Trúng tuyển nguyện vọng 2, 3 ở những ngành 'không thích mấy' hoặc học một thời gian cảm thấy không phù hợp và không như mình mong muốn, nhiều sinh viên có nguyện vọng chuyển sang ngành học khác.
Có được chuyển đổi ?
Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Công thương TP.HCM, cho biết năm nào cũng có sinh viên (SV) có nhu cầu chuyển sang ngành học khác do ngành học đó chưa phải là nguyện vọng (NV) 1 của các em, hoặc SV cảm thấy không phù hợp sau vài tuần học dù đó là ngành thuộc NV 1.
Theo thạc sĩ Sơn, nếu ngành mà SV muốn chuyển đã đủ chỉ tiêu hoặc có điểm chuẩn cao hơn thì SV sẽ tiếp tục học ngành đã trúng tuyển hoặc tìm một ngành khác còn chỉ tiêu và có điểm chuẩn tương đương hoặc thấp hơn.
"Trong trường hợp không thể chuyển do không đủ điều kiện, thì sang năm học thứ 2 các em có thể đăng ký học song ngành hoặc dùng học bạ để xét tuyển lại vào ngành mình yêu thích, Trường ĐH Công thương TP.HCM nhận xét tuyển học bạ đối với thí sinh tốt nghiệp từ nhiều năm trước", thạc sĩ Sơn thông tin thêm.
Một cán bộ Trường ĐH Nha Trang cũng cho biết vào mỗi đầu năm học có khoảng 50-60 SV có NV đổi ngành học. "Trường cũng có hỗ trợ xử lý giúp các em trên nguyên tắc từ ngành đông SV sang ngành ít SV, từ ngành điểm cao sang ngành điểm thấp. Ngoài ra, trường cũng động viên các em trúng NV 2, 3 nếu không thích thì cứ cố gắng học hết một năm học, mục đích để trải nghiệm ngành học, biết đâu sau một năm lại có suy nghĩ khác và lại thấy yêu thích ngành hơn", tiến sĩ Phương chia sẻ.
Hằng năm, sau khi kết thúc mùa tuyển sinh, Trường ĐH Văn Lang cũng tiếp nhận khoảng hơn 30 SV mong muốn chuyển ngành vì một số lý do khách quan. Tiến sĩ Võ Văn Tuấn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Văn Lang, cho hay: "Trên tinh thần hỗ trợ người học hết mức, bộ phận tư vấn của trường sẽ tương tác trực tiếp với các bạn để hiểu sâu hơn về lý do muốn chuyển ngành. Khi nắm rõ được NV, chúng tôi bắt đầu tư vấn cho các bạn về chương trình học, cơ hội nghề nghiệp của ngành học mà bạn muốn chuyển đến cũng như tư vấn về quy chế chuyển ngành".
Theo đó, điều kiện để chuyển là ngành học phải còn chỉ tiêu, cùng tổ hợp xét tuyển với ngành học thí sinh đã trúng tuyển trước đó. Mức điểm trong tổ hợp xét tuyển của SV phải bằng hoặc cao hơn mức điểm trúng tuyển của ngành học muốn chuyển tới. Cuối cùng, để đảm bảo lộ trình cũng như chất lượng đào tạo thì tại thời điểm SV làm đơn vẫn phải còn trong thời gian được phép chuyển ngành.
Có sinh viên chuyển xong lại xin về ngành cũ
Theo đại diện các trường, không ít SV chọn ngành học nhưng chưa thực sự hiểu về ngành đó, nên việc xin chuyển ngành đôi khi là do cảm tính. Chính vì vậy, trước khi hỗ trợ chuyển ngành, SV đều được bộ phận tư vấn trao đổi, hướng nghiệp lại một lần nữa.
Cán bộ Trường ĐH Nha Trang cho hay: "Trường có môn "nhập môn ngành" cho tân SV để giới thiệu ngành nghề cho các em, đồng thời đưa SV đi trải nghiệm doanh nghiệp. Với những em chưa có trải nghiệm về ngành học mà đã muốn chuyển ngành, thông thường sau khi nghe tư vấn đa số đều tiếp tục học ngành mình đã trúng tuyển. Đã có một số trường hợp chuyển ngành rồi nhưng sau đó lại xin quay lại ngành học lúc đầu".
Tại Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, SV sẽ được cố vấn học tập, trợ lý giáo vụ khoa trao đổi, tư vấn. "Chỉ những em nào có lý do chính đáng và tha thiết muốn chuyển thì trường mới tư vấn chuyển sang những ngành còn chỉ tiêu và có điểm chuẩn tương đương. Tuy nhiên, dù là NV 2 hay 3, khi đã chọn để xét tuyển thì đó cũng là ngành các em đã có sự yêu thích nhất định. Cố gắng học tập và trải nghiệm một cách nghiêm túc, chưa chắc khi chuyển sang ngành khác các em đã thích hơn nếu như không có thái độ học tập tốt. Hơn nữa, ngày nay kiến thức tại các trường ĐH được thiết kế liên ngành, và việc làm cũng rất rộng mở, học một ngành có thể làm được nhiều công việc yêu thích khác nhau", thạc sĩ Đặng Kiên Cường, Trưởng phòng Công tác sinh viên Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, nhìn nhận.
Theo thạc sĩ Phạm Thái Sơn, trong những buổi sinh hoạt đầu khóa, Trường ĐH Công thương TP.HCM vẫn cung cấp cho SV những thông tin về nội dung ngành học, cơ hội việc làm... "Chúng tôi vẫn tư vấn các em đã trúng tuyển thì hãy cố gắng học tập, trang bị kiến thức chuyên môn, thực hành, trải nghiệm... thì sau này cơ hội việc làm tốt sẽ đến. Đừng yêu thích ngành học một cách cảm tính và "nhìn ngó" những ngành học có vẻ hấp dẫn khác mà hãy trải nghiệm và nỗ lực hết mình. Bên cạnh đó, nếu muốn thêm kiến thức và cơ hội việc làm ở lĩnh vực khác, các em hoàn toàn có thể chọn một ngành yêu thích khác để học song ngành", thạc sĩ Sơn chia sẻ.
Theo Mỹ Quyên
Thanh niên
Ý kiến bạn đọc
TIN MỚI
TIN KHÁC