Bỏ thi bắt buộc môn Tiếng Anh có hợp lý?

Thứ hai - 20/11/2023 19:31:49


Thi tốt nghiệp THPT 2025 gồm hai môn bắt buộc Toán, Văn, không có Ngoại ngữ, theo đề xuất của Bộ Giáo dục, gây không ít băn khoăn, nhưng đa số đồng tình.

Ngày 14/11, Bộ Giáo dục và Đào tạo kiến nghị kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 gồm hai môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn và hai môn tự chọn trong các môn Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ (phương án 2+2). Điều này đồng nghĩa học sinh không bắt buộc phải thi môn Ngoại ngữ, trong đó phần lớn là tiếng Anh.

Thầy Trần Ngọc Hữu Phước, giáo viên tiếng Anh trường THPT Bùi Thị Xuân, TP HCM, nói khá băn khoăn. Với kinh nghiệm 12 năm giảng dạy, thầy Phước nhận thấy rõ sự tiến bộ của học sinh từ khi Tiếng Anh trở thành môn thi tốt nghiệp bắt buộc vào năm 2015. Phải mất một thời gian dài, năng lực ngoại ngữ của học sinh mới được nâng lên như hiện nay, nếu không bắt buộc thi, thầy lo học sinh có thể xem nhẹ, lơ là, học đối phó môn này.

"Nhiều học sinh sẽ tập trung cho các môn thi theo khối xét tuyển đại học mà bỏ qua tiếng Anh. Trong khi bất kỳ lĩnh vực nào hiện nay đều rất cần tiếng Anh, kể cả Y Dược, khoa học kỹ thuật", thầy Phước nói.

Dù vậy, qua một số khảo sát, số đông đồng tình với Bộ Giáo dục và Đào tạo. Thăm dò của VnExpress ngày 14/11 với hơn 9.200 độc giả tham gia, khoảng 80% đồng ý thi bắt buộc Toán, Văn và hai môn tự chọn (2+2), trong đó, Ngoại ngữ là môn tự chọn.

Khảo sát của Bộ Giáo dục và Đào tạo với khoảng 18.000 cán bộ, giáo viên ở một số tỉnh thành hồi tháng 8 cho kết quả 60% chọn phương án 2+2. Trong phiên họp của Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực do Phó thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì hôm 14/11, đa số đại biểu cũng ủng hộ phương án này.

Theo nhiều nhà giáo, phương án thi tốt nghiệp 2+2 với môn Ngoại ngữ không bắt buộc là hợp lý, bởi nhiều lý do, trong đó không phải cứ thi thì năng lực ngoại ngữ của học sinh sẽ tốt hơn.

bỏ thi


Đầu tiên, phương án thi hai môn bắt buộc sẽ gọn nhẹ, tiết kiệm chi phí cho người dân và xã hội mà vẫn hiệu quả, theo GS.TS Phạm Hồng Quang, Chủ tịch Hội đồng Đại học Thái Nguyên. So với hiện tại, phương án này giảm hai môn thi và một buổi thi.

Ông Quang cho rằng Toán và Ngữ văn là hai môn nền tảng, đại diện cho khối khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, học sinh có định hướng đi làm ngay hay học tiếp cao đẳng, đại học đều cần.

Với các môn còn lại, không nên quan niệm đâu là môn chính, môn phụ mà tất cả có giá trị như nhau bởi đều kiến tạo năng lực cơ bản cho người học. Việc có hai môn tự chọn trong các môn còn lại cũng giúp học sinh tập trung vào tổ hợp xét tuyển đại học mà mình mong muốn.

Thứ hai, thạc sĩ Hồ Sỹ Anh, chuyên gia Viện Nghiên cứu Giáo dục, trường Đại học Sư phạm TP HCM, nhận định phương án 2+2 đảm bảo sự cân bằng về số lượng môn khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Trong khi đó, hai phương án còn lại (thêm môn bắt buộc Ngoại ngữ, Lịch sử) đều gây thiệt thòi cho các thí sinh khối tự nhiên.

Ngoài ra, theo nhiều nhà giáo, lo ngại học sinh bỏ bê tiếng Anh nếu Ngoại ngữ là môn tự chọn là không cần thiết.

GS Thái Văn Thành, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An, tại cuộc họp Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực hôm 14/11, nói không phải cứ thi là năng lực tiếng Anh của học sinh sẽ tăng lên.

Ở Nghệ An, chất lượng dạy và học tiếng Anh tốt hơn so với cách đây 5 năm nhưng theo GS Thành, nguyên nhân chính là tỉnh có những có chế tác động tới người dạy, người học, quan tâm tới môi trường học tập. Đây là một trong số ít địa phương chi ngân sách bồi dưỡng giáo viên tiếng Anh theo chuẩn quốc tế (TOEIC), xét tuyển lớp 10 với học sinh có chứng chỉ IELTS từ 4.0 hoặc tương đương.

Ông Sỹ Anh cũng cho rằng không nên lo ngại bởi hầu hết trường đại học đã đưa tiếng Anh vào tổ hợp xét tuyển, hoặc xét kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ và điểm thi tốt nghiệp.

"Vì thế, học sinh muốn xét tuyển đại học thì vẫn bắt buộc học và thi Tiếng Anh", ông Sỹ Anh nói.

Đồng tình, cô Thảo, giáo viên tiếng Anh một trường THPT ở Hà Nội cho rằng việc thi môn Ngoại ngữ bắt buộc hay tự chọn không nhiều tác động.

"Nếu chỉ học để thi, học vì bị ép, kỹ năng của các em cũng không cao, sớm quên sau khi tốt nghiệp", cô nói. Bài thi tốt nghiệp môn Tiếng Anh hiện nay cũng không có phần Nghe, Nói nên học sinh thi điểm cao chưa chắc đã có thể ứng dụng.

Thực tế, nhiều học sinh hiểu vai trò của ngoại ngữ hơn, chủ động đi học để phát triển cả bốn kỹ năng Nghe - Nói - Đọc - Viết chứ không chỉ chăm chăm học ngữ pháp để thi tốt nghiệp THPT. Như năm nay, gần 47.000 thí sinh được miễn thi và tính điểm 10 môn Ngoại ngữ vì đã có chứng chỉ quốc tế. Số này tăng 12.000 so với năm ngoái.

Cuối cùng, các nhà giáo cho rằng ở nhiều quốc gia, kỳ thi tốt nghiệp THPT cũng diễn ra gọn nhẹ, tuy không có mẫu số chung về số môn thi. Như tại Nga, thí sinh thi hai môn bắt buộc là Tiếng Nga và Toán. Nếu muốn học tiếp đại học, cao đẳng, thí sinh phải thi môn mà trường yêu cầu.

Tại Trung Quốc, thí sinh làm ba bài bắt buộc là Toán, Trung văn, Tiếng Anh và một môn tự chọn. Tuy nhiên, việc thi Tiếng Anh bắt buộc đang gây tranh cãi khi thời lượng học môn này chỉ 6-8%, ít hơn môn Toán và Trung văn nhưng trọng số điểm thi như nhau. Hơn nữa, không phải ai cũng có thể giỏi hoặc cần dùng ngoại ngữ sau khi tốt nghiệp phổ thông.

Nếu Tiếng Anh không còn là môn thi tốt nghiệp bắt buộc, cô Thảo đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo chọn chứng chỉ VSTEP (kỳ thi năng lực tiếng Anh của Việt Nam, gồm 6 cấp độ) để công nhận trình độ cho học sinh khi học xong chương trình THPT. Các trường đại học hay doanh nghiệp có thể sử dụng chứng chỉ này để xét tuyển.

"Khi có một thước đo chính xác, hữu ích, học sinh sẽ không bỏ bê ngoại ngữ", cô chia sẻ.

Còn theo ông Sỹ Anh, Bộ cũng như các trường phổ thông cần tích cực đổi mới phương pháp dạy và học ngoại ngữ, làm sao để học sinh yêu thích và tự giác học môn này, thay vì chỉ học để xét tuyển đại học.

"Những năm gần đây, Bộ nhiều lần nhấn mạnh vào việc đổi mới cách dạy và học Lịch sử, Ngữ văn, và giờ là lúc áp dụng những điều đó vào môn Ngoại ngữ", ông Sỹ Anh nói.

Năm 2025 là thời điểm lứa học sinh đầu tiên theo chương trình giáo dục phổ thông mới thi tốt nghiệp. Hiện kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức với 6 môn, gồm Toán, Văn, Ngoại ngữ, Khoa học Tự nhiên (Lý, Hóa, Sinh) hoặc Khoa học Xã hội (Sử, Địa, Giáo dục công dân).

Phương án thi cuối cùng sẽ do Chính phủ phê duyệt, dự kiến công bố trong năm nay.

 

Theo Dương Tâm
VnExpress

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

TIN MỚI

TIN KHÁC

COLUMBIA
-->
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây