Trong tháng 9, Bộ GD&ĐT sẽ công bố Phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, giải tỏa nhiều lo lắng cho thầy và trò trong dạy và học.
Theo Thông báo 1489/TB-BGDĐT, ngày 8/9/2023 của Bộ GD&ĐT, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã kết luận và chỉ đạo hoàn tất các công việc và công bố Phương án thi tốt nghiệp trung học phổ thông trong tháng 9/2023.
Trực tiếp dạy học gần 40 năm, tôi thấy nếu Phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 thi 4 môn bắt buộc (Ngữ văn và Toán học, Ngoại ngữ, Lịch sử) và 2 môn lựa chọn trong 4 môn đã chọn học (Vật lí, Hóa học, Sinh học, Công nghệ, Địa lý, Giáo dục kinh tế pháp luật, Tin học) sẽ đáp ứng cả 2 mục tiêu tốt nghiệp và tuyển sinh đại học.
Nếu học khối Tự nhiên, thí sinh có thể chọn Hóa - Lý hoặc Hóa - Sinh, hoặc Lý - Tin, Hóa - Công nghệ…; học khối Xã hội, có thể chọn 2 môn Địa - Công nghệ, Công nghệ - Tin học, hoặc Địa - Giáo dục kinh tế pháp luật... Học ít môn và thi 2 môn lựa chọn sẽ tạo điều kiện thời gian cho học sinh yêu thêm âm nhạc, mĩ thuật, trải nghiệm và sáng tạo.
Tham vấn thầy, cô giáo và học sinh ở Vĩnh Phúc, tôi nhận thấy các nhà giáo và học sinh đều nhất trí với phương án này. Nhà giáo Lê Văn Tuệ, ThS Vật lý, Trường THPT Vĩnh Yên, cho biết: “Dạy môn Vật lý, Hóa học hay Sinh học đều chịu tác động của phương án thi 2025.
Học sinh không chọn học các môn Tự nhiên đơn giản vì học khó hơn môn Địa, Giáo dục kinh tế pháp luật. Giáo viên “môn phụ” phải làm kiêm nhiệm”. Còn nhà giáo Nguyễn Cương, giáo viên môn Hóa của Trường THPT Đội Cấn, bày tỏ: “Nhu cầu học môn Hóa và Lý, Sinh đang thu hẹp, học trò có xu hướng rời xa các môn khoa học cơ bản này để chọn các môn Xã hội. Khối 10 trường tôi có 14 lớp thì 1 lớp học Hóa (A00), 3 lớp học Lý (A001), còn 10 lớp học khối D00”.
Nhà giáo Lê Hùng Cường, giáo viên môn Thể dục ở Vĩnh Yên, cho rằng: “Thi 4 môn bắt buộc và 2 môn lựa chọn giữ được sự ổn định dạy và học, 2 môn lựa chọn sẽ làm giảm áp lực học và thi. Điều ý nghĩa là học sinh được lựa chọn môn yêu thích phù hợp với năng lực và ngành nghề tương lai”.
Nhà giáo Nguyễn Lê Hoàn, giáo viên Ngữ văn Trường THPT Phạm Công Bình, cho biết: “Thầy trò sẽ quen với cấu trúc đề kiểm tra mới. Môn Ngữ văn 6 điểm trắc nghiệm và 4 điểm tự luận về vấn đề xã hội hoặc văn học viết khoảng 500 chữ, với ngữ liệu không có trong sách giáo khoa. Thầy không ngại chấm bài, trò không lo bị điểm kém, không sợ phải viết dài mấy trang nhưng để đọc hiểu được văn bản mới trong đề thì cần phải nỗ lực nhiều”.
Nhà giáo Nguyễn Tuyết Mai, giáo viên môn Lịch sử, Trường THPT Vĩnh Yên, chia sẻ: “Môn Sử thi bắt buộc cũng áp lực nhiều với cả thầy và trò, nhất là trò khối Tự nhiên. Tôi đề nghị câu hỏi Sử phải mới hoàn toàn và phải hướng đến năng lực hiểu biết của thí sinh, tránh hỏi dễ quá, đọc đề biết đáp án”.
“Chúng em lo quá. Khi biết Phương án thi 4 môn bắt buộc và 2 môn lựa chọn sắp được công bố, chúng em lại băn khoăn về việc thi và xét tuyển sinh, cấu trúc đề và nội dung thi... Chúng em hi vọng là đề thi theo hướng đánh giá năng lực, riêng môn Ngữ văn không phải học chép, học thuộc và viết dài như các anh chị hiện nay” - Nguyễn Mạnh Dũng, lớp 11A8 ở Vĩnh Yên, bộc bạch.
Kiểm tra, đánh giá là khâu cuối của hoạt động giáo dục. Đổi mới toàn diện đề thi, tổ chức thi và đánh giá sẽ phân hóa được năng lực hiểu biết và thực hành, điểm sẽ gần chất lượng thực hơn. Chương trình giáo dục phổ thông 2018, các môn học đều thay đổi từ nội dung đến phương pháp dạy và học, đặc biệt là môn Ngữ văn. Học thuộc nhiều, nhớ nhiều và thuộc lý thuyết nhưng chưa biết vận dụng thực hành sẽ bị đào thải.
Phương án thi 6 môn với hệ giáo dục phổ thông và 5 môn với hệ giáo dục thường xuyên (không thi ngoại ngữ) tạo thuận lợi cho học sinh học hệ giáo dục thường xuyên. Bằng tốt nghiệp phổ thông như nhau, nhưng học sinh hệ giáo dục thường xuyên thi ít môn hơn. Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho báo chí biết sẽ điều chỉnh và đưa môn Ngoại ngữ về đúng vị trí, việc dùng chứng chỉ ngoại ngữ tuyển thẳng chặt chẽ hơn.
Hiện nay, không ít phụ huynh trẻ rất nhạy cảm với thời cuộc nhưng có phần mơ hồ về mục tiêu giáo dục hiện đại. Mục đích của sự học là để mở mang hiểu biết, học để làm người tử tế, học để kiếm sống. Sự đổi mới hoàn toàn câu hỏi và cách thi và đánh giá theo năng lực sẽ dần xóa bỏ quan niệm lệch lạc “thi gì thì học nấy” đã ăn sâu trong tâm trí người Việt hàng chục năm qua.
Những người làm giáo dục và phụ huynh rất nên tìm hiểu để biết môn chính, môn phụ, để biết rằng các con học kiến thức phổ thông nền tảng để làm người tử tế và để kiếm sống chính đáng bằng nhiều nghề. Đầu tư công sức học một môn hay học thầy giỏi để đi thi, để có tấm bằng đẹp không còn nhiều giá trị khi xã hội chỉ coi trọng năng lực tư duy và kỹ năng, kinh nghiệm làm việc.
Nhiều cử nhân bây giờ học một ngành, đi làm một ngành khác, thậm chí không có bằng cấp. Năm 2023, khoảng 118.000 thí sinh đỗ đại học không nhập học, Thành phố Hồ Chí Minh thiếu 5.000 chỉ tiêu lớp 10 công lập, học sinh học nghề tăng lên... Điều đó cho thấy, định hướng nghề của thanh niên đã chuyển theo hướng “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh - một nghề giỏi, một đời vinh quang”.
Về lâu dài, thi tốt nghiệp THPT, phương thức tuyển sinh vào 10, tuyển sinh đại học thay đổi theo hướng năng lực người học sẽ từng bước giúp giáo viên điều chỉnh phương pháp dạy học, học trò thay đổi phương pháp học và tác động làm thay đổi nhận thức về mục tiêu học tập của con em theo năng lực và đam mê.
Chương trình giáo dục phổ thông 2018 sẽ làm thay đổi nhận thức của người dạy, người học và nhân dân về giáo dục và đào tạo. Phương án thi tốt nghiệp, thi tuyển sinh 6 môn sẽ góp phần định hướng cho người dạy, người học và toàn dân về giáo dục phải hướng đến mục tiêu phát triển con người Việt Nam toàn diện về nhân cách và trí tuệ, có tri thức và kỹ năng, nhân ái và tràn đầy niềm tin và khát vọng.
Theo Giáo dục và Thời đại
Ý kiến bạn đọc
TIN MỚI
TIN KHÁC