Bảo đảm quyền lợi đổi môn học lựa chọn

Thứ ba - 04/07/2023 06:54:41


Kết thúc năm học 2022 - 2023, nhiều trường không ghi nhận học sinh có nguyện vọng đổi môn học lựa chọn, nhưng ở một vài nơi, số lượng này khá đông.

Bảo đảm quyền lợi


Những đơn vị này đều sớm lên kế hoạch, hướng dẫn học sinh để bảo đảm quyền lợi cũng như yêu cầu về kiến thức.

Nhiều, ít tùy trường

Thầy Trịnh Nguyễn Thi Bằng, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Đại Nghĩa (TP. Cần Thơ, Cần Thơ) cho biết: Kết thúc năm học 2022 - 2023, nhà trường có khoảng 20 học sinh mong muốn được đổi môn học lựa chọn. Dù thời gian cho học sinh đăng ký vào khoảng 10/7, nhưng trường ban hành kế hoạch về vấn đề này từ sớm (đầu tháng 4/2023) để các em chủ động chuẩn bị.

“Hình thức làm bài, nội dung trọng tâm của bài kiểm tra, đánh giá kiến thức, kỹ năng của môn học chuyển đổi được nhà trường niêm yết công khai trên website, bảng thông báo. Học sinh chỉ làm 1 bài kiểm tra, đánh giá đối với môn học chuyên đổi trong kỳ kiểm tra do nhà trường tổ chức tập trung 1 lần. Học sinh đăng ký các môn học đánh giá bằng nhận xét được chuyển đổi khi kết quả tất cả bài kiểm tra đều Đạt.

Học sinh đăng ký môn học đánh giá bằng nhận xét kết hợp đánh giá bằng điểm số được chuyển đổi khi kết quả các bài kiểm tra đạt từ 3,5 điểm trở lên. Số lượng học sinh được chuyển đổi lấy theo kết quả từ cao xuống thấp cho đến khi đủ sĩ số lớp theo thông báo của trường. Học sinh không được chuyển đổi tiếp tục học tại lớp có tổ hợp các môn đã học ở năm học trước”, thầy Bằng cho hay.

Kế hoạch nêu cụ thể các bước thực hiện chuyển đổi môn học, cụm chuyên đề học tập với từng nhóm học sinh. Cụ thể: Học sinh lớp 10 không được lên lớp; học sinh lớp 10 được lên lớp 11; học sinh lớp 10 không được lên lớp chuyển trường đến học lớp 10 tại Trường THPT Trần Đại Nghĩa; học sinh lớp 10 được lên lớp chuyển trường đến học lớp 11 tại Trường THPT Trần Đại Nghĩa; học sinh lớp 11 không được lên lớp và chuyển trường đến học lớp 11 tại Trường THPT Trần Đại Nghĩa.

Cùng với đó, nội dung kiến thức trọng tâm cho bài kiểm tra chuyển đổi môn học, cụm chuyên đề học tập năm học 2023 - 2024 của 9 môn học cũng được nhà trường ban hành. Trường không tổ chức các lớp bổ sung kiến thức, kỹ năng của môn học mới, cụm chuyên đề học tập. Do đó, học sinh chủ động học tập, nghiên cứu để nắm kiến thức, kỹ năng.

Tuy nhiên, không phải trường nào cũng có học sinh muốn chuyển đổi môn học. Ghi nhận tại nhiều trường (Trường THPT Hàm Long (Bắc Ninh), Trường THPT Đặng Trần Côn (Thừa Thiên - Huế), Trường THPT Minh Châu (Hưng Yên)…), đến cuối năm học chưa ghi nhận trường hợp nào có nguyện vọng muốn chuyển đổi môn học lựa chọn, chuyên đề học tập.

“Trên cơ sở nhiều tổ hợp, nhà trường tư vấn và phân tích kỹ với học sinh, cha mẹ nên tính đến thời điểm này, không học sinh nào của trường có nhu cầu chuyển đổi”, thầy Nguyễn Ngọc Hiền, Hiệu trưởng Trường THPT Đặng Trần Côn chia sẻ.

Tạo điều kiện cho học sinh

Tại An Giang, năm học đầu tiên thực hiện Chương trình 2018 ở cấp THPT ghi nhận một số em có nguyện vọng chuyển đổi môn học lựa chọn của học sinh lớp 10 lên lớp 11, hoặc chuyển về trường học lớp 11. Việc này, theo Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Tuấn Khanh, sở đã có Công văn số hướng dẫn chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập cấp THPT và Công văn về việc tiếp nhận và chuyển trường đối với học sinh phổ thông.

Bảo đảm quyền lợi1


Theo đó, với học sinh sau khi hoàn thành chương trình lớp 10 lên lớp 11 tại trường có nguyện vọng chuyển đổi, thủ trưởng đơn vị là người xem xét, quyết định cho học sinh có nguyện vọng chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập phù hợp với khả năng tổ chức của nhà trường. Học sinh phải có bản cam kết tự bổ sung kiến thức, kỹ năng của chương trình môn học mới, cụm chuyên đề học tập mới (có xác nhận đồng ý và cam kết của cha mẹ hoặc người giám hộ) để đủ năng lực học tiếp ở lớp học tiếp theo.

Nhà trường cần có giải pháp phù hợp hỗ trợ học sinh bổ sung kiến thức, kỹ năng của môn học mới, cụm chuyên đề học tập mới. Cùng với đó, tổ chức kiểm tra, đánh giá việc tự bổ sung kiến thức, kỹ năng của học sinh theo nội dung, yêu cầu cần đạt được quy định trong chương trình môn học.

Đối với trường hợp chuyển trường từ nơi khác về, nhà trường sắp xếp vào lớp có môn học lựa chọn gần nhất với môn mà học sinh đã học, nếu các môn học lựa chọn không trùng khớp. Người đứng đầu nhà trường xem xét, phối hợp với học sinh và gia đình, đồng thời có bản cam kết tự bù đắp các kiến thức những môn học không trùng khớp trong thời gian sớm nhất trước khi vào học. Trường cũng có giải pháp phù hợp hỗ trợ học sinh bổ sung kiến thức, kỹ năng của môn học mới để có đủ năng lực học tiếp môn học mới ở lớp học tiếp theo.

“Cuối năm học 2022 - 2023, qua nắm bắt tình hình các trường THPT vẫn có một số em muốn nguyện vọng chuyển đổi môn học lựa chọn. Trước thực tế này, sở GD&ĐT đã yêu cầu trường công khai, tạo điều kiện cho học sinh lựa chọn môn học theo đúng nguyện vọng, đồng thời phù hợp khả năng tổ chức của nhà trường”, ông Trần Tuấn Khanh chia sẻ.

 

Theo Long Anh - Hiếu Nguyễn
Giáo dục và Thời đại

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

TIN MỚI

TIN KHÁC

COLUMBIA
-->
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây