất của lao động truyền thống vốn được đề cao như sự cần cù, chăm chỉ, khéo tay, hay một trí nhớ tốt không còn chiếm ưu thế trong một xã hội mà AI phủ sóng.
Thay vào đó, ưu thế sẽ thuộc về người lao động có kiến thức nghiệp vụ chuyên sâu, hiểu biết về tư duy tài chính và có năng lực ngôn ngữ để làm việc trong môi trường quốc tế hóa.
Nhà sử dụng sẽ tìm kiếm lao động có kỹ năng giải quyết vấn đề phức tạp, tư duy phản biện, sáng tạo và đổi mới, trí tuệ cảm xúc, định hướng dịch vụ, đàm phán thuyết phục và nhận thức linh hoạt.
Đạo đức làm việc và người có những phẩm chất như trung thực, kỷ luật, cam kết, chính trực, đam mê, tôn trọng sự khác biệt cũng được đề cao.
Bối cảnh này, rõ ràng người học phải học cách học để tự cập nhật các năng lực của mình một cách liên tục. Việc xuất sắc ngôn ngữ, giỏi ngoại ngữ là lợi thế tuyệt vời bởi đó chính là công cụ không thể thiếu cho việc thu nhận, cập nhật kiến thức toàn cầu.
Xu thế môi trường làm việc đa quốc gia cũng dẫn đến đòi hỏi tất yếu về năng lực ngoại ngữ của người lao động, cũng như phẩm chất của một công dân toàn cầu.
Những đòi hỏi mới với người lao động tất yếu kéo theo yêu cầu mới với giáo dục. Có lẽ bởi vậy, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 quy định học ngoại ngữ bắt buộc từ lớp 3, thay vì là môn tự chọn như trước đây. Sinh viên thì cần đáp ứng chuẩn ngoại ngữ mới có thể cầm tấm bằng tốt nghiệp. Cách thức tổ chức dạy học, trong đó có dạy học ngoại ngữ cũng đứng trước yêu cầu phải đổi mới và đổi mới đó không thể đứng ngoài sự phát triển của công nghệ.
Ngoại ngữ - chìa khóa mở cánh cửa vào thế giới tri thức
Liên quan đến nội dung này, ông Vương Quốc Hùng, Trưởng Phòng Tuyển sinh, Trường ĐH CMC cho rằng: Trên thị trường tuyển dụng hiện tại, những ứng viên tìm việc làm với các bằng cấp trường lớp và kinh nghiệm cần thiết có rất nhiều.
Nhưng để tìm được một ứng viên lý tưởng với kỹ năng mềm hoàn hảo, đặc biệt là kiến thức, kỹ năng, ngoại ngữ, thái độ hòa nhập và trách nhiệm nghề nghiệp thì lại rất ít.
Bên cạnh đó, có một số đặc điểm biến đổi so với trước đây do tác động của cuộc CMCN lần thứ tư, đòi hỏi sự thay đổi trong công nghệ kỹ thuật số hay sự chuyển đổi ngành nghề, để phù hợp thị trường lao động đang phát triển và hội nhập…
Bên cạnh năng lực chuyên môn của nghề nghiệp, người trẻ cần có những năng lực cốt lõi, đặc biệt là năng lực đổi mới sáng tạo, năng lực thích ứng với sự biến đổi nhanh chóng của công nghệ số.
Song song đó, các tiêu chí nhân lực chất lượng cao mang tính quốc tế cần phải đáp ứng nhu cầu việc làm sau khi ra trường, thích nghi nhanh, dễ chuyển đổi điều kiện công việc, dễ đào tạo nâng cao, kỹ năng mềm, ngoại ngữ thành thạo, năng suất lao động cao…
Đặc biệt chú trọng những kỹ năng mềm về nhận thức, tư duy phản biện, sáng tạo ý tưởng, ra quyết định đúng đắn trong nhiều môi trường thử thách, biến động… Nhìn chung, sự kết hợp của công nghệ kỹ thuật số, vật chất và sinh học không chỉ tác động đến sự chuyển dịch cơ cấu lao động, mà còn hội tụ tất cả các kỹ năng xã hội và sáng tạo.
Theo Hiếu Nguyễn
Giáo dục và Thời đại
Ý kiến bạn đọc
TIN MỚI
TIN KHÁC