Chúng ta thường bắt đầu gặp một số vấn đề sức khỏe khi bước vào tuổi trung niên, đặc biệt là khi qua tuổi 50. Việc tránh một số sai lầm khi chăm sóc sức khỏe có thể giúp cải thiện đáng kể chất lượng sống và kéo dài tuổi thọ.
Đối với những người trung niên, nguy cơ mắc một số bệnh tự nhiên sẽ tăng lên đáng kể so với khi còn trẻ. Chú ý chăm sóc sức khỏe là điều rất cần thiết, đặc biệt là những người mà tiền sử gia đình mắc một số bệnh cụ thể.
Những sai lầm cần tránh khi chăm sóc sức khỏe ở người trung niên, đặc biệt là sau 50 tuổi gồm:
Không khám sức khỏe định kỳ
Khám sức khỏe định kỳ rất quan trọng đối với người trung niên và người già. Nhiều bằng chứng nghiên cứu cho thấy khám sức khỏe định kỳ có thể giúp phát hiện sớm nhiều bệnh nguy hiểm, chẳng hạn như ung thư hoặc tim mạch.
Thậm chí, trong một số trường hợp, bác sĩ đã phát hiện sớm các tổn thương tiền ung thư, nhờ đó giúp ngăn chặn ung thư từ rất sớm.
Không coi trọng sức khỏe tâm lý
Theo Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH), người trung niên có nguy cơ cao hơn bị trầm cảm nặng. Thậm chí, một số người còn mắc chứng rối loạn trầm cảm dai dẳng, một loại trầm cảm mà các triệu chứng kéo dài hơn 2 năm.
Người bước vào tuổi trung niên không chỉ đối diện với nguy cơ sức khỏe giảm sút mà còn dễ rơi vào cảm giác trống rỗng, mất động lực sống và mong muốn đi tìm ý nghĩa cuộc sống. Hệ quả là có thể gây ra cảm giác chán nản, căng thẳng và lo âu kéo dài. Tình trạng này có thể làm rút ngắn tuổi thọ. Do đó, chăm sóc tâm lý lúc này là cần thiết.
Ít tập thể dục
Những người trung niên cần tập thể dục thường chuyên và biến đó trở thành thói quen không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày. Tập luyện thường xuyên sẽ giúp sức khỏe tốt hơn, giảm nguy cơ mắc các bệnh thường gặp ở tuổi trung niên trở đi như huyết áp cao, tiểu đường hoặc ung thư.
Ngoài ra, từ những năm 30 tuổi, cứ sau 10 năm thì cơ thể sẽ mất khoảng 5% khối lượng cơ. Sự mất cơ này thể hiện ngày càng rõ khi chúng ta già đi. Tin tốt là tập luyện thể thao thường xuyên sẽ giúp ngăn ngừa tình trạng này, thậm chí giúp cơ bắp phát triển lớn hơn.
Không chú ý đến khớp
Các khớp xương sẽ mài mòn và tích tụ tổn thương dần qua năm tháng. Những tổn thương này đến lúc nào đó sẽ xuất hiện thành triệu chứng cụ thể, chẳng hạn như cứng và đau nhức khớp. Để ngăn ngừa và cải thiện sức khỏe khớp, mọi người cần tập thể dục thường xuyên, ăn uống đủ chất, giảm cân và tuân thủ chỉ định điều trị của bác sĩ nếu mắc bệnh về khớp.
Theo Ngọc Quý
Thanh niên
Ý kiến bạn đọc
TIN MỚI
TIN KHÁC