Để không còn chuyện không thi không học

Thứ hai - 20/11/2023 19:41:13


Sau đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo về phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, nhiều người lo ngại những môn không thi học sinh sẽ không học, người dạy môn đó sẽ ngó lơ và càng tạo điều kiện cho học sinh học lệch.

để không còn


Quan niệm "không thi không học" không biết hình thành từ bao giờ nhưng đã trở thành một thói quen rất khó bỏ như thực tế đã thấy vài năm gần đây.

Hệ lụy của học lệch

Việc học lệch để chăm chăm vào những môn thi, kể cả học thêm, luyện cách trả lời các bài trắc nghiệm với mục đích đạt được điểm cao trong xét tuyển vào đại học là sự lệch lạc trong giáo dục toàn diện con người.

Nhất là khi chúng ta đang chuyển từ việc chú trọng truyền thụ nội dung kiến thức sang hình thành, phát triển năng lực trên cơ sở kiến thức, kỹ năng, làm chủ việc học tập và có đạo đức tốt, thì xem ra việc học và dạy "vị thi cử" đã làm méo mó những định hướng của nghị quyết 29 và làm sai lệch mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Điều này dẫn đến nguồn nhân lực của đất nước, đặc biệt năng lực tích lũy trong mỗi cá nhân, sẽ dễ bị lệch lạc, mất cân đối hài hòa về nhân lực giữa các khối ngành.

Câu chuyện bạo lực học đường, thiếu kỹ năng mềm, giải quyết vấn đề sáng tạo... sẽ bị cản trở bởi văn hóa "không thi không học".

Mới đây, tại hội nghị phát triển giáo dục đại học 2023, một số doanh nghiệp đã phải thốt lên rằng nhiều học sinh khá giỏi nhưng năng lực làm việc khó đạt được yêu cầu một phần là do cách học để thi tồn tại cả ở nhà trường phổ thông và đại học.

Việc rèn luyện kỹ năng thích ứng với bối cảnh mới đòi hỏi nền giáo dục luôn phải đổi mới từ mục tiêu chương trình dạy học, phương pháp giảng dạy, đo lường đánh giá cùng với sự tham gia từ cộng đồng xã hội. Giáo dục là phải rèn luyện thách thức, ngọc càng mài càng sáng, không thể ngụy biện là thi nhiều môn sẽ gây sức ép lên học sinh.

Thi tốt nghiệp theo kiểu đánh giá năng lực

Xu hướng thế giới những năm gần đây phát triển việc thi tốt nghiệp THPT và dùng kết quả đó để xét tuyển vào đại học với số môn không chỉ 4-5 môn như của chúng ta.

Hiệu quả của việc thi đánh giá năng lực học tập và kỳ thi mang tính quốc gia cho thấy không chỉ tác động đến chất lượng của toàn hệ thống, thay đổi cách học, cách kiểm tra đánh giá theo năng lực mà còn tác động đến việc làm và thu nhập của người học trong tương lai của các kỳ thi như vậy. Khi đánh giá năng lực tổng hợp, người học sẽ được kiểm tra với số môn học liên quan gia tăng.

Trung Quốc trong đề án cải cách thi kiểm tra đánh giá cho 25 năm sau, người ta có đến 10 môn thi. Một số bang ở Hoa Kỳ cũng yêu cầu số lượng môn thi tương tự như vậy.

Trong mấy năm qua, một số đại học và trường đại học đã tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy. Đây có thể là những bài học kinh nghiệm và tham khảo cho ngành giáo dục trong quá trình đổi mới mạnh mẽ việc tổ chức thi tốt nghiệp THPT trên cơ sở ứng dụng công nghệ.

Chỉ có thi đánh giá năng lực học tập tổng hợp cộng với điểm hồ sơ đánh giá kiểm tra ở nhà trường được thực hiện khách quan, công bằng bởi thầy cô giáo và với sự kiểm soát của công nghệ mới hy vọng giảm bớt câu chuyện thi gì học nấy và rất đúng với nghị quyết 29 và chương trình giáo dục phổ thông 2018. Quan niệm thi gì học nấy sẽ được thay đổi bởi văn hóa học gì thi nấy.

Về hiệu quả kinh tế, tối ưu nhất là chỉ còn một kỳ thi duy nhất, vừa công nhận tốt nghiệp vừa xét tuyển vào đại học. Sẽ không còn các kiểu thi đánh giá năng lực của các đại học và một số trường đại học, khiến xã hội bối rối và chi phí tham gia đánh giá nhiều lần tốn kém. Điều này về hiệu quả kinh tế thuyết phục hơn là chỉ thi tốt nghiệp bốn môn.

Còn về tác động của kỳ thi tốt nghiệp THPT theo kiểu đánh giá năng lực thì kinh nghiệm và nghiên cứu của nhiều quốc gia đã cho thấy những tác động tích cực đến khả năng học đại học, cơ hội việc làm và tăng trưởng của người học.

Trước những thách thức của bối cảnh trong nước và thế giới, việc để cho học sinh đối mặt với thách thức cũng là cách rèn luyện như người lính năm xưa trước khi ra trận. Nếu không được trang bị đủ kỹ năng, ý chí rèn luyện đeo ba lô nặng tập hành quân, chắc chắn chiến sĩ sẽ rất khó có đủ năng lực, sức khỏe để chiến đấu, đối chọi với những thách thức nơi chiến trường.

 

Theo Tuổi trẻ

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

TIN MỚI

TIN KHÁC

COLUMBIA
-->
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây